Hướng phát triển của Lý luận – Phê bình nhiếp ảnh Hà Nội

I. Sự tác động qua lại giữa định hướng lý luận phê bình với thực tiễn sáng tác

Lý luận phê bình nhiếp ảnh đáng lý ra phải đi trước một bước, gợi mở và định hướng cho hoạt động sáng tác nhiếp ảnh, nhưng với nhiếp ảnh Hà Nội không phải như vậy.

Sự ra đời của Nhiếp ảnh Việt Nam từ 1869 cũng là sự ra đời của Nhiếp ảnh Hà Nội. Cho đến nay đã gần 150 năm, Nhiếp ảnh Hà Nội vẫn chưa có một đội ngũ những nhà nghiên cứu phê bình nhiếp ảnh mang tính chuyên nghiệp đảm đương được chức năng đó. Nhiếp ảnh Hà Nội nói riêng và Nhiếp ảnh Việt Nam nói chung mới chỉ có một đội ngũ những người cầm máy đi theo Cách mạng ghi lại những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu từ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, đến sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 và Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp 1946…

Đảng và Nhà nước ta thấu hiểu tác dụng của loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh nên đã sớm nghĩ đến việc tổ chức hoạt động. Hội Văn hóa cứu quốc đã triệu tập các nhà nhiếp ảnh dự Hội nghị tập huấn chính trị, trang bị lý luận cho đội ngũ những người cầm máy. Trong hai ngày (17 và 18/11/1947), nhà thơ Tố Hữu khi ấy chưa đầy 30 tuổi, với cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, trong bài viết của mình, ông đã đề cập đến 5 quan điểm khá sâu sắc về nhiếp ảnh, đó là:
– Khả năng diễn tả đặc biệt của nhiếp ảnh;
– Phương pháp diễn tả của nhiếp ảnh;
– Những điều kiện để thực hiện phương pháp sáng tác nhiếp ảnh;
– Nhiệm vụ của nhiếp ảnh trong giai đoạn tổng phản công;
– Vị trí và triển vọng của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Sau hội nghị tập huấn, bên súng, bên máy ảnh, các nhà nhiếp ảnh kháng chiến có mặt tại các mặt trận: “Biên giới”, “Cao Bắc Lạng – Thái Tuyên Hà”, “Hòa Bình”, “Tây Bắc”, “Thượng Lào” rồi “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Nhân dân vùng kháng chiến đã được tiếp cận “tai nghe mắt thấy” với những hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta qua các triển lãm ảnh ở khu 7, khu 9, khu 10 và triển lãm ảnh cá nhân của các tác giả: Nguyễn Hồng Nghi, Đinh Đăng Định, Vũ Năng An… Đặc biệt là Triển lãm ảnh phục vụ Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 25 – 28/9/1949 với sự xuất hiện tên tuổi của các nhà nhiếp ảnh như Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Hải Bằng, Nguyễn Bắc, Hồng Tranh, Trần Văn Lưu… Nhà nhiếp ảnh Hồng Tranh đọc tham luận tại Đại hội đã được đông đảo các văn nghệ sĩ chú ý. Đặc biệt ảnh “Xung phong” của Nguyễn Tiến Lợi (lúc đầu mang tên là “Trận Phố Ràng”) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Thế Lữ, Phan Văn Khoa, Thanh Tịnh… Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Tác phẩm “Trận phố Ràng” của anh Nguyễn Tiến Lợi mới là hiện thực100%. Tác phẩm mang tính sử thi hoành tráng, ghi nhận chiến công của Tiểu đoàn 11 (Sư 308) anh hùng tiêu diệt cụm cứ điểm Phố Ràng”.

Đọc lại những trang viết trong bút ký, phóng sự, tùy bút của các nhà văn: Trần Đăng, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tô Hoài về những trận đánh “Phố Ràng”, “Đánh chiếm Đại Bục, Đại Phác”, “Đồn Rơm”, “Khe Phia”, “Ngòi Me”… cùng với những hình ảnh chụp tại trận địa như “Trận Phố Ràng”, “Đánh chiếm Đại Bục, Đại Phác” của Nguyễn Tiến Lợi, người xem, người đọc có cảm giác như chính mình được tham gia cuộc chiến khốc liệt ấy.

Phải chăng tác phẩm “Trận Phố Ràng” bắt nguồn và có sự tác động nhất định từ hội nghị tập huấn đầu tiên cho các nhà nhiếp ảnh kháng chiến do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam triệu tập?

Qua các triển lãm, nhân dân vùng kháng chiến biết đến tên tuổi các nhà nhiếp ảnh như: Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Hồng Nghi, Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Tiến Lợi, Bùi Duy Ly, Triệu Đại…

Tin chiến thắng dồn dập qua báo chí cách mạng và báo chí nước ngoài; cùng với những hình ảnh chiến đấu và chiến thắng từ Điện Biên Phủ của Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông, được trưng bày tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã góp phần đưa nhanh tiến độ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương vào tháng 7/1954.
Xem ảnh của các nhà nhiếp ảnh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày 9/12/1965, tại Đại hội toàn quốc lần thứ Nhất thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Tố Hữu đã đọc bài phát biểu quan trọng, có sức khái quát và định hướng cho nhiếp ảnh Việt Nam rằng: “Cái đẹp trong Nhiếp ảnh Việt Nam là Cái đẹp Cách mạng, Cái Đẹp dân tộc và Cái đẹp sự thật!”. Ông nói thêm: “Dù sau này Nghệ thuật Nhiếp ảnh có khả năng tái hiện như thế nào đi nữa (do tiến bộ của khoa học kỹ thuật) nhưng Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn là Cái đẹp Cách mạng – Cái đẹp dân tộc và Cái đẹp sự thật!”

Điều mà nhà thơ Tố Hữu kỳ vọng, giới nhiếp ảnh Hà Nội (nói riêng) và Việt Nam (nói chung) đã đi đúng định hướng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tôi muốn đưa thêm một dẫn chứng thứ ba là: Ngày 8/11/1983, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bài phát biểu của Tố Hữu khá sâu sắc và xúc động, mang tựa đề: “Nhiếp ảnh – Nghệ thuật của con mắt tinh đời”, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tính đặc thù của Nhiếp ảnh: “…Nghệ thuật nhiếp ảnh có đặc thù riêng, ưu việt hơn một số ngành nghệ thuật khác là ghi trực tiếp, ghi nhanh hình ảnh của cuộc sống hiện thực…”, “…Cái tài của người chụp ảnh là nắm bắt được hình tượng để nói lên bản chất của sự việc, đưa nó vào ống kính và trong khoảnh khắc trình bày nó một cách trong sáng nhất, sinh động nhất. Đó mới là nghệ thuật nhiếp ảnh”, “…Người làm Nghệ thuật nhiếp ảnh phải có tình yêu lớn, một hiểu biết sâu rộng và phải có tài năng để nắm bắt trong khoảnh khắc những nét Đẹp và có giá trị của cuộc sống”.

Kết thúc buổi nói chuyện, Tố Hữu vô cùng xúc động và trịnh trọng tuyên dương: “Các nhà Nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho nhân dân ta một gia tài rất quý báu không những cho hôm nay mà mãi mãi về sau, nhân dân ta vẫn xúc động trước những tấm ảnh mà anh chị em nghệ sĩ đã chụp bằng cả trái tim, tấm lòng và tài năng của mình…”.

Đến dự Đại hội năm ấy (1983), Tố Hữu với tư cách là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng nhưng trước sau ông vẫn là người bạn lớn của giới Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông không phải là nhà lý luận về Nghệ thuật nhiếp ảnh và cũng không phải là Nghệ sĩ sáng tác của loại hình nghệ thuật ấy, nhưng trong mấy chục năm qua với tư cách là một nhà lãnh đạo cao cấp về Văn hóa – Văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, một nhà thơ lớn, ông có những bài phát biểu rất quan trọng và sâu sắc qua từng giai đoạn cách mạng, có giá trị định hướng cho Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam, cho đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Qua những dẫn chứng trên đây đủ thấy công tác nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh quan trọng biết nhường nào.

