Nghề luyện bò đua ở Bảy Núi

Trước thời điểm tranh tài một tháng, ông Nguyễn Văn Liệt bổ sung khẩu phần ăn cho bò gồm bia, hột gà, cháo, mật ong và một ít thuốc tây tăng cường thể lực.

Sáng đầu tháng 7, ông Liệt (chủ nhân đôi bò ba lần vô địch) đánh xe ra ruộng cỏ rộng 3.000 m2, chọn cỏ già cắt mang về cho bò ăn. Lão nông quê An Phú, huyện Tịnh Biên dùng máy cắt chuyên dụng nên chỉ mất 15 phút, xe đã đầy ắp cỏ. Ông thủng thẳng đánh xe về rồi cột bò vào gốc thốt nốt gần nhà.

Ôm bó cỏ lại cho hai chú bò màu kem, to cao, khá hung, ông kể khẩu phần ăn của chúng phải cân đối kỹ, không quá ít nhưng đừng quá nhiều. Ngoài ra, chủ chọn cỏ già thay vì cỏ non khiến bò mập, bụng bự, lúc thi đấu không chạy nhanh được. Thường ngày, chúng kéo xe với cường độ vừa phải để rèn luyện cơ bắp, dẻo dai.

Ông Liệt bên chú bò giúp ông ba lần vô địch tại lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: Ngọc Tài
Ông Liệt bên chú bò giúp ông ba lần vô địch tại lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: Ngọc Tài

Ngoài cỏ, trước ngày tranh tài khoảng một tháng, bò được ăn hột gà, cháo, mật ong, bia và một ít thuốc tây, giúp bồi bổ thời điểm quan trọng nhất. Cữ ăn đặc biệt này thường vào buổi chiều, để bò có sức luyện tập hôm sau. Những người nuôi bò đua trong xã thường rủ nhau tập chung, sẵn tiện thi đấu cọ xát luôn.

Vì sân đấu ở xã nhỏ hơn sân đấu chính thức nên số vòng tập luyện tăng lên gấp 2-3 lần. Bò đua phải tập luyện lúc 13h vì đây là thời điểm diễn ra giải đấu. Chúng cần quen với thời tiết nắng nóng, cường độ chạy nhiều hơn lúc thi đấu mới mong thắng giải. Chế độ ăn đặc biệt duy trì sau ngày thi đấu một tuần để bò lại sức.

Trước khi theo nghiệp huấn luyện bò cách đây 9 năm, ông Liệt là khán giả trung thành của các giải đua bò, tổ chức ở các chùa đến quy mô cấp tỉnh. Đi cổ vũ không mệt, song ông tức mình vì xã nhà không đoạt cúp lần nào, bị người xã bạn cười vô mặt: “Xã An Phú mà đoạt cúp tui cõng ông từ trường đua về nhà”. Ông Liệt về bàn với vợ sắm bò, hứa lãnh cúp một lần sẽ nghỉ.

Năm 2013, ông Liệt chi 16 triệu đồng mua của hàng xóm chú bê con, có xoáy ở miệng. Lúc dắt bò đi người đàn ông U60 còn mạnh miệng: “Hẹn anh ba năm sau đi xem tui lãnh cúp”. Mang bò về, ông vừa nuôi và học hỏi từ nhiều người kinh nghiệm. Vì tuổi cao khó lòng điều khiển bò, ông tìm nài bò Sáu Sang (52 tuổi) – người nhiều kinh nghiệm rủ hợp tác để chinh phục ước mơ.

Sáu Sang nói nghề đua bò ít ai chỉ dạy, vào nghề chủ yếu phải biết quan sát, gan lì và chịu chơi. Ngày thường nài đua bò phải rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên, đảm bảo sức khoẻ tham gia đường đua. “Nghề này mê mới chơi chứ cực lắm, suốt ngày người đen đúa, bùn sình”, ông Sáu chia sẻ

Theo những nài bò kinh nghiệm, việc điều cặp bò chiến không hề dễ dàng, chưa kể phải đứng vững trên bừa (tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm) lúc đua ở vận tốc 80 km một giờ. “Bò đua chúng biết ai dữ ai hiền, không dữ hơn là chúng không nghe lời đâu”, ông Sáu chỉ bí quyết.

