Những con cá voi xanh nhảy lên đớp mồi liên tục, cảnh tượng hiếm có khiến người xem kinh ngạc và vui thích.
Những ngày vừa qua, khu vực Vũng Bồi – Đề Gi, một điểm đến hoang sơ thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cách TP Quy Nhơn hơn 40 km thu hút nhiều du khách và nhiếp ảnh gia. Nơi đây có bãi biển xanh trong, sạch, cảnh quan đẹp như tranh giữa vùng đất miền Trung đầy nắng gió và còn nhờ sự hiện diện của cá voi xanh.
Anh Nguyễn Phan Dũng Nhân, sống tại Bình Định, làm trong lĩnh vực truyền hình cùng các đồng nghiệp Đức Ngọc, Việt Hùng, Nguyễn Dũng và nhóm Hưng Thịnh vừa có chuyến đi chung quay phim, chụp ảnh cá voi xanh tại khu vực biển Đề Gi – Vũng Bồi.
Chuyên gia lặn, hướng dẫn viên du lịch người địa phương Tommy Toàn, cho biết đàn cá voi xanh xuất hiện khoảng một tháng nay tại vùng biển này, ban đầu có 8 con, hiện còn 2 con, gồm một con đực và một con cái (con đực nhỏ hơn). Cá voi vào rất gần bờ, có khi cách bờ chừng 500 m.
Anh Tommy Toàn cho biết môi trường biển ở đây sạch và có nhiều đàn cá con nằm trong số các yếu tố thu hút cá voi xanh đến kiếm ăn. Hầu như năm nào vùng biển này cũng có cá voi nhưng thường chúng chỉ ở từ 2 đến 3 ngày rồi di chuyển qua vùng biển khác, năm nay ở lâu nhất; và chính điều này cuốn hút tò mò, sự quan tâm của du khách, các nhiếp ảnh gia và cả các nhà khoa học.
Theo quan sát, con cá voi lớn có chiều dài tầm 17 m và nặng trên 20 tấn; con nhỏ hơn có chiều dài khoảng 10 m.
Anh Hoàng Ngọc chia sẻ chụp, quay phim cá voi xanh trong một buổi chiều, xuất phát từ 14h30 ngày 10/8 ở Quy Nhơn. Đến cảng cá Đề Gi lúc 15h30, rồi đi tour ra đến nơi tầm 16h, quay đến 17h30 vào cảng cá lại. Trong khi đó, anh Việt Hùng tiết lộ có say sóng khi lênh đênh trên biển nhưng bù lại rất vui vì cả đời không biết khi nào mới bắt được khoảnh khắc như trên.
Cá voi xanh là loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất, sống ở những vùng biển lạnh nhưng lại có tập tính di cư lên phương Nam – nơi có những vùng biển ấm hơn để sinh sản. Chúng đẻ con và nuôi con bằng sữa mẹ. Cá voi xanh trông có màu xanh lam dưới nước, nhưng trên bề mặt nước, chúng có màu xanh xám lốm đốm nhiều hơn.
Do quan niệm cá voi là “vị thần” thường giúp ngư dân vượt qua tai nạn, bất trắc trên biển, một số địa phương có tục thờ cúng khi cá chết.
Nhiều du khách và nhiếp ảnh gia mong môi trường biển Bình Định tiếp tục được giữ trong sạch, không ô nhiễm rác thải nhựa để mùa hè các năm sau tiếp tục đón đàn cá voi trở về. Hồi cuối tháng 6, nhóm du khách khi đi tàu trên biển thấy cá voi màu đen, dài hơn 10 m trên vịnh Cam Ranh.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết cá voi xanh khoẻ mạnh vào bờ là chuyện hiếm gặp ở địa phương, cơ quan chuyên môn đã ghi nhận, tìm hiểu nguyên nhân.