Đặng Hữu Xướng nghe trái tim mình hát

(Nhiếp ảnh hà Nội) Sau khi nghỉ hưu, Đặng Hữu Xướng đã bước vào con đường để trở thành Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đã qua tuổi 80 mà hễ nghe thấy rủ đi chụp ảnh là ông ba lô lên đường.

14980639_1843949099222540_2938145421400688753_n

Chân dung NSNA Đặng Hữu Xướng

Tháng 30 ngày thì gần như từng ấy buổi sáng tôi thấy ông già ấy ngồi ngâm ngợi bên tách cà phê tại quán 24 Trần Hưng Đạo, nơi rất nhiều khuôn mặt thân quen trong giới Nhiếp ảnh báo chí, nghệ thuật Hà Nội tụ hội. Thấy đủ các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Việt Hưng, Cao Phong, Ngô Dư, Duy Ngọc, Đinh Quang Thành, Ngọc Thái, Lại Hiển, Diễm Đàm, Đào Quang Minh, Hoàng Ngọc Thạch… Gần đây, thấy cả ông Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Vũ Quang Khánh. Ông già ấy đến quán để nghe nhiều hơn nói, tay luôn bấm vào chiếc “phôn” to quá cỡ, trong đó có chứa hàng trăm file ảnh ông chụp khắp mọi miền đất nước.

17523168_1928817377402378_590336946348004830_n

Mù Cang Chải

Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Hữu Xướng vừa tròn 80 cách đây ít ngày. Quê ông ở Hải Phòng nhưng lớn lên tại Hà Nội. Khác với những đứa trẻ cùng lứa, 10 tuổi ông đã tham gia cách mạng trong vai chú bé liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo trong kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

Ông lớn lên trong các cơ quan báo Sự Thật, Nhân Dân và các Nhà in Tô Hiệu, Tiền Phong, Tiến Bộ. Năm 1965, sau khóa học tại Trường Đảng Lê Hồng Phong, Hà Nội, Đặng Hữu Xướng được điều động đến công tác tại Thành ủy Hà Nội rồi UBND thành phố với cương vị Phó Bí thư thường trực Đảng khối chính quyền. Ông được cử làm Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và chuyên viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Nghỉ hưu cuối 1989. Ông “bập” ngay vào lớp học nhiếp ảnh do một số giảng viên các trường Đại học Sư phạm, Ngoại ngữ và một số cơ quan văn hóa khác tổ chức, trong đó có giảng viên tiếng Pháp Trần Thị Cần, nhà văn – nhà dịch thuật Trịnh Xuân Hoành, bác sĩ phẫu thuật Phạm Trung Thành, trưởng phòng đối ngoại Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Nguyễn Ngọc Bảo, nhà nghiên cứu thư pháp chữ Việt Vũ Tuấn Minh.

Sau một tháng học và một đợt đi sáng tác dài ngày tại đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh xa, lớp học chuyển thành CLB nhiếp ảnh Đông Đô và ông làm chủ nhiệm CLB này. Ông có ảnh tham gia triển lãm từ ấy và đều đặn đến tận nay. Đã qua tuổi 80 mà ông vẫn như một “đệ tử hầu đồng”, hễ nghe thấy từ đầu một điện thoại nào đó rủ đi chụp ảnh là ông ba lô lên đường, không kể gần xa…

Tôi mượn quyển album ảnh chứa gần 100 tác phẩm ảnh triển lãm sắp tới của ông sẽ trưng bày tại Nhà Thông tin – Văn hóa Hồ Gươm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào cuối tháng 10 này để xem trước, thấy nội dung ảnh triển lãm rất phong phú. Đó là hai chị em gái nhỏ ở Tây Nguyên đang hào hứng trong trò “oẳn tù tì”, đôi mắt các cháu đen láy tập trung vào các ngón tay giơ cái búa, cái kéo, miệng cười vui như không thể vui hơn được nữa. Thật hạnh phúc cho người mẹ nào có hai đứa con với vẻ đẹp thiên thần đến vậy.

Tôi cũng mải mê ngắm mẹ già dân tộc Thái ngồi đồ chõ xôi trong vuông bếp nhỏ giữa nhà sàn ấm màu lửa đỏ. Nắng chếch từ cửa sổ tạo ven sáng quanh Mẹ thấy phúc hậu và thuần khiết đến vậy. Và một bà mẹ khác đang ngồi dung dị trên sàn gỗ, tóc búi ngược, đầu gối đặt tấm thổ cẩm, con gái nhỏ quỳ bên chân. Mẹ đang hướng con gái tìm đường kim, mũi chỉ buổi đầu thêu họa tiết Thái trên chiếc khăn “piêu”…

