(Nhiếp ảnh) Bức ảnh chụp đêm ở chung cư Nguyễn Huệ, quận 1, được nhiều độc giả quốc tế chú ý, bình luận và chia sẻ cảm nghĩ khi đã từng check-in.
Bức ảnh mặt tiền khu chung cư trên đường Nguyễn Huệ, TP HCM tên là “Coffee Stories” của tác giả Samsara Tran được National Geographic UK đăng trên fanpage ngày 25/9. Đây là khu chung cư cũ được cải tạo để kinh doanh quán cà phê, nhà hàng, không gian làm việc thu hút đông giới trẻ. Tác giả chia sẻ: “Thật vui và thú vị khi bạn có thể dành cả ngày chỉ để khám phá nơi này”.
Hàng nghìn độc giả quốc tế khi xem ảnh đã bày tỏ sự thích thú bằng các bình luận và chia sẻ ảnh do chính họ chụp tại khu chung cư này. Mitzi Delatina, du khách Philippines, cho hay: “Từ khu chung cư nhìn xuống đường phố Sài Gòn cũng rất đẹp và về đêm nơi này thật rực rỡ”.
Ngoài bức ảnh về chung cư cũ Sài Gòn, National Geographic UK còn giới thiệu nhiều ảnh du lịch, thiên nhiên, đời sống… khác qua mục ảnh Your Shot, quy tụ các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới gửi tác phẩm về.
Bức ảnh trên chụp rừng ngập mặt của Alessadra Menicozi, nhiếp ảnh gia người Thụy Sỹ.
Donald Yip là tác giả ảnh chụp những con ngựa hoang ở Iceland vào giữa đêm diễn ra hiện tượng “ban ngày vùng cực”. Tác giả kể: “Tôi tới vào khoảng 11 giờ để chờ lúc hoàng hôn, nhưng không may trời nhiều mây, tôi vẫn cố gắng sắp xếp máy móc thì nhìn thấy những con ngựa hoang đi lang thang từ xa. Bất chợ tôi nhấc máy lên và chạy tới chỗ chúng để chụp hình”.
Tác phẩm hoàng hôn trên sông Hằng ở Varanasi, Ấn Độ của Luis Godingho. Khoảnh khắc người dân địa phương làm lễ cúng sông Hằng, nghi lễ thu hút hàng trăm người tới xem mỗi tối, họ theo dõi đến khi những ánh đèn tắt và người cầu nguyện ngừng.
Cảnh sương mùa đông phủ cuồn cuộn trên núi Wasserflue, miền bắc Thụy Sỹ được chụp lại bởi Christian Gehrig. Tác giả nói anh chụp bằng chế độ phơi sáng để thu lấy ánh sáng buổi sớm cùng với chuyển động của sương.
Cây cầu Akashi Kakyo dài 4 km nối liền đảo Awaji và Honshu – đảo lớn nhất Nhật Bản. Bức ảnh chụp góc nhìn trên cao của cây cầu do Tomoshi Hara thực hiện.
Ánh sáng chiếu qua mặt nước soi sáng hình bóng của thợ lặn ở một giếng sâu tự nhiên ở Mexico. Tác giả Fabrice Guerin chia sẻ: “Làm nhiếp ảnh gia chụp dưới nước rất tuyệt khi được chứng kiến thế giới đặc biệt này. Sự thần bí, vẻ đẹp và hoa lệ của cảnh vật dưới nước làm tôi cảm giác như mình đang khám phá một thế giới khác”.
Ảnh chụp đàn chim hồng hạc hàng trăm nghìn con đậu kín khu vực nước nông ở hồ Bogoria vào mùa di trú tháng 8 – 10 của tác giả Teong Lin Ng. Hồ Bogoria ở Kenya là nơi có nhiều hồng hạc nhất trên thế giới.