Hàng trăm người dầm mình trong nước bắt ốc ruốc ven biển huyện Núi Thành bán, thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Sáng sớm khi nước thuỷ triều rút trên bãi biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, hàng trăm người dân ra biển cào bắt ốc ruốc, còn gọi ốc gạo, ốc lể. Đây là vùng biển bãi ngang, mùa này ốc sinh trưởng và phát triển gần bờ nhiều.
Người dân thường đi theo nhóm từ 5 đến 20 người. “Nghề cào ốc gần bờ song rủi ro gặp vùng nước xoáy có thể bị cuốn ra xa. Chúng tôi đi thành từng nhóm để giúp đỡ nhau kịp thời”, anh Nguyễn Văn Thanh, xã Tam Tiến, nói.
Dụng cụ để bắt ốc là chiếc vợt tự chế, cán dài khoảng 2 m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới nhỏ đường kính khoảng 50 cm. Người dân lội nước ngập đến đầu gối, đi thụt lùi để cào ốc.
Bà Nguyễn Thị Sương, 60 tuổi (góc trái), ở xã Tam Tiến, cho biết năm nay ốc dạt vào bờ sớm nên người dân khai thác từ trước Tết Nguyên đán. Ốc ruốc xuất hiện nhiều từ tháng 12 âm lịch đến tháng 4 năm sau.https://20aba8eac45ced0d5719fc7c1586ff5d.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Ông Nguyễn Văn Luyện, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, rời nhà hơn 30 km đến biển xã Tam Tiến cào ốc từ sáng sớm. Sau 20 phút cào, ông bắt được 10 kg đưa vào bờ.
Ốc ruốc được thương lái chờ trên bãi biển thu mua với giá 250.000 đồng một thùng nặng 25 kg.
Nước thủy triều lên, sóng lớn, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba, xã Tam Tiến, dừng công việc cho đồ nghề lên vai về nhà. “Nghề này hơi cực vì phải ngâm mình trong nước hàng giờ, nhưng cho thu nhập khá hơn làm nông nghiệp. Mỗi ngày làm từ 5h đến 8h thì kết thúc, thu từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng”, ông Ba nói.https://20aba8eac45ced0d5719fc7c1586ff5d.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Ốc ruốc có nhiều màu sắc, to bằng chiếc khuy áo.
Ốc mua về được thương lái ngâm trong nước biển từ 4-6 giờ để làm sạch rồi đưa đi tiêu thụ.
Ốc rửa sạch cho ớt cay, tiêu, sả, gia vị nấu chín là món ăn được ưa chuộng ở Quảng Nam.