Ẩm thấp, chật chội là tình trạng chung của nhiều biệt thự cũ được xây dựng từ thời Pháp.
Nằm lọt thỏm phía sau dãy hàng quán, biệt thự 3 tầng tại số 3 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, đang là nơi sinh sống của gần chục hộ dân. Không nhiều người rõ biệt thự được xây dựng từ năm nào, song họ đều đã sống qua ba, bốn thế hệ. Đã có người vì chật chội mà chuyển đi nơi khác, nhưng vẫn nhiều người quyết tâm bám trụ.
Dãy hàng quán trước đây là khoảng sân của biệt thự, sau đó được chia nhỏ để làm các cửa hàng.
Ông Lâm Tiến Tài, 70 tuổi, đã gắn bó với căn biệt thự số 3 Điện Biên Phủ từ khi còn nhỏ. Khi bố mẹ mất đi, ông tiếp tục được thừa hưởng lại. Giá thuê theo quy định của chính quyền mỗi năm khoảng 10 triệu đồng. “Mình có thể đóng theo tháng hoặc theo năm tùy ý”, ông Tài chia sẻ.
Tiếng là sống trong biệt thự, song căn phòng nơi vợ chồng ông Tài đang ở chỉ 13 m2. Phần trần chạm đầu nhiều lúc đi phải cúi gằm xuống.
Căn phòng được ông Tài ví von là “ổ chuột” bởi quanh năm không có ánh mặt trời. Một phần diện tích phòng, ông Tài đặt chiếc đệm nhỏ làm chỗ ngủ, một phần làm chỗ để đồ dùng hàng ngày và phần ngách được tận dụng để làm chỗ rửa bát.
Phía ngoài cửa phòng, cũng là cầu thang chung, ông Tài tận dụng để xếp bát đĩa, xoong nồi. Cánh cửa chính mỗi khi ra vào đều phải cúi gập người. Nhiều hôm mưa to, gia đình phải huy động hết chậu trong nhà để hứng nước dột.
Ở tầng phía trên cùng, một phòng rộng 30 m2 được chia làm hai nhờ những tấm phên liếp. Ông Lê Tuấn Anh, 56 tuổi, cho biết đang có 4 người sống trong căn phòng rộng khoảng 17 m2, gồm vợ chồng ông và hai người con.
Cả căn phòng không có vật dụng gì đắt tiền, mọi thứ đều phải thật tối giản nhằm tận dụng diện tích. “Tôi ở đây từ lúc sinh ra. Khá chật chội và tù túng nhưng đã quá quen”, ông Anh nói.
Ngoài hành lang, gia đình ông Anh cùng với một hộ khác chia nhau diện tích để đồ dùng sinh hoạt như xô chậu, máy giặt, bếp nấu ăn. Nhà tắm cũng nằm ngay trên hành lang, được che lại bằng tấm rèm khi sử dụng.
Nhiều năm không được tu sửa, phần mái căn biệt thự đã xuống cấp. Trời mưa nước chảy tong tỏng xuống phía dưới.
Cách đó khoảng 2 km, căn biệt thự số 4 Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình, đang là nơi sinh sống của 12 hộ dân. Căn biệt thự ở vị trí đẹp, ngay cạnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phía ngoài lối đi chung, người dân tận dụng làm chỗ phơi quần áo. Ngoài căn biệt thự chính, khoảng đất phía sau cũng được một số hộ dân xây nhà để ở tạm.
Căn biệt thự hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Bà Phạm Ngô Kim Ngọc cho hay, bà về đây hơn 50 năm rồi mà chưa từng có đợt sửa chữa nào. “Có hôm cánh cửa từ tầng trên rơi xuống tầng 1, còn những mảng tường bong tróc rơi xuống là chuyện thường nhật nên các hộ ở dưới đều phải làm mái che chắn”, bà Ngọc nói.
Bà Ngọc hiện sống ở tầng 1 của biệt thự. Căn phòng này từng được nhà nước phân cho bà ngoại của bà từ năm 1964, khi bà mất đi thì bà Ngọc dọn tới ở và lo hương khói. Mỗi tháng bà Ngọc mất 314.000 đồng tiền thuê phòng.
Căn phòng lúc đầu vốn rộng hơn 30 m2, bà Ngọc ngăn làm hai để cho con một phần diện tích. Vợ chồng bà Ngọc sống ở nửa còn lại. Căn phòng chật chội với phần ban thờ chiếm gần nửa, phía dưới được tận dụng để đồ ăn.
Một phòng khác trong căn biệt thự chỉ vỏn vẹn 10 m2. Bên trong, chủ chỉ kê một chiếc giường và bàn học.
Trước đây, nhà nước từng có chính sách di dời những hộ dân sống trong biệt thự số 4 Bà Huyện Thanh Quan về nơi ở mới là chung cư cũ ở phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, song nhiều người không đồng tình.
Theo một số hộ dân, họ chưa muốn chuyển đi phần vì đã ở trong biệt thự cũ bao năm, giờ chuyển tới chỗ mới lại là chung cư cũ thì không hợp lý. Trong đơn kiến nghị gửi lên UBND quận Ba Đình, các hộ dân sẽ đồng ý chuyển đi nếu được đền bù bằng đất hoặc tiền, đồng thời tính thêm giá trị các khoản đất chung, khu vệ sinh chung và cây cối trên đất chung trong khuôn viên biệt thự.
Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự, gồm 367 căn thuộc sở hữu nhà nước, 732 căn thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 căn thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự cũ chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Đa số biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm; nhiều công trình không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng.