(Tin hot) Trường học xa nhà, học sinh phải ở bán trú tại trường, hoặc tá túc trong những lán trại tạm bợ, sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn uống.
Xã Hữu Khuông nằm biệt lập, nơi sâu nhất của hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An). Để đến xã có hai cách, một là đi thuyền trên lòng hồ; hai là vượt rừng, men theo đường ven hồ. Do đường bộ cách trở, phần lớn người dân đi bằng đường thủy, bắt đầu từ bến Con Phen (ảnh). Từ đây, họ phải đi thuyền hai tiếng vượt hồ thủy điện mới tới bến Thượng Lưu (xã Yên Na) và trung tâm huyện Tương Dương.
Xã Hữu Khuông gồm 7 bản nằm cách xa nhau, với 3 dân tộc Mông, Thái và Khơ – mú sinh sống. Để đến trung tâm xã, nơi có Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS, học sinh phải đi lại bằng thuyền. Các em ở xa, có hộ khẩu ở Hữu Khuông được ở lại trường theo dạng bán trú.
9 năm nay, chị em Huyền, Nguyễn và Toàn (bản Chà Coong) ở trong chiếc lán tạm do bố mẹ dựng ở bãi bồi ven suối. Căn lán hơn 20 m2 trải vừa hai chiếc chiếu, bếp nấu ăn ở góc. Trước khai giảng, ba đứa trẻ mang theo gạo, rau và măng xuống trường. Chúng ít khi trở về nhà, nếu bố mẹ không đưa thuyền đến đón.
Bản Chà Coong trước thuộc xã Hữu Dương, thanh bình và trù phú. Năm 2010, người dân di dời theo chủ trương, dành chỗ cho nhà máy thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc miền Trung. Một số gia đình không muốn đi. Nhiều nhà chuyển xuống khu tái định cư ở huyện Thanh Chương rồi quay lại vì nơi ở mới thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn. Họ dựng lều lán, sinh sống tạm bợ, canh tác khiến chính quyền Hữu Khuông nhiều năm nỗ lực nhưng chưa thể giải quyết.
Buổi sáng, khi Nguyễn làm vệ sinh cá nhân thì Toàn đợi đến lượt. Hai đứa trẻ dùng chung bàn chải đánh răng. Tiền tiêu vặt mỗi tháng của các em khoảng 100.000 đồng, chủ yếu để mua thức ăn.
“Ở đây nhiều muỗi nên nước phải đun sôi mới uống được”, Nguyễn vừa thổi lửa đun nước vừa nói. Căn lán không có đường ống dẫn nước, các em phải tích trữ nước sạch để nấu cơm và uống trong can 20 lít; còn tắm rửa, giặt giũ thì ra suối hoặc nhờ nhà dân trong bản Con Phen.
Chị Lô Thị Thanh Hồng (bản Chà Coong) đưa con trai 4 tuổi xuống trung tâm xã xin học mầm non. Gia đình Hồng thuộc diện di dời xuống khu tái định cư ở huyện Thanh Chương nhưng không ai muốn đi vì nơi đó thiếu đất sản xuất. Cũng như chị em Huyền, nhà Hồng cũng không có hộ khẩu nên con không được vào bán trú. Hồng tính ở cùng con cho đến khi thằng bé vào lớp 6 thì để nó tự lo.
Sáng sớm nghe tiếng trống báo thức, hàng chục học sinh của trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông ra ven suối đánh răng, rửa mặt. Xã ven lòng hồ nhưng hiếm nước sạch sinh hoạt, thường dùng nước suối hoặc nước chảy từ trên mó về.
Năm học 2018-2019, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông có 154 học sinh được ở bán trú. Ngoài ra, còn rất nhiều em không có hộ khẩu ở Hữu Khuông phải ở lán trại tạm bợ dựng gần trường.
“Được đi học là quyền lợi của mọi đứa trẻ, nên nhà trường vẫn nhận các em vào lớp. Song vì không có hộ khẩu nên các em không được hưởng chế độ bán trú cũng như chính sách khác. Nhà trường đang đề xuất với huyện xét cho các em vào bán trú nhưng chưa có kết quả”, thầy Hoàng Xuân Vinh, Hiệu phó trường Hữu Khuông thông tin.
Học sinh đi bộ từ khu bán trú tới trường. Vào thứ hai, thứ ba và thứ năm hàng tuần, các em gái sẽ mặc trang phục dân tộc tới lớp, tương tự như áo dài của nữ sinh miền xuôi.
Những đứa trẻ phấn khởi khuân sách vở, đồ dùng học tập vừa được phát vào đầu năm học mới.
Tan học, Vi Văn Thanh, học sinh lớp 8 lại thả lưới ven suối, kiếm thêm con cá cho bữa ăn. Giao thông hạn chế, đồ dùng sinh hoạt, thức ăn vận chuyển đến nơi này chủ yếu phải thuê thuyền nên giá cả đắt gấp rưỡi, có khi gấp đôi.
Nhà ăn bán trú xếp hai hàng bàn ghế gỗ, cũng là nơi các em tập trung ngồi xem tivi sau giờ tự học 19-21h mỗi tối. Năm 2016, xã hòa lưới điện quốc gia, nhưng nguồn điện nơi này rất yếu. Học sinh mang sách lên trường, nơi có đủ bóng điện sáng để học bài. Trước giờ đi ngủ, các em có thể xem hoạt hình. Nhiều em đói thường pha mì tôm ăn đêm bởi bữa cơm bán trú buổi chiều thường ăn sớm, khoảng 18h.