1477475660-333

Ngươời mẹ hướng dẫn con gái thêu họa tiêết khăn “piêu”

Tôi thực sự thích thú với ba tác phẩm ảnh ông vừa chụp mùa xuân rồi ở bản Lao Xa trên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Xem ảnh tưởng như không còn làng bản nào ở Đồng Văn có thể đẹp hơn thế: vẫn là những mảnh tường đá xếp quanh các ngõ hẹp; những cành đào xuân hoa thắm đứng phô sắc quanh lối xóm và một con đường hẹp trườn lên dốc núi, từng phiến đá xếp ngang vừa một sải chân bước, từng bậc, từng bậc cao dần… Một tảng đá lớn như hòn giả sơn cao vài mét đứng giữa sắc hoa xuân. Phía xa, mờ ảo trong sương mù, rặng núi nhấp nhô tạo không gian giàu sắc cao nguyên.

1477475764-111

Những cô gái Thái trong dòng suối sau một ngày lao động

Thật đẹp, cũng thật lạ! Đáng yêu là cô gái Thái, sau một ngày lao động, mình trần đầm trong dòng suối trong, rốn nước và nắng chiều. Trên bờ, quanh các “em” là những tảng đá trắng, trên đó ấm màu chỉ thêu váy áo và những cánh bướm trên cúc áo sáng lung linh như đang rập rờn bay. Tôi ước, giá như mình còn hoa niên nhỉ… và còn nữa.

Đó là hai cô gái dáng chừng quê quan họ, yếm thắm lưng trần đang rửa rau sau buổi chợ. Quanh “chị” hai, “chị” ba ấy là gần chục chiếc chum vại sành đặt bên bể nước mưa. Bức tường ngăn phía sau hai cô gái xây bằng những chiếc tiểu sành méo mó, nhưng màu sành vẫn còn tươi đỏ. Rất vui thấy họa tiết trên các tiểu đều dập nổi chữ “Thọ” hình tròn. Xem ảnh đoán mò: chắc các em gái quê ấy không quan họ làng Viềng thì cũng Thổ Hà bên sông Cầu gần đấy.

1477475856-222

Hai cô gái yếm thắm lưng trần đang rửa rau sau buổi chợ

Và… không một chút ồn ào mà sâu lắng. Đó là tấm ảnh chụp một vùng hồ tĩnh lặng bên quốc lộ 21 từ Phủ Lý đi Chi Nê. Trên mặt hồ, một hàng cây ngâm mình trong nước, cành đã rụng đến chiếc lá cuối cùng, đang “tâm sự” với một ngư phủ, người cũng gần như cây vậy. Ông ngồi trên con thuyền nan nhỏ già nua như lão. Cảnh tĩnh đến lạnh người nhưng đẹp chẳng thua gì một bức tranh thủy mạc.

Đặng Hữu Xướng đi nhiều, chụp cũng lắm như để bù lại những năm tháng dài quẩn quanh Hà Nội. Ông có nhiều ảnh chụp SaPa mù sương, tuy phủ Y Tí, Tả Van, đua bò ở An Giang miền Tây Nam Bộ được tái hiện, Ghềnh đá đĩa ở Tuy Hòa, chăn cừu ở Ninh Thuận và không thiếu ảnh chụp ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải, chợ tình Khau Vai, cầu treo ở Niêm Sơn…

Tôi yêu ảnh của Đặng Hữu Xướng vì ông không dàn dựng, không sắp xếp đối tượng một cách chủ quan mà ông quan tâm đến khoảnh khắc bấm máy, tìm vị trí đứng chụp thích hợp nhằm hoàn thiện chủ đề, bố cục, lựa sáng… Ảnh của ông đơn giản trong tạo hình, dễ xem, dễ nhớ…

80 tuổi đời, ông vẫn không chịu ngồi yên trong quán mỗi sáng, luôn có mặt trên từng cây số với chỉ duy nhất một chiếc máy ảnh trong tay. Đối với ông, đó là niềm vui lớn của tuổi già sau 50 năm làm cán bộ và nay thêm gần 20 năm là anh “phó nháy”. Đặng Hữu Xướng đang trong vai một nghệ sĩ nhiếp ảnh của thời kì đổi mới. Như diều gặp gió, Nhiếp ảnh như đôi cánh nâng ông bay cao và bay xa.

mua nc do

Mùa nước đổ

Triển lãm ảnh mang tên “Những khoảnh khắc tôi yêu” sẽ ra mắt công chúng yêu ảnh từ Thứ 6, ngày 28/10/2016 đến hết ngày 31/10/2016 tại Trung tâm Thông tin Hồ Gươm. Địa chỉ số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bài: NSNA Đinh Quang Thành

Ảnh: NSNA Đặng Hữu Xướng

Tin liên quan