Bị công ty môi trường đô thị nợ lương 7 tháng nay, vợ chồng ông Đoàn Văn Đăng ở huyện Phúc Thọ, chật vật mưu sinh bằng nhiều công việc.
Ngôi nhà cấp bốn rộng chừng 20 m2 của vợ chồng ông Đoàn Văn Đăng (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sơn (53 tuổi) nằm ven quốc lộ 32, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, được bao quanh bởi những lùm cây ăn trái, ao cá. Đây là nhà ông bà thuê lại vài năm qua.
Sáng sớm, ông Đăng kéo xe đi cắt cỏ quanh cánh đồng cạnh nhà về cho cá ăn. “Ở đây có ao cá, mình có thể sinh sống và làm ăn, giá thuê 10 triệu đồng mỗi năm. Nhà cũ ở xã Võng Xuyên (cách đó khoảng 8 km) đã xuống cấp, ruộng đồng nhỏ hẹp, ít nước nên khó canh tác”, ông Đăng giải thích.
Hàng ngày, ông Đăng đi xin bã đậu và cắt cỏ cho cá ăn. “Năm đầu nuôi cá lãi được 10 triệu đồng, nhưng hai năm trở lại đây, do Covid-19, cá giống không bán được, năm ngoái chỉ thu được 1,8 triệu đồng”, ông Đăng kể.
Nuôi cá giống thu nhập bấp bênh, vợ chồng ông Đăng lên Hà Nội làm nghề thu gom rác cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân hơn 3 năm nay. Do công ty chậm chi trả lương 7 tháng qua, gia đình ông bà gặp nhiều khó khăn.
“Tôi đã có thời gian dài làm không hợp đồng cho công ty, mãi tới năm 2017 công ty tuyển người mới chính thức được ký. Thời gian gần đây, sức khỏe đi xuống, bị nợ lương nên tôi ở hẳn nhà. Cả nhà hai vợ chồng và con dâu làm nghề này thì đều bị nợ 6-7 tháng lương”, bà Sơn nói.
Bà Sơn cầm hợp đồng lao động đã ố vàng. “Họ ký hợp đồng với tôi nhưng hai năm nay không thực hiện theo hợp đồng là trả lương đúng hẹn từ mùng 5 đến 10 hàng tháng, để chúng tôi mòn mỏi chờ đợi. Năm 2019, công ty nợ 3 tháng lương, đến cuối năm mới trả đủ. Năm ngoái, nợ tới 7 tháng mà qua Tết vẫn không thấy nói gì”, bà Sơn nói.
Căn nhà của vợ chồng bà chỉ có chiếc giường ghép từ mấy thanh gỗ, trải chiếu để sinh hoạt.
Vài ngày trước, bà Sơn bị tai nạn giao thông rạn hai dẻ xương sườn, phải tạm nghỉ việc. Hai vợ chồng chỉ trông chờ vào tiền bán ve chai nhặt được khi thu gom rác, rau thì hái quanh vườn nhà. Khi có việc cần mấy trăm nghìn, bà Sơn ra chợ vay mượn người thân.
Hiện gia đình chỉ còn ông Đăng là lao động chính. Hàng ngày, ông dậy từ sớm buộc chiếc chân giả làm việc nhà. “Năm 1997, khi làm nghề đóng gạch, tôi bị máy cuốn mất chân phải. Trước kia làm ruộng, mỗi năm phải thay chiếc chân giả vì ngâm nước, hư hỏng. Mấy năm nay đi làm rác thì hai năm mới phải thay chân giả. Chân giả mua mới ngót một tháng lương dọn rác (khoảng 5,5 triệu đồng)”, ông Đăng kể.
Hai ngày trước ông Đăng ốm vào viện chụp chiếu, chưa có kết quả nhưng ông tự bỏ về vì sợ không có tiền trả viện phí.
15h30 hàng ngày, ông Đăng đón xe buýt đi 30 km lên quận Nam Từ Liêm để thu gom rác. Từ đầu năm nay, hợp đồng của ông được chuyển sang Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco7), được đóng bảo hiểm và trả lương đúng thời gian hàng tháng nên ông rất vui.
Ca làm việc của ông bắt đầu từ 17h30, công việc chính là thu gom rác tại các hầm chung cư, trung bình mỗi người thu gom 2 tấn/ca.
Rác được thu gom lên xe tải rồi chở về công ty tập trung, một nhóm gồm hai người theo xe sẽ phụ trách từ việc dọn rác lên xe đến hạ rác xuống bãi tập kết.
Rạng sáng, ông Đăng trở về lán tạm mở điện thoại kiểm tra cuộc gọi nhỡ trong ngày. Dọn rác trong hầm các chung cư độc hại, mỗi ngày ngoài 174.000 đồng tiền công, ông còn được nhận 20.000 đồng hỗ trợ.
Chiếc lán che bằng những tấm bạt gỗ tạm bợ, được vợ chồng ông Đăng dựng bên hàng rào Cung Điền kinh, là nơi trở về sau mỗi ca làm việc. Ông Đăng tranh thủ thay quần áo lao động, ngả lưng ngủ đến 5h, rồi đi bộ ra đường lớn bắt hai chuyến xe buýt về nhà.
Ông cho biết, hiện Công ty Minh Quân đã trả cho ông trước 3 tháng lương, còn nợ 4 tháng nữa họ hẹn ngày 10/7 sẽ gặp.