Ba bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hoá đều đúc bằng đồng, trong đó có thanh kiếm hình người và trống đồng tượng vịt niên đại khoảng 2.000 năm.
Bảo tàng Thanh Hóa hiện lưu giữ hàng trăm trống đồng cổ song duy nhất chiếc trống đồng tượng vịt Cẩm Giang được công nhận bảo vật quốc gia, năm 2013.
Chiếc trống được ông Bùi Đức Tậu ở thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, Cẩm Thủy, Thanh Hóa phát hiện khi làm vườn năm 1992. Trống nằm sâu 1,5 m trong lòng đất và còn gần như nguyên vẹn. Sau một thời gian cất giấu, được dân săn cổ vật săn lùng, ông Tậu không bán mà bàn giao báu vật cho Bảo tàng Thanh Hóa quản lý.
Theo đại diện Bảo tàng Thanh Hóa, trống đồng Cẩm Giang là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2.000 năm. Ở Việt Nam hiếm nơi nào có được chiếc trống đẹp giống như vậy.
Trống có kiểu dáng cân đối với đường kính mặt 73 cm, cao 41,9 cm, nặng 60 kg, gồm các phần mặt, tang, lưng và chân, được trang trí hoa văn phong phú, sinh động. Đặc biệt, trên mặt trống đồng Cẩm Giang được trang trí bốn tượng vịt đúc nổi, độc nhất vô nhị ở Việt Nam bởi trống khác thường có bốn khối tượng cóc. Khi được tìm thấy, trống chỉ còn hai tượng vịt nguyên vẹn, một con đã mất hẳn, con còn lại bị sứt mẻ.
Theo các nhà sử học, tượng vịt – con vật gắn liền với cư dân trồng lúa nước – trên mặt trống đồng Cẩm Giang chính là biểu tượng rõ nét đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn.
Trong bộ sưu tập binh khí thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn hiện lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Hóa nổi bật nhất là thanh kiếm ngắn núi Nưa. Kiếm được sưu tầm dưới chân núi Nưa, xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa vào năm 1961. Tháng 12/2013, kiếm ngắn núi Nưa được công nhận là bảo vật quốc gia do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt.
Được chế tác bằng đồng vào những năm đầu thế kỷ III, kiếm gồm hai phần chuôi và lưỡi đúc liền khối. Phần lưỡi kiếm khá mỏng, hai rìa sắc nhọn, chắn tay hình sừng trâu, được chế tác theo hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã.
Hình tượng người phụ nữ được khắc họa uy quyền ở phần chuôi kiếm là nét độc đáo khiến kiếm trở thành bảo vật quốc gia. Người phụ nữ trong dánh đứng thẳng, khuôn mặt trái xoan, ngực và tay đeo vòng trang sức. Đầu tượng vấn khăn, thân mặc áo chẽn, không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong. Nhiều giả thuyết cho rằng người phụ nữ trên thanh kiếm ngắn núi Nưa chính là nguyên mẫu từ Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) – người khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô nửa đầu thế kỷ thứ III.
Nghiên cứu trang phục của người Việt cổ trên chuôi kiếm, các nhà khoa học đều có chung nhận định đây là bộ trang phục lộng lẫy, có hoa văn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn 2.000 năm trước, vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường ở xứ Thanh ngày nay.
Khoảng đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, trong quá trình đào đắp một công trình tại khu vực ngã ba Đình Hương thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, Ban Chỉ huy quân sự thành phố phát hiện chiếc vạc khổng lồ còn khá nguyên vẹn. Hiện vật sau đó được đưa về bảo quản tại trụ sở Ban chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa hơn 20 năm, đến tháng 8/2002 bàn giao cho Bảo tàng Thanh Hóa quản lý.
Vạc làm bằng đồng, nặng khoảng một tấn, cao 79,8 cm, đường kính miệng 134,4 cm, đường kính đáy 115 cm.
Trên miệng vạc gắn 6 quai hình chữ U trang trí kiểu vặn thừng, nằm cách đều nhau. Bên trong thành miệng vạc tạo gờ, giữa tai quai trang trí các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ) tương tự hình bông hoa chanh.
Ngoài ra, trên miệng vạc còn có hai dòng chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng. Căn cứ vào văn tự này, các nhà nghiên cứu xác định chiếc vạc lớn do Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu, quan khâm sai huyện Cẩm Thủy, sai đúc ngày 28/11 (âm lịch) năm 1752, thời Lê Trung Hưng.
Vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật gốc độc bản, mang tính địa phương rõ rệt và được đánh giá là vạc đồng nguyên vẹn lớn nhất Việt Nam cho đến nay.
Thân vạc có một số vết hoen gỉ do thời gian, bom đạn tác động.
Có nhiều giả thuyết về vạc đồng Cẩm Thủy nhưng cũng chưa có lý giải nào thuyết phục.
Theo sách Lê Quý kỷ sự (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1974), “vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử”, chỉ có vua chúa mới cho đúc và sở hữu những chiếc vạc lớn nhằm thể hiện quyền uy gia tộc. Câu hỏi đặt ra là vì sao một vị quan khâm sai lại cho đúc chiếc vạc lớn vốn được xem là biểu tượng uy quyền của các bậc đế vương. Phạm Ngô Cầu cho làm ra chiếc vạc lớn này phải chăng nhằm lưu lại sự nghiệp hiển vinh của mình hay còn có mưu đồ gì ẩn giấu phía sau là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Bảo vật trống đồng Cẩm Giang được đặt ở vị trí cao nhất trong bộ sưu tập trống đồng ở Bảo tàng Thanh Hóa.
Theo ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, bộ ba bảo vật nói trên thu hút rất đông người dân, du khách và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm.