Chiều 26/1, dù đang cao điểm phục vụ hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán, khu vực bán vé của bến Giáp Bát chỉ có vài nhân viên nhà xe.
Ở hành lang dẫn ra bãi để xe, tài xế và phụ xe nhiều hơn cả hành khách. 30 phút trước giờ xuất bến, một xe khách tuyến Hà Nội – Ninh Bình không có khách nào, cả lái và phụ xe đều ngồi ngóng.
Anh Nam, chủ xe, nói “chưa năm nào thảm như vậy”. Buổi sáng, xe anh bắt được 5 khách từ Ninh Bình lên Hà Nội, chiều ngược lại nhiều khả năng không được. Trong khi mọi năm từ ngày 20 tháng chạp trở đi, người dân nườm nượp về quê, nhà xe tất bật đưa khách lên và xếp đồ.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết các tuyến xe khác đều gặp tình trạng tương tự như tuyến Hà Nội – Ninh Bình. Lượng khách dịp Tết Nhâm Dần chỉ bằng khoảng 30% so với các năm trước. Toàn bến đang có khoảng 400 lượt xe/ngày.
Tại bến xe Nước Ngầm, lượng hành khách đông hơn so với Giáp Bát, nhưng cũng giảm mạnh. Khu vực quầy bán vé chỉ có hơn chục hành khách, đa phần người dân đi xe đường dài như Nghệ An, Hà Tĩnh…
Phó giám đốc bến xe Nước Ngâm, ông Trịnh Hoài Lam, cho biết những ngày cao điểm gần đây, mỗi ngày có khoảng 100 xe xuất bến, bằng 50% so với thời điểm chưa có dịch.
Thống kê của Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội, đợt cao điểm từ ngày 21/1 đến nay, khách qua bến Mỹ Đình khoảng 4.000 lượt/ngày và 380 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách và 220 lượt xe/ngày, đạt 50% tải trọng thiết kế.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội, nói việc bến xe vắng khách được dự báo trước. Số ca Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm kéo theo tâm lý lo ngại của người dân khi di chuyển bằng xe khách. Hiện để phòng chống Covid-19, xe khách liên tỉnh không được chở quá 50% số ghế ngồi.
Để “cứu” doanh nghiệp vận tải, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nói sẽ trình lên Bộ Giao thông Vận tải để tác động với Bộ Y tế nhằm điều chỉnh các quy định về tần suất và giãn cách với hành khách.
“Chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 128 được hơn 3 tháng, tỷ lệ tiêm phủ vaccine rất cao nên cần thiết điều chỉnh những hướng dẫn về quy định vận tải hành khách”, ông Hùng nói.
Ngành đường sắt cũng vắng khách dịp Tết. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết để phục vụ nhu cầu đi lại Tết Nguyên đán 2022, công ty sử dụng 5 đôi tàu Bắc Nam chạy chính và 5 đôi dự bị. Đến nay, doanh nghiệp mới bán được 60% trong tổng số 40.000 chỗ, trong khi vé sau Tết bán được 40%. Đa số khách chọn đi từ TP HCM ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quy Nhơn, lượng người đặt vé ra Hà Nội rất ít.
Do Hà Nội ghi nhận số F0 cao nhất cả nước, các chuyến tàu xuất phát từ đây đều chú ý tới việc phòng chống Covid-19. “Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ kịch bản để nếu trên tàu có F0 thì nguy cơ lây lan là thấp nhất. Các khoang đều có nước rửa tay sát khuẩn, nhân viên lau thường xuyên khu vực dễ lây nhiễm”, bà Hà nói.