Sân bay Quốc tế Yasser Arafat hay Berlin Tempelhof từng là niềm tự hào của người dân, giờ đã phủ bụi dày.
Sân bay Berlin Tempelhof, Berlin, Đức
Sân bay Berlin Tempelhof từng là tòa nhà lớn nhất châu Âu. Ban đầu nơi đây được sử dụng để thử nghiệm các loại máy bay, sau đó thay đổi đáng kể sau một cuộc cải tạo của Đức Quốc xã.
Cuối những năm 1930, Đức Quốc xã mở rộng sân bay nhằm gây ấn tượng với thế giới. Trong thế chiến thứ hai, nó trở thành nơi giam giữ các tù nhân bị cơ quan mật vụ của Hitler bắt giữ và còn là một trại tập trung. Còn ngày nay, nơi này trở thành một công viên nổi tiếng tại thủ đô nước Đức, từng là phim trường cho các bộ phim nổi tiếng như Hunger Games , Bridge of Spies và Bourne Supremacy.
Sân bay quốc tế Nicosia, đảo Cyprus
Được xây dựng vào những năm 1930, Nicosia ra đời với mục đích trở thành sân bay quân sự và sau đó mở rộng dần. Năm 1977, các hoạt động thương mại ở đây bị đình trệ do tình hình chính trị bất ổn. Những chiếc ghế trong nhà ga vẫn xếp thành hàng dài, phủ bụi, xung quanh là đống đổ nát của tòa nhà. Sân bay một thời thịnh vượng nay đã xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Bên mép đường băng, một chiếc máy bay chở khách vẫn nằm đó, bám bụi và hoen gỉ.
Ngày nay, đây là một trong những sân bay bị bỏng hoang ảm đạm nhất thế giới, theo All thats interesting. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cyprus sử dụng một phần nơi này làm bãi đáp cho máy bay trực thăng.
Sân bay ở Zvartnots, Armenia
Vào những năm 1970, sân bay này là đỉnh cao của sự sang trọng, nằm ở nơi giao điểm giữa hai châu lục Á – Âu, gần thủ đô Yerevan của Armennia và thường xuyên đón tiếp các khách VIP của điện Kremlin (Nga). Thậm chí, sân bay này còn là “ngôi sao” trên các tấm bưu thiếp và tờ rơi quảng bá du lịch của đất nước.
Chuyến bay cuối cùng mà sân bay bỏ hoang này đón tiếp là vào năm 2008, và nơi đây rơi vào tình trạng hư hỏng bắt đầu từ 2011.
Sân bay Ellinikon, Hy Lạp
Trong nhiều thập kỷ, Ellinikon (hay Hellinikon) là lựa chọn duy nhất cho du khách đến hoặc rời đất nước của các vị thần. Nơi này được xây dựng vào những năm 1930. Sau đó, nó trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích của quân đồng minh khi Đức Quốc xã chiếm đóng, và trở nên đổ nát.
Những năm 1950, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chính phủ tái thiết lại sân bay, và một lần nữa nó trở thành trung tâm giao thông chính ở Athens. Đây là một quyết định đúng đắn thời bấy giờ, khi ngành du lịch quốc gia trên đà phát triển. Mọi người đổ xô đến những bãi biển đầy nắng, các địa điểm lịch sử và kỳ quan kiến trúc của đất nước. Vào những năm 1990, sân bay đón hơn 10 triệu khách một năm.
Năm 2001, một sân bay hiện đại và rộng rãi hơn được mở, đặc biệt là để phục vụ cho lượng khách lớn đổ xô đến Thế vận hội 2004. Ellinikon phải đóng cửa, và trở thành một trong những sân bay bị bỏ hoang ngày nay.
Sân bay Quốc tế Yasser Arafat, Palestine
Khi mở cửa năm 1998, sân bay này trở thành niềm hy vọng cho người Palestine, khi họ lạc quan về một tương lai không còn chiến tranh, và có thể đón tiếp nhiều du khách ghé thăm. Nhưng 3 năm sau, nơi đây phải đóng cửa vì tháp kiểm soát không lưu bị đánh bom. Nhiều năm tiếp theo, nơi này bị liên tiếp bị tàn phá vì các cuộc đánh bom, không một chuyến bay thương mại nào được thực hiện. Hiện nay, đường băng ngập rác do người dân trong trại tị nạn gần đó. Người dân trong khu vực thường tới đây để tìm kiếm những thứ có giá trị có thể đem bán.
Sân bay ở Jaisalmer, Ấn Độ
Nằm ở thành phố xa xôi Jaisalmer, giữa sa mạc Thar là một sân bay bỏ trống. Vào năm 2013, chính phủ đã tiêu tốn 13 triệu USD để xây dựng nơi này, với kế hoạch kích cầu du lịch, khuyến khích mọi người đi khắp Ấn Độ. Đến nay, nó vẫn chưa đón một hành khách nào. Không giống như nhiều sân bay bị bỏ hoang khác, nơi này thậm chí còn chưa bao giờ bắt đầu hoạt động.