(Khám phá) Thủy triều xuống là lúc người dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) bắt đầu khai thác hàu, ốc, cá…, thu về vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Chiều cuối tháng 4, nước trên cửa biển An Hòa (Núi Thành, Quảng Nam) – nơi bốn nhánh sông Trường Giang hợp lưu rút xuống, để lại khu bờ trơ đáy. Đây là thời khắc thích hợp để hàng trăm người dân xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang và Tam Hòa bắt đầu một ngày mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Linh, xã Tam Hải mang chiếc rổ và bao tải tiến về cánh rừng ngập mặn ven bờ bắt hàu. Hai chân chị đi tất, hai tay đi găng tay để bảo vệ.
Thủy triều rút xuống, hàu bám vào gốc, rễ cây lộ ra. Ảnh: Đắc Thành. |
Trên rễ, gốc cây bần, mắm, đước… hàu bám vào dày đặc. Chị Linh chỉ việc bóc hàu cho vào rổ. Sau khoảng 30 phút, chị Linh đã có một rổ đầy hàu và đổ vào bao tải. “Khi bắt chúng phải trang bị bao tay và tất chân rất kỹ, vì loại này rất sắc. Mình không cẩn thận bị cứa vào chảy máu”, người phụ nữ 40 tuổi nói.
Công việc bắt hàu chỉ diễn ra khi triều xuống. Có ngày con nước xuống cả buổi, nhưng có con nước chỉ vài giờ đã lên lại. Nước xuống ban ngày thì dễ, ban đêm chị phải dùng đèn pin mang trên đầu để bắt hàu. “Bình quân mỗi ngày tôi bắt được 60-70 kg hàu, bán 3.000 mỗi kg, thu về 150.000-200.000 đồng”, chị nói.
Cũng trên cửa biển An Hòa, nước rút xuống để lộ những bãi bùn, cát. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng (xã Tam Giang) mang đồ nghề và lái ghe ra sông bắt ốc đinh. Chạy khoảng 30 phút, hai người tìm được nơi nước cạn gần một mét. Anh Tùng dùng chân điều khiển ghe, tay cầm cào tự chế bằng cán tre dài khoảng 4 m, phía dưới gắn túi lưới.
Thuyền nổ máy đi một lối thẳng, anh Tùng cho túi lưới xuống đáy, đôi tay nắm chặt cần sào. Đi khoảng 50 m, một đống ốc đinh, vỏ hàu, ngao, sìa lẫn lộn nằm gọn trong túi lưới được anh Tùng đưa lên, đổ vào ghe. Vợ anh đảm nhiệm công việc phân loại.
Vợ chồng anh Tùng lái ghe đi cào ốc đinh. |
Theo anh Tùng, loại ốc đinh rất khó bắt vì vùi mình trong bùn cát, chỉ khi nước cạn mới chui ra. “Nghề này đều phụ thuộc vào con nước, có khi nước xuống nhưng ốc không nổi vì độ ngọt cao, chỉ nổi lên khi nước mặn”, anh nói.
Kết thúc công việc khi mặt trời lặn, vợ chồng anh Tùng đánh bắt được gần trăm kg ốc đinh. “Loại 65 con một lạng bán 10.000 đồng một kg; còn ốc nhỏ, vỏ hàu đóng vào bao tải bán cho các sở sản xuất nung vôi 10.000 đồng một bao”, anh nói.
Trên cửa biển An Hòa, loại ốc đinh người dân khai thác nhiều nhưng không liên tục nên ốc sinh sôi mạnh. “Ở đây bà con không có ruộng nên lấy sông thay ruộng nuôi sống gia đình. Cái nghề bắt ốc không mấy khó khăn, nhưng đòi hỏi cần cù, siêng năng”, vợ anh Tùng nói.
Khác với hai nghề trên, anh Trần Công Quang (xã Tam Giang) cùng đồng nghiệp chờ đón thủy triều lên để mưu sinh. Khi cửa biển An Hòa được lấp đầy nước anh dong ghe chở theo ngư cụ để hành nghề. Tấm lưới dài 400 m được anh thả xuống dòng nước sâu để đánh cá.
Một con cá hanh nặng gần một kg mắc lưới. Ảnh: Đắc Thành. |
Theo anh Quang, trên khu vực này cá từ ngoài biển ngược vào trú ngụ nhiều, trong đó những loài cá giá trên 200.000 đồng mỗi kg như hanh, dìa. Ngoài ra, cá đối, măng giá bán hơn 100.000 đồng một kg.
“Tấm lưới thả theo hình zích zắc, sau đó dùng cây sào gõ vào mạn thuyền tạo tiếng động cho cá chạy để mắc vào lưới, đây là cách đánh bắt truyền thống”, anh nói và cho hay một mẻ lưới kết thúc trong một giờ. Có hôm may mắn anh thu về vài yến cá, nhưng có hôm chỉ được vài con.