Chuyến đi thực tế ở Na Hang

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Tuyên Quang, một tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 130km; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng; phía Nam giáp Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Đông giáp Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp Yên Bái. Có hơn 20 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Pà Thẻn, Kinh… Do vậy bản sắc văn hóa ở Tuyên Quang rất đa dạng, phong phú.

Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang – ảnh: Trương Thanh Binh

Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính: thành phố Tuyên Quang và 06 huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình. Tuyên Quang có nhiều núi cao và hệ thống sông suối đa dạng. Có khoảng 500 sông suối lớn nhỏ chảy qua Tuyên Quang; các sông chính gồm: Sông Lô, sông Gâm, sông Phó Ðáy, sông Năng v.v… Tuyên Quang còn có đỉnh núi Cham Chu ở Hàm Yên với độ cao 1.587m so với mực nước biển. Khí hậu ở Tuyên Quang là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Đông lạnh giá, khô hạn, thường lạnh nhất vào tháng 11 và 12 âm lịch; Mùa Hè nóng ẩm, mưa bão nhiều, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuyên Quang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật quý; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, nên thơ.

Tuyên Quang được xem như một bảo tàng cách mạng của cả nước có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa. Tuyên Quang có nhiều di tích lịch sử văn hóa, khu Bảo tồn thiên nhiên…; Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang lớn thứ tư ở nước ta; Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung thuộc huyện Na Hang với nhiều động thực vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa, gỗ đinh, nghiến, trai; Khu Du lịch Sinh thái Na Hang v.v…

Sương sớm Hồ Na Hang – Lê Huy Cường

Xuống đồng – ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng

Không chỉ có thế, Tuyên Quang còn lưu giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc, độc đáo cùng những truyền thuyết, những làn điệu dân ca đằm thắm với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, lễ hội tâm linh độc đáo như: Lễ hội đường phố Thành Tuyên; Lễ hội Đua thuyền; Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng Tồng của người Tày; Lễ Cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao; Lễ hội Rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, Đền Thác Cái; Lễ hội Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi Lễ hội Chùa Hang; Lễ hội Động Tiên – Chợ quê; Lễ hội Đình Thác Cấm, Đình Giếng Tanh, Đình Minh Cầm; Lễ hội Đền Bắc Mục, Đền Minh Lương, Đầm Mây; Lễ hội Chọi trâu…; Những làn điệu Then, Sli, Lượn của đồng bào Tày, Nùng; các danh thắng như Đình Làng Giếng Tanh; Chùa Phổ Linh; Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, Cây đa Tân Trào, Thác Bản Ba, Thác Lăn v.v… Ngoài ra, Tuyên Quang còn nổi tiếng với những đặc sản như cam sành ở Phù Lưu; mật ong Cao Đường ở Yên Thuận; vịt, gạo Minh Hương, huyện Hàm Yên; xôi ngũ sắc, mắm cá ruộng, rượu nếp cái hoa vàng, bánh gai ở Chiêm Hóa…

Bến đợi – ảnh: Tạ Quang Thăng

Tất cả những điều đó đã thu hút không chỉ du khách trong nước và quốc tế mà còn là điểm đến lý tưởng của các tay máy trong và ngoài nước. Đầu tháng 6/2024, Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội họp bàn và tổ chức ba đoàn đi thực tế sáng tác ảnh tại huyện Na Hang, Tỉnh Tuyên Quang; đoàn thứ hai tại Lạng Sơn; đoàn thứ ba tại Nghệ An – Ninh Bình. Sáng sớm ngày 28/6, cả ba đoàn Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội chúng tôi cùng khởi hành từ Hà Nội tỏa  đi ba hướng nói trên. Xe bon nhanh trên đường đưa đoàn chúng tôi tiến thẳng tới huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đoàn chúng tôi gồm 22 nghệ sĩ do NSNA Xuân Chính, Phó Chủ tịch Hội NANT Hà Nội làm Trưởng đoàn. Sau hơn 05 giờ đồng hồ, chúng tôi tới Na Hang.

Na Hang, một vùng đất cổ, cách Tuyên Quang khoảng 110km và cách Hà Nội hơn 240km về phía Bắc. Chúng tôi tới Na Hang vào một ngày nắng nóng, mặc dù vậy Lãnh đạo và cán bộ UBND huyện Na Hang cử anh Nguyễn Văn Thìn, Phó Trưởng phòng Văn và Thông tin huyện Na Hang đón tiếp đoàn chúng tôi rất cởi mở, thân tình. Sau đó anh đưa chúng tôi đi và giới thiệu Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang, khu sinh thái Công viên Phiêng Bung, thác Mơ.

Đến Phiêng Bung, anh La Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả và các cán bộ xã đón tiếp và giới với chúng tôi về khu sinh thái và dự án tương lai của Công viên Phiêng Bung này. Tới đây chúng tôi thả hồn giữa cánh rừng tự nhiên đại ngàn với nhiều loại cây gỗ quý có vài trăm năm tuổi; cánh rừng mỡ, rừng bạch đàn trải dài xanh mát… Một tiềm năng phát triển du lịch không nhỏ.