II. Điểm qua sự phát triển của Nhiếp ảnh Hà Nội

Trước khi đi vào luận bàn về Hướng phát triển của Nhiếp ảnh Hà Nội, cần điểm qua đôi nét về sự phát triển của Nhiếp ảnh Hà Nội.
Nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam từ năm 1869, do cụ Đặng Huy Trứ một nhà chiến lược quân sự, một nhà kinh tế, nhà văn hóa, nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XIX, là người Việt Nam đầu tiên đem nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam và cũng là người đầu tiên mở cửa hàng chụp ảnh tại phố Thanh Hà (nay là phố Ngõ Gạch), Hà Nội. Năm 1874 – mười lăm năm sau khi cụ mở hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” thì cụ mất. Năm cụ mất cũng là năm sinh ra nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) là một trong bốn danh nhân Nhiếp ảnh Việt Nam, một người Hà Nội, nhà nhiếp ảnh tài năng, người thầy lớn đã đào tạo hàng trăm nhà nhiếp ảnh có tay nghề cao làm nghề dịch vụ cho đất nước và làm nghề nhiếp ảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông còn là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, danh nhân văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Công lao truyền dạy của thầy Khánh Ký đã góp phần cho Nhiếp ảnh Việt Nam “Vang bóng một thời”.

Năm 1946, cụ Khánh Ký mất, cũng là năm hàng loạt các nhà nhiếp ảnh Cách mạng hăm hở “xuống đường” để ghi lại những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Cùng với sự phát triển và thành tựu đạt được của Nhiếp ảnh Cách mạng, nhiếp ảnh vùng tạm chiếm ở Thủ đô Hà Nội cũng phát triển, với những tên tuổi như Nguyễn Văn Khải, Tam Lang, Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Lê Văn Lễ, Đỗ Huân, Nguyễn Duy Kiên, Dương Quỳ, Minh Truyền… Nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân – người có công đặt nền móng cho Nhiếp ảnh Hà Nội, Trưởng ban tổ chức 3 cuộc triển lãm “ảnh Nghệ thuật Việt Nam” 1952 – 1953 – 1954 tại Hà Nội.

Năm 1966, thành lập Hội Văn nghệ Hà Nội, trong đó có Phân hội nhiếp ảnh. Người phụ trách nhiếp ảnh Hà Nội đầu tiên là nghệ sĩ Xuân Liễu. Thường trực nhiếp ảnh là nghệ sĩ Đỗ Huân. Cho đến hôm nay, sau hơn 40 năm hoạt động đã tổ chức được gần 40 cuộc thi và triển lãm ảnh Nghệ thuật tổng hợp và hơn 10 cuộc triển lãm ảnh Nghệ thuật cá nhân. Bên cạnh những cuốn sách ảnh Nghệ thuật lần lượt được xuất bản, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã thực hiện thành công đề tài và xuất bản cuốn “Nhiếp ảnh Hà Nội những chặng đường” nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử phát triển của Nhiếp ảnh Hà Nội.

Một cuộc hội thảo lớn về nhiếp ảnh được tổ chức mở ra một giai đoạn phát triển mới, trước khi Nhiếp ảnh Hà Nội mạnh dạn phát động cuộc thi và triển lãm ảnh “Hà Nội Đẹp và chưa Đẹp”. Ban tổ chức đã mời được các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, các kiến trúc sư – họa sĩ, các nhà sử học, nghiên cứu mỹ học âm nhạc lão thành và nổi tiếng như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Mỹ Duật, Hoàng Đạo Kính, Đặng Thái Hoàng, Trần Quốc Vượng, Trần Lê Văn, Dương Viết Á… đến dự và đọc tham luận tại Hội thảo. Sau ba lần tổ chức triển lãm đã gây được tiếng vang. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu dương: “Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội mở cuộc vận động sáng tác ảnh “Hà Nội Đẹp và chưa Đẹp” là một hướng đi tốt, cần phát triển và mở rộng ra phạm vi cả nước và trong bước đi lên của công cuộc đổi mới, có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực cần được đề cập, phản ánh như “Nhiếp ảnh Hà Nội đã và đang làm…”.

Việc làm của Hội Nhiếp ảnh Hà Nội được áp dụng và phát triển trên phạm vi cả nước như triển lãm “Huế Đẹp và chưa Đẹp” lần thứ Nhất, lần thứ Hai, rồi thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa lần lượt tổ chức theo sáng kiến của Nhiếp ảnh Hà Nội. Tiếp theo đó là các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình (ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội); Phạm Thế Duyệt (ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội); rồi đồng chí Trần Lưu Vỵ (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) đều có lời khen ngợi Nhiếp ảnh Hà Nội đi đúng hướng, có tác dụng tích cực đến cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, giới nhiếp ảnh Thủ đô cũng có những đóng góp đáng kể, với 5 đầu sách đơợc xuất bản, tuyển chọn 1.000 tác phẩm trưng bày ở nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Cuốn “Thăng Long – Hà Nội” qua hình ảnh in ba chữ: Việt – Anh – Pháp, do nhà xuất bản Hà Nội xuất bản đã được Hội sách Việt Nam tuyển chọn và công nhận là “Sách Hay và sách Đẹp” năm 2011; Cuốn “Hình ảnh Hà Nội” do tác giả Mạnh Thường tuyển chọn cũng được tặng Huy chương Đồng về sách Đẹp 2011 của Hội sách Việt Nam.

Cho đến hôm nay, Nhiếp ảnh Hà Nội đã gần 150 năm, với những thành tựu rất đáng được ghi nhận, có vị trí xứng đáng trong nền Văn học Nghệ thuật Thủ đô và cả nước. Nhiếp ảnh Hà Nội, điều đáng nói ở đây là qua các cuộc triển lãm nghệ thuật tổng hợp hay cá nhân cũng mới chỉ xuất hiện một số cây bút giới thiệu Tác giả – Tác phẩm trên các mặt báo, tạp chí, trên truyền hình Trung ương và Hà Nội hay tham dự đôi ba lần các cuộc Hội thảo do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2000.

Nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay đang lấy lại niềm tin yêu của giới nhiếp ảnh và công chúng yêu mến nghệ thuật Thủ đô và đồng bào cả nước, đang vững bước tiến lên. Cuộc hội thảo chuyên đề về công tác nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức là thể hiện , nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận – phê bình nhiếp ảnh.

III. Mối quan hệ giữa lý luận phê bình với tác giả  – tác phẩm và hướng phát triển của lý luận – phê bình nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay

Người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Nhiếp ảnh nói riêng cũng là một nghệ sĩ, thậm chí là nghệ sĩ bậc cao. Tác phẩm của họ được xem như một công trình nghiên cứu nghệ thuật, đó là nghệ thuật tìm ra cái hay, cái đẹp và tìm ra ý nghĩa thanh cao của tác phẩm, của nghệ sĩ sáng tác. Tìm ra cả những điều không hay, sự hạn chế hay non kém của tác phẩm, sự phản cảm của tác phẩm mà tác giả của nó chưa nghĩ tới. Người có lý luận sắc bén, họ còn tìm ra những điều rất hay mà tác giả chưa thấy hết được giá trị của nó.

Người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình phải giúp cho những nghệ sĩ sáng tác có tác phẩm tốt tăng thêm sự hưng phấn để làm ra những tác phẩm tiếp theo tốt hơn và chỉ ra được những tác phẩm mà tác giả của nó chưa nhìn ra, tiếp nhận nó một cách thoải mái để họ có thêm nghị lực và quyết tâm hoàn thiện tác phẩm – Những đứa con tinh thần của mình!

Người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp sâu rộng (nếu không nói là uyên bác), phải có bộ óc thông minh, có tài năng và đức hạnh cao quý, có trái tim nhân hậu và trong sáng, có năng khiếu cảm thụ thẩm mỹ cao, phải “đọc” được ý nghĩ của người sáng tác xem họ gửi gắm điều gì, họ nói gì trong tác phẩm?

Người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình phải hiểu thấu đáo công việc bếp núc chuyên sâu của người sáng tác, phải thâm nhập thực tế để tìm hiểu cuộc sống, để tránh “phán sai, phán nhầm” một cách võ đoán, tự cho mình có cái quyền tối thượng, nói cái gì cũng đúng, duy nhất đúng, khiến cho người sáng tác không thể tiếp nhận nổi, không “tâm phục, khẩu phục”; thậm chí còn ấm ức cự lại. Người làm công tác nghiên cứu phê bình càng không nên có những tư tưởng cơ hội nhỏ nhen, chuyên tìm ra kẽ hở là “phang tới số” những đối thủ có thể có tài cao hơn mình?

Cao hơn nữa, phẩm chất của ngơời làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình là tìm ra hướng đi đúng, định hướng cho sáng tác, đưa trào lưu sáng tác  đang đi chệch hướng quay trở về quỹ đạo. Phẩm chất cao đẹp của người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình là phải phát hiện, tìm ra những tài năng trẻ, giúp họ phát triển tài năng để hoàn thiện sự nghiệp của mình.

Người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình cần có sự công tâm trong thẩm định, đánh giá đúng tài năng và giá trị tác phẩm của tác giả; mặc dù ngoài đời họ có thể là kẻ thù của nhau, ấy là đạo đức cao thượng của người làm công tác nghiên cứu phê bình Văn học – Nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Nhiếp ảnh nói riêng.

Tất cả những điều vừa được đề cập ở trên là tầm quan trọng, đặc biệt quan trọng, là mối quan hệ mật thiết giữa Nhà Nghiên cứu Lý luận Phê bình với Tác giả – Tác phẩm và người xem.

Hội Nhiếp ảnh Nghệ  thuật Hà Nội đề cập đến việc tổ chức Hội thảo: “Lý luận phê bình Nhiếp ảnh hiện nay” là hướng đi đúng, đặt cả nền và móng cho tòa lâu đài Nhiếp ảnh Hà Nội trong tương lai.

Tôi xin tình nguyện là  một lương y “Kê đơn bốc thuốc”, nói rõ hơn là hiến kế tìm ra hướng phát triển của lý luận phê bình Nhiếp ảnh Hà Nội như Ban tổ chức hội thảo đã phân công, trao nhiệm vụ.

Nhiếp ảnh Hà Nội sau 47 năm thành lập và đi vào hoạt động (tính từ ngày thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật Hà Nội – 1966) đến nay đã tổ chức gần 40 cuộc triển lãm ảnh Nghệ thuật tổng hợp cùng với gần 10 cuộc Triển lãm ảnh Nghệ thuật cá nhân. Mỗi cuộc triển lãm, ít nhất là trưng bày 100 tác phẩm, nhiều là 200 tác phẩm. Với gần 50 cuộc triển lãm, số tác phẩm được tuyển chọn trưng bày và trao giải có thể tính đến con số 7.000 – 8.000 tác phẩm. Đó là chưa kể đến những tác phẩm không được tuyển chọn: 1 phải thắng 10, có khi 1 thắng 40! Con số tác phẩm bị loại phải tính đến hàng vạn, đủ thấy Kho vàng Trí tuệ đồ sộ của Nhiếp ảnh Hà Nội quý giá biết chừng nào!

Nhiệm vụ của người cầm bút tựa như một bác sĩ phẫu thuật, như một nhà khảo cổ học khai thác cổ vật. Hãy tổ chức một cuộc đại phẫu thuật xem cái kho vàng trí tuệ đồ sộ ấy có bao nhiêu vàng loại tốt, xấu, có bao nhiêu thợ kim hoàn giỏi, đã chế tác ra được bao nhiêu đồ trang sức tinh xảo cực kỳ quý hiếm để lại cho đời?

Để làm được công việc khai quật, đại phẫu thuật ấy, tôi xin mạo muội có một số ý kiến như sau:

1. Hội nhiếp ảnh Hà Nội sau đại hội đã phân công các phòng ban chuyên môn đi vào hoạt động như Ban sáng tác triển lãm, Ban phong trào và hội viên, đến nay cần có thêm Ban nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh đứng song hành với Ban sáng tác triển lãm. Người chịu trách nhiệm ban này không nhất thiết phải là người gắn mác “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” hay phải là ủy viên Ban chấp hành mà phải là người am hiểu, nhiệt tình, luôn nghĩ ra việc, sau khi chương trình hoạt động được nhất trí thông qua, người đó đứng ra điều hành thực hiện.

2. Hàng năm, các hội viên sáng tác có chế độ trợ cấp sáng tác thì các thành viên nghiên cứu lý luận phê bình cũng được hưởng trợ cấp như hội viên sáng tác. Một khi họ đã nhận thù lao, tự thân “con tằm” ấy phải rút ruột nhả tơ! Nếu con tằm nào không chịu nhả tơ, dĩ nhiên là sẽ bị cắt cái khoản quyền lợi ấy.

3. Bên cạnh những trại sáng tác được tổ chức, Ban lý luận phê bình cũng cần tổ chức Trại nghiên cứu lý luận để cùng nhau nghiên cứu, phân công và thực hiện. Thời gian có thể là từ 10 đến 15 ngày, tại một địa điểm yên tĩnh như Tam Đảo hay Đại Lải – Nơi gần Thủ đô để đỡ tốn kém kinh phí đi lại.

4. Trước mắt, nhiệm kỳ này BCH cần tổ chức hai trại như thế. Trại thứ nhất tập hợp các nhà nghiên cứu hiện có để cùng nhau đánh giá trữ lượng Kho vàng Trí tuệ ấy, tìm ra giá trị đích thực, phân loại, đánh giá thành tựu chung và những nét đặc biệt của Nhiếp ảnh Hà Nội qua từng giai đoạn, thành công ở mỗi thể loại, ở những đề tài, tổng kiểm kê xem có bao nhiêu người thợ kim hoàn giỏi, đã làm ra bao nhiêu đồ trang sức quý hiếm?
Kết thúc trại là sự hình thành Tập I với những nội dung đã đề cập ở  trên, mang tiêu đề: Nhiếp ảnh Hà Nôi với cách nhìn tổng quan.

5. Trong Kho vàng Trí tuệ ấy nổi lên bao nhiêu người thợ kim hoàn giỏi? Nói cụ thể hơn là những nhà nhiếp ảnh gạo cội, có bao nhiêu tác phẩm xuất sắc? Nhiếp ảnh Việt Nam có một thành tựu không nhỏ, trong số đó có sự đóng góp của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng là những nhà nhiếp ảnh Hà Nội. Hà Nội có 4 danh nhân nhiếp ảnh được in trong Bách Khoa thư; 4/5 nhà nhiếp ảnh đơợc giải thưởng Hồ Chí Minh và những nhà nhiếp ảnh được Giải thưởng Nhà nước đặc biệt xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của họ đáng để ta nghiên cứu, tôn vinh. Mỗi tác giả dành cho họ khoảng từ 15 đến 20 trang sách vừa bài viết, vừa in ảnh tác phẩm đi theo bài viết. Việc làm này đang ở trong tầm tay. Chỉ một khoảng thời gian trong trại viết, chúng ta có tập II với dung lượng và độ dày khoảng 300 – 400 trang, mang tên: Những gương mặt sáng giá của Nhiếp ảnh Hà Nội.

6. Khi đã có trong tay hai tập bản thảo hoàn chỉnh trao lại Ban Chấp hành, Ban Chấp hành lập đề án đệ trình Hội liên hiệp và thành phố xin kinh phí xuất bản. “Trông giỏ bỏ thóc”! Nhìn thấy sản phẩm trong tầm tay, tin rằng Hội Liên hiệp và lãnh đạo thành phố cấp kinh phí để chúng ta thực hiện.

7. Với vóc dáng của Nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay, đã đến thời điểm cần có một tờ Tạp chí hay Đặc san để chuyển tải thông tin về nhiếp ảnh, về Văn học – Nghệ thuật quốc gia và quốc tế đến với hội viên, chuyển tải những thông tin hoạt động Nhiếp ảnh Hà Nội, giới thiệu những gương mặt hội viên nhiều triển vọng, với công chúng yêu mến Nghệ thuật Nhiếp ảnh Thủ đô và đồng bào cả nước.

Trên đây là 7 ý kiến mang tính phác thảo đề cương. Những chủ trương biện pháp cụ thể xin nhường lại cho người được giao trọng trách điều hành vận dụng trong quá trình thực hiện.

Tác giả bài viết: Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan