(Tin hot) Trung bình mỗi ngày đoàn tàu đi từ Yên Viên (Hà Nội) đến Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ có doanh thu khoảng 4 triệu đồng do vắng khách.
4h55 sáng 18/7, chuyến tàu số hiệu 51501 với hai toa hàng hóa, một toa hành khách rời ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đi Hạ Long (Quảng Ninh). Trên tàu lúc này chỉ có một hành khách. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho hay, hôm nay hai vợ chồng cho cậu con trai đi du lịch ở Hạ Long, chị đang mang bầu tháng thứ ba, đi ôtô sợ say nên phải mua vé tàu (giá 80.000 đồng), chồng và con đi ôtô khách.
“Đây là lần đầu tiên tôi đi tàu này và không ngờ hành trình dài gần 8 tiếng đồng hồ”, chị Hằng nói.
Khi rời ga Yên Viên, hai toa hàng hóa của đoàn tàu, trong đó một toa để xe đạp, xe máy của tiểu thương và một toa chở rau củ quả cũng trong tình trạng khoang trống.
Lý giải việc đoàn tàu vắng khách, trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh nói, “tàu xuất phát từ sáng sớm, lại nằm xa trung tâm Hà Nội, đoàn tàu thì cũ kỹ và thời gian chạy quá dài nên ít người lựa chọn”.
Đoàn tàu chạy tuyến Yên Viên – Hạ Long là loại tàu cũ, nhập từ Trung Quốc hàng chục năm trước; trên trần toa hành khách không có hệ thống điều hòa nhiệt độ mà chỉ có những chiếc quạt con cóc nhỏ, đến nay đã hoen gỉ, phủ đầy bụi bẩn.
Theo trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh, đây là đoàn tàu vắng khách nhất trong hệ thống đường sắt Việt Nam; lúc đông khách nhất trong năm là dịp nghỉ lễ, khoang chở khách thường đón các đoàn đi du lịch vài chục người, còn vào ngày bình thường trung bình chỉ có vài khách.
Đoàn tàu rời ga Yên Viên và lần lượt đi qua 4 ga Từ Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phố Tráng với quãng đường 60 km và gần 2h tàu chạy, tuy nhiên vẫn chưa đón thêm được vị khách cùng số hàng hóa nào.
Tại hàng ghế cứng, nữ hành khách duy nhất cùng nữ nhân viên soát vé tranh thủ ngả lưng chợp mắt.
Suốt hành trình 60 km từ Yên Viên tới ga Kép (Bắc Giang), trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh cùng 4 nhân viên chỉ có một nhiệm vụ là ra tín hiệu dừng ở các ga dọc hành trình. Tàu không có điều hòa, các khoang hàng hóa được mở cửa rộng để đón gió trời. Anh Ninh cùng các nhân viên thường ngồi ở cửa này để tránh nóng.
Do không có khách, năm 2018, nhiều nhân viên của tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long phải nghỉ 5 tháng không lương. Những người còn lại, từ trưởng tàu đến nhân viên bảo vệ đều chỉ có mức lương khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. “Hầu hết anh chị em làm một ngày, nghỉ hai ngày, trong những ngày nghỉ đi kiếm việc làm thêm như thợ sơn, phụ hồ để mưu sinh”, anh Ninh nói.
Đến ga Kép (Bắc Giang) – ga thứ 5 trên hành trình – tàu dừng 20 phút và đón được vài tiểu thương cùng hàng hóa rau củ quả.
Bà Phạm Thị Bội ở thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, “tôi đã có 30 năm đi tàu về Hạ Long để buôn bán, những năm gần đây, các tiểu thương không thích đi tàu mà chuyển qua ôtô vì tàu chậm, lại không có điều hòa nên hàng hóa không bảo quản được lâu”.
Đoàn tàu không phục vụ ăn uống, hầu hết các ga không có hàng quán, nên hành khách đi tuyến này đều phải chủ động mang theo nước và đồ ăn. Với trưởng tàu và các nhân viên, họ thường gọi điện đặt trước đồ ăn sáng ở ga Kép.
Tàu rời ga Kép đến Hạ Long, đi qua gần chục ga khác ở huyện Lục Nam (Bắc Giang), Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh) và đón thêm hơn chục tiểu thương. Do ghế ngồi trống nên nhiều tiểu thương để rau củ quả trong khoang hành khách.
Chị Dương Thị Hồng ở Yên Sơn, Lục Nam (Bắc Giang) có 10 năm buôn gà từ ga Lan Mẫu (Lục Nam) tới Mạo Khê (Quảng Ninh) cho biết, “hiện nay đi ôtô khách giá rẻ hơn và nhanh hơn, nhưng để gà ở trên nóc xe hoặc dưới cốp rất nóng nên tôi đã chọn đi tàu cho rộng rãi và an toàn”.
Kết thúc hành trình ở ga Hạ Long, chuyến tàu cũ kỹ quay trở lại ga Yên Viên, tuy nhiên các khoang hàng chiều về đều trống rỗng.
Trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh kiểm đếm số tiền thu được từ bán vé. “Được khoảng 2,6 triệu đồng gồm chở 4,6 tấn hàng và 29 hành khách chiều đi, nếu cộng với chiều về thì trung bình mỗi ngày đoàn tàu có doanh thu khoảng 4 triệu đồng. Số tiền này không đủ chi phí vận hành trên tàu, chưa nói đến việc trả lương cho vài chục người vận hành ở các nhà ga trên toàn tuyến”, anh Ninh nói.
Tuyến Yên Viên-Hạ Long dài hơn 160km chạy qua 15 ga trải qua 5 tỉnh, TP là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh. Tàu chạy với tốc độ trung bình 25km/h.
Để rút ngắn thời gian chạy tàu, năm 2005, Bộ Giao thông Vận tải khởi công tuyến đường sắt Yên Viên(Hà Nội) – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (Quảng Ninh) tốc độ 120 km/h để thay thế cho tuyến đường sắt cũ lâu nay. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, năm 2011, dự án đang xây dựng dở dang đã phải dừng lại và chưa hẹn ngày về đích.
Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên – Kép – Hạ Long mà đoàn tàu đang chạy hàng ngày và tuyến Yên Viên – Hạ Long đang thi công. Đồ họa: Tiến Thành.