Anh Thìn tiếp tục đưa đoàn chúng tôi tới thác Mơ hay còn gọi là thác Pác Ban vì nằm trên núi Pác Ban. Đúng như cái tên của nó, thác Mơ nằm ẩn mình dưới chân núi, không đồ sộ, hùng vĩ nhưng có nhiều tầng nước tung trắng xóa, mượt mà rất thơ mộng, cuốn hút. Càng tiến lại gần, một cảm giác mát lạnh, dịu ngọt lan tỏa giữa ngày nắng nóng khiến ta như đang lạc vào vườn tiên cảnh. Thác Mơ giống như thiếu nữ duyên dáng giữa núi rừng Na Hang hùng vĩ, trong lành và đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn với du khách địa phương cũng như du khách cả nước. Chúng tôi ra khắp nơi để chọn cho mình những góc ưng ý. Mải mê với cảnh và người nơi đây chẳng mấy chốc ông mặt trời đã khuất sau núi.

Thác Mơ – ảnh: Chu Bình Giang

Đến 19h30, đoàn chúng tới UBND huyện Na Hang dự bữa cơm thân mật. Các anh Nguyễn Quốc Hữu, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Na Hang, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Na Hang; anh Nguyễn Trọng Đoan, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Na Hang, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang; anh Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn và Thông tin huyện Na Hang; anh Nguyễn Văn Thìn, Phó Trưởng phòng Văn và Thông tin huyện Na Hang; anh Nguyễn Văn Thạch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Na Hang giao lưu văn nghệ đã đón tiếp chúng tôi thật long trọng và thân tình như đón người thân vậy.

Đoàn NSNA Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tặng UBND huyện Na Hang sách ảnh

Vừa thưởng thức các món ăn đặc sản núi rừng chúng tôi vừa trò chuyện thân mật như đã quen từ lâu, vừa nghe và xem đội văn nghệ múa hát rất sôi nổi. Các bạn biểu diễn các bài hát múa dân gian của dân tộc Tày, dân tộc Dao rất say sưa và chuyên nghiệp. Anh chị em trong đoàn cũng hào hứng lên sân khấu cất cao lời ca tiếng hát cùng đội văn nghệ xung kích, cán bộ, nhân viên của huyện cho mãi tới khuya. Một đêm thật ấm áp và đáng nhớ. Các anh chị em nơi đây đã để lại trong mỗi chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi nghĩ với một đội ngũ lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên hùng hậu như vậy sẽ là cầu nối hữu hiệu để phát triển ngành du lịch nơi đây.

Bình minh trên hồ Na Hang – ảnh: Đặng Hữu Xướng

Hôm sau 29/6, đoàn chúng tôi dậy thật sớm để đón bình minh trên hồ Na Hang. Khoảng gần một giờ sau chúng tôi xuống thuyền dọc theo bờ sông, đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, lung linh, huyền ảo; hít thở không khí trong lành, mát mẻ, khoan khoái. Tới Cọc Vài Phạ có nghĩa là Cọc buộc Trâu Trời, con thuyền dừng tại đây để chúng tôi chụp ảnh và lên Cọc Vài sờ tay lên đó ước nguyện. Tương truyền nếu ai muốn ước nguyện điều gì thì tới đây sờ tay lên Cọc Vài ước nguyện sẽ đạt được mọi mong muốn, đặc biệt là ước nguyện về sức khỏe.

Trên dòng Na Hang – ảnh: Vũ Văn Cảnh

Vẻ đẹp nên thơ, sông nước mênh mông, núi non trùng điệp hữu tình của Na Hang có sức cuốn hút kỳ lạ bởi hai dòng sông Gâm và sông Năng trong xanh, hiền hòa cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi nhấp nhô trùng điệp được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Nổi bật nhất là hòn “Cọc Vài Phạ” nằm giữa hồ phía thượng nguồn thuộc địa phận huyện Lâm Bình. Theo tiếng Tày “Cọc Vài Phạ” có nghĩa là Cọc buộc Trâu trời linh thiêng gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngao cường tráng, ly kỳ của vùng núi rừng nơi đây.

Sáng sớm trên hồ Na Hang – ảnh: Trương Thanh Bình

Sau một chặng đường dài, chúng tôi trở lại thăm thác Khuổi Nhi – Một ngọn thác lớn nhất và cũng đẹp nhất ở Na Hang. Bao quanh thác nước là lòng hồ thủy điện Na Hang trong xanh, gió mát toát lên vẻ đẹp hoang sơ đầy sức quyến rũ. Thác Khuổi Nhi chẩy xuống không chỉ như mái tóc dài mềm mại, óng ả, xanh trong như ngọc bích mà còn phảng phất hương thơm dịu mát của núi rừng. Thác Khuổi Nhi chia thành nhiều bậc với những phiến đá to, xếp đều như được ai sắp đặt giống như chiếc thang của núi rừng đại ngàn. Tầng dưới là những bụi sim rừng, hoa dại rực rỡ sắc mầu. Tầng trên là rừng nguyên sinh xanh vươn cao. Càng lên cao lại vẳng nghe tiếng chim hót líu lo hòa cùng tiếng nước chảy ầm ầm trong không trung.

