Nguyễn Noah gặp nhóm người rừng ăn lá cây, sợ thế giới văn minh hồi tháng 9 và nói đây là trải nghiệm độc nhất vô nhị.
Trong chuyến đi vòng quanh châu Phi, blogger du lịch Nguyễn Noah (Lại Ngứa Chân) đặt chân đến Madagascar nhưng không phải để ngắm nhìn những cây bao báp nổi tiếng. Thay vào đó, anh di chuyển về phía tây để gặp những người thuộc bộ lạc Mikea – nhóm người rừng ít ỏi còn sót lại trên thế giới.
Theo tạp chí Mada, nguồn gốc bộ lạc Mikea đến nay vẫn là dấu hỏi. Họ sống theo những nhóm nhỏ, ở trong những túp lều lợp gỗ, lá cây. Thức ăn chủ yếu của nhóm người này là khoai và lá cây. Phần lớn sống trong khu bảo tồn rừng Mikea – nơi có thể trở thành vườn quốc gia trong tương lai. Bộ lạc này bí ẩn đến nỗi nhiều người Madagascar thậm chí không biết tới sự tồn tại của họ.
Từ phố cổ Fianarantsoa của Madagascar, Noah di chuyển bằng ôtô tới khu bảo tồn rừng Mikea. Theo lời người hướng dẫn, nhóm người Mikea mà anh gặp sống bên ngoài khu bảo tồn và không thích sự xuất hiện của người lạ.
Để đến khu vực người Mikea sinh sống, Noah phải đi qua những con đường ngập trong cát. Suốt hành trình gần hai giờ di chuyển, xe của Noah đã bị sa lầy trong cát 7 lần, phải nhờ tới sự trợ giúp của những người dân địa phương, anh mới có thể tiếp tục hành trình. Tới gần khu rừng, Noah tiếp tục đi bộ khoảng một giờ để vào bên trong. Khung cảnh xung quanh gai góc theo đúng nghĩa đen bởi sự cằn cỗi của đất đai, rải rác chỉ thấy những cây gai nhọn như xương rồng.
Gần tới nơi, từ xa, Noah đã thấy vài người Mikea đang đứng bên ngoài. Khẽ nghe tiếng động lạ, họ lập tức chui lại vào trong túp lều. Sau khi người hướng dẫn của Noah thuyết phục, những người rừng này mới chịu chui ra nói chuyện. Do cửa lều thấp, họ bò lồm cồm để ra ngoài.
Sau khoảng 4 phút, 9 người trong gia đình đều ra hết, gồm 5 đàn ông và 4 phụ nữ. Họ không mặc quần áo, đàn ông dùng khố che phần dưới còn đàn bà quấn vải chéo quanh người. Họ có vẻ sợ sệt, ngồi thu mình, mặt cúi xuống và không nhìn thẳng vào Noah.
Trả lời VnExpress, Noah cho biết “thực sự bất ngờ” với lối sống nguyên thủy của những người Mikea. Anh từng đến thăm nhiều bộ lạc trên thế giới và thấy ít nhiều có dấu ấn của nền văn minh như nồi, xoong, chảo. Tuy nhiên, sau khi quan sát, Noah không thấy bất kỳ đồ đạc nào trong khu vực sinh sống của họ.
Tìm kiếm một hồi, Noah phát hiện có những vỏ ốc rỗng được đặt gọn gàng dưới gốc cây. Người hướng dẫn cho biết gia đình này đã bắt ốc để lấy ruột ăn. Phần vỏ được giữ lại để thay thế dao kéo, sử dụng cho một số việc như cắt rốn trẻ con. Ngoài ốc, họ còn ăn lá, thỉnh thoảng có thêm khoai lang do người bản địa sống gần đó đem tới.
Sau khoảng 10 phút bỡ ngỡ, một người đàn ông trung niên trong gia đình đã chỉ cho nam du khách cách đánh lửa. Anh ta sử dụng một que củi đầu tròn, nhúm lá cây và một dụng cụ làm bàn đánh lửa. Mất hơn một phút, khói bắt đầu bốc lên từ nhúm lá cây bên dưới. Sau đó, anh ta cầm nhúm lá, lấy hết sức để thổi và một lúc sau, lửa bùng lên.
“Rất bất ngờ, tôi đã hiểu phần nào cách người nguyên thủy sống ngày xưa”, Noah nói.
Tuy nhiên, việc phô diễn kỹ năng không đồng nghĩa với sự cởi mở. Sau khi đánh lửa, người này lại ngồi co ro một góc, mặt cúi gằm, không nói thêm câu gì. Thông qua phiên dịch viên, Noah đùa với họ mình là người được nhà nước cử đến để đưa gia đình về thành phố sống, nơi có nhà cửa và quần áo đầy đủ. Người trung niên đáp lại bằng giọng nhỏ: “Không thích”, rồi tiếp tục cúi mặt xuống.
Noah đã thử nhiều cách để gây chú ý với gia đình này như chụp ảnh và cho họ nhìn ảnh trên điện thoại. Tuy nhiên, phản ứng vẫn như cũ. Một số người không quan tâm, số khác đáp lại bằng tiếng “ừm” lí nhí. Thậm chí, khi được Noah tặng kẹo mút, những người này cũng không nhận vì sợ. Phải đến khi người hướng dẫn của Noah bóc ra ăn thử trước mặt, họ mới dám nhận. Noah cho biết người Mikea sợ những thứ họ chưa từng thấy nên luôn đề cao cảnh giác.
Suốt cả buổi, gia đình Mikea hầu như không có bất kỳ hoạt động gì. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ khiến Noah thích thú bởi lần đầu được gặp những người “sợ thế giới văn minh”. Nói lời chào tạm biệt với gia đình, Noah may mắn khi nhận lại cái vẫy tay của một đứa bé, mà anh cho biết “đủ để thấy ấm lòng”.