Ông Sang điều khiển đôi bò số 22 tại ngày hội đua bò chùa Rô năm 2019. Ảnh: Henry Tạ
Ông Sang điều khiển đôi bò số 22 tại hội đua bò chùa Rô năm 2019. Ảnh: Henry Tạ

Ngoài luyện tập, nài cần có chiến thuật khi thi đấu trên sân. Trước khi nhập cuộc, họ thường thăm dò thực lực của đối thủ, có những đội đua bò mạnh nhưng nài yếu và ngược lại. Tuỳ đối thủ, nài sẽ chọn cách nhập cuộc sao cho hợp lý. Cụ thể, với 64 đôi bò, chia thành từng cặp thi đấu loại trực tiếp, tức để đoạt cúp đôi bò phải vượt qua năm vòng tranh tài.

Về thể thức thi đấu, trước khi đua, các chủ bò bốc thăm chọn đôi bò đi trước, đi sau. Ở vòng hô (chiếm 2/3 đoạn đường), đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua hoặc đôi bò sau dẫm lên giàn bừa đôi trước sẽ bị loại. Riêng vòng thả, đôi bò sau chỉ cần giẫm được bừa của đôi trước là thắng cuộc. Nài phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa trong khi đua, xem như thua cuộc.

“Vòng nào đối thủ yếu, tui cho bò chạy lai rai để dưỡng sức chạy vòng sau. Còn gặp đối thủ mạnh, sau khi xuất phát, tui bứt tốc về đích luôn”, ông Sáu kể. Trên đường đua, ông còn tận dụng những đoạn cua gắt, chủ động giảm tốc độ để ép bò phía sau văng lên lề. “Phải mưu mô một chút mới thắng được”, nài bò ba lần ẵm cúp thú thiệt.

Lần cam go nhất thời điểm thi đấu năm 2019, đôi bò của ông Liệt có một con đau chân. Lúc lên xe chuẩn bị đi thi đấu chú bò gắn bó 6 năm chỉ đứng ba chân. Ông Liệt cùng với nài phải mua thuốc xịt giảm đau cho bò. May thay, thuốc có tác dụng, khi nài cùng bò chạy thử hai vòng trên sân, chân bò đi lại bình thường, sau đó lãnh luôn cúp vàng.

Nghề đua bò lắm hiểm nguy, nài dễ bị ngã khỏi bừa nếu không làm chủ tốc độ hoặc va chạm với đối thủ. Khi bị ngã, nài phải nương theo bừa, đợi bò dừng hẳn, không được đứng lên ngay sẽ bị bừa cán qua. Trong trường hợp bò đạp bừa của đối thủ đi trước, người đứng trên bừa phải lèo lái, vừa né cho bản thân vừa hãm bò để chúng không càn vào đối thủ.

Sau bốn năm tham giam lễ hội đua bò ông Liệt sưu tập được ba cúp vàng và một lần giải nhì. Ảnh: Ngọc Tài
Bốn năm tham giam lễ hội đua bò ông Liệt sưu tập được ba cúp vàng và một lần giải nhì. Ảnh: Ngọc Tài

Tham dự thi đấu bốn lần, ông Liệt và ông Sang ẵm ba cúp vô địch và một năm hạng nhì. Ông Sang được chia phần tiền thưởng còn ông Liệt lãnh hiện vật gồm một tivi và hai chiếc xe máy. “Mình ổng chạy hai chiếc xe chứ nhất quyết không bán. Lãnh ba cúp rồi ổng có chịu nghỉ đâu”, bà Mát – vợ ông Liệt nói. Sau hai năm nghỉ vì Covid-19, không riêng ông Sang, ông Liệt và gần trăm người luyện bò đang háo hức chờ hội thi 2022.

Hội đua bò Bảy Núi tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của người Khmer, từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch hàng năm. Đó là thời gian người dân vùng núi bắt đầu chuẩn bị vụ lúa mới. Ban đầu, nông dân từ các phum, sóc đưa bò đến cày, bừa ruộng miễn phí, làm công quả cho các chùa Khmer. Cày xong họ thúc bò bừa đua xem đôi bò nào nhanh khỏe.

Thấy vậy các sư, sãi đứng ra tổ chức, treo thưởng đôi dây cà tha (lục lạc đeo cổ bò) cho đôi bò cày giỏi, chạy nhanh. Theo thời gian, đua bò Bảy Núi thành lễ hội truyền thống hàng năm của người Khmer ở An Giang, thu hút hàng chục nghìn du khách. Năm 2016, lễ hội được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin liên quan