Thác Khuổi Nhi Na Hang – ảnh: Hoàng Thị Hoan

Tương truyền rằng thác nước nơi đây giúp cho da dẻ trắng hồng khiến thác khuổi Nhi càng trở nên hấp dẫn và cuốn hút. Chính vì thế mà dường như du khách đến đây để đắm mình vào làn nước mát rượi hoặc chí ít cũng rửa mặt một lần để mong cho da dẻ mịn màng, đẹp hơn… Tôi chỉ thấy hơi tiếc để làm du lịch hiệu quả hơn thì Tỉnh cùng Huyện nên đầu tư hạ tầng cơ sở, làm bậc đi vững chắc ngay từ bến thuyền, một vài cảnh quan như đường hoa dã quỳ, hoa leo, con giống v.v… khiến du khách như lạc vào thiên đường vậy. Không những không tốn kém mà càng thu hút nhiều du khách tới Na Hang. Khi đó Huyện có thể bán vé vào tham quan và tắm ở thác Khuổi Nhi. Trên đường về, chúng tôi thưởng thức bữa trưa trên thuyền với nhiều đặc sản của vùng núi rừng này; được nếm vị cay, nồng, đậm men say của rượu ngô Na Hang.

Bên bếp nồng – ảnh: Nguyễn Văn Quang

 Sáng sớm ngày thứ ba 30/6, cũng là ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi lên đường tới xã Hồng Thái. Tiết trời trong xanh, nắng đẹp, ông trời thật biết chiều lòng người. Gần tới nơi thì xẩy ra sự cố nhỏ nên xe không đến được điểm tập kết. Chúng tôi đang lay hoay chưa biết nên đi tiếp hay quay về. Đúng lúc đó tôi thấy chiếc xe bán tải hai cầu chạy vượt qua chúng tôi. Tôi thầm ước giá có chiếc xe đó thì đoàn chúng tôi sẽ lên được Hồng Thái. Một lát sau chiếc xe quay lại và dừng trước chúng tôi. Một người bước ra khỏi xe tươi cười, không ai khác chính là anh Nguyễn Văn Thạch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Na Hang mà mấy hôm nay vẫn dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan và chụp ảnh như một hướng dẫn viên thực thụ. Thật cảm động và cảm ơn sự nhiệt tình của các anh. Quả thật nếu hôm đó không có các anh chắc đoàn chúng tôi phải quay về trong tiếc nuối. Chiếc xe cứ phải vòng đi vòng lại vài lần để trở hết cả đoàn chúng tôi qua đoạn đường bị sạt lở mấy hôm trước. Hồng Thái còn hoang sơ và người dân nơi đây thật thân thiện, cởi mở. Mỗi người mỗi nơi nhờ xe ôm trở đi tìm và thu vào ống kính những bức ảnh sinh động nhất.

Mùa ngô – ảnh: Phạm Lương Chiều 

Gần trưa chúng tôi rời Hồng Thái, sang xã Đà Vị. Cũng như những nơi khác anh Thạch dẫn chúng tôi vào nhà dân và giới chúng tôi với bà con. Có thể nói Na Hang còn hoang sơ với nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp mê ly; nhiều động thực vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới… – Một nguồn tiềm năng phát triển du lịch phong phú về loại hình. Chúng tôi mải mê chụp mà quên cả mệt mỏi lẫn thời gian. Đến hơn 13h00 chúng tôi mới ăn cơm trưa.

Thiếu nữ Dao – ảnh: Tuyết Tuyết

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục hành trình trở về Hà Nội. Đoàn chúng tôi về tới Hà Nội hơn 20h00. Một chuyến đi với nhiều kỷ niệm, nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, vẻ đẹp lạ lùng, non nước hữu tình, thơ mộng đầy quyến rũ nơi chúng tôi đã qua sẽ mãi in đậm trong tâm trí các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội và tôi. Những hình ảnh ấy đã góp phần làm nên chuyến đi sáng tác ảnh lần này thật đáng nhớ.

Đoàn chúng tôi đến đâu cũng được bà con niểm nở, thân tình. Chân thành cảm ơn cán bộ, nhân viên và bà con huyện Na Hang đã nhiệt tình và dành nhiều tình cảm giúp đoàn chúng tôi hoàn thành tốt chuyến đi thực tế sáng tác này. Chúc huyện Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên quang nói chung ngày càng đón được nhiều du khách trong nước cung như quốc tế.

Trân trọng giới thiệu một vài hình ảnh tong chuyến đi thực tế:

Ba đoàn đi thực tế sáng tác sáng 28/6/2024

 

Đêm giao lưu văn nghệ

 

Trong Công viên Phiêng Bung

 

 

Bữa cơm trên thuyền – ảnh: Tạ Quang Thăng

 

Cô gái Tày – Nguyễn Mạnh Hùng

 

 

 

Bài: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan