ĐÔI ĐIỀU VỀ BAN GIÁM KHẢO CÁC CUỘC THI ẢNH

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Hiện nay nhiếp ảnh trở thành một trào lưu đang phát triển và nở rộ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh, ngành ngành chụp ảnh. Chỉ cần trong tay có một chiếc máy ảnh du lịch thậm chí một chiếc Smartphone ai cũng có thể chụp được ảnh. Bởi vậy hàng năm ngoài Hội NSNA Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh các tỉnh thành phố, các CLB nhiếp ảnh, các Bộ ngành có hàng trăm cuộc thi và triển lãm ảnh. Đó là một nhu cầu cần thiết và rất tự nhiên. (Nhìn về góc độ xã hội rõ ràng Nhiếp ảnh đóng vai trò không nhỏ trong việc nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục nhận thức cho người dân, ca ngợi biểu dương cái tốt, phê phán bài trừ cái xấu)
Có thi cử ắt phải có chấm giải, nảy sinh nhu cầu cần phải có Hội đồng Giám khảo để thẩm định, chấm ảnh xét giải nôm na gọi là Ban Giám khảo cuộc thi (BGK)

NSNA Đặng Đình An – Chủ tịch Hội, chủ trì Hội thảo cùng NSNA Đào Quang Minh – Phó Chủ tịch Hội; NSNA Cao Minh – Ủy viên BCH, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội NANT Hà Nội và NSNA Lại Diễn Đàm phát biểu tại Hội thảo

Thẩm định, chấm ảnh xét giải là yếu tố rất quan trọng trong các cuộc thi ảnh. Cuộc thi có thành công hay không, ngoài công tác tổ chức sẽ tùy thuộc rất nhiều vào Ban Giám khảo. Một BGK đủ năng lực và trình độ chuyên môn sẽ chọn ra một bộ giải cùng bộ ảnh trưng bầy triển lãm tốt, đáp ứng được yêu cầu nội dung và các tiêu chí do cuộc thi đề ra. Như vậy những thành viên BGK chính là các “chuyên gia” có tri thức và trình độ chuyên môn cao về nhiếp ảnh mới có thể thẩm định, đánh giá các tác phẩm ảnh. Ngoài yếu tố trên các thành viên BGK còn là những người công tâm, khách quan, không vụ lợi. Đó là đạo đức và cũng là trách nhiệm của người làm công việc giám khảo trước cơ quan chủ quản và Ban Tổ chức cuộc thi. Nói thì như vậy, nhưng không phải cuộc thi nào cũng thành công mỹ mãn, hài lòng cho tất cả mọi người. Thường thì sau các cuộc thi và trao giải thưởng nhiếp ảnh không khỏi có những dư luận này nọ hoặc ý kiến khen chê, xì xào thậm chí gây bức xúc cho người dự thi hoặc cả người được giải. Phải nói một cách khách quan rằng đây là một thực tế đang tồn tại, là chuyện có thật mà chúng ta phải thừa nhận, nếu không thì tại sao sau mỗi lần cuộc thi khép lại đều có ý kiến này…dư luận nọ. Có trường hợp nghiêm trọng hơn thì BTC phải hủy kết quả, thu hồi giải hoặc tác giả phải xin tự rút giải. Lâu nay chúng ta coi chuyện đó là mặc nhiên không đáng quan tâm, lâu dần mọi chuyện sẽ quen rồi rơi vào quên lãng. Để tránh những điều tiếng thị phi và những hệ lụy xấu xẩy ra sau đó nhằm mục tiêu để các cuộc thi và triển lãm ảnh đạt kết quả ngày càng tốt hơn. Nên chăng chúng ta cần thay đổi các quy định và cách chọn lựa người vào BGK.

NSNA Cao Phong trình bày bài tham luận tại Hội thảo

1/ Thành phần tham gia BGK: Trước hết BGK không phải là MTTQ cho nên không nên đặt ra vấn đề phải “cơ cấu” thế nào cho đủ thành phần để giữ gìn sự “đoàn kết” mà phải chọn những chuyên gia, những người thực sự hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Không thể mời các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu xã hội học, nhà quản lý vào BGK. Những người làm công tác quản lý (có chức sắc) chỉ nên tham gia BTC hoặc Ban Chỉ đạo cuộc thi. Nói như vậy không phải đánh giá họ không giỏi, không có chuyên môn sâu…! Nhưng làm trưởng BTC hoặc Ban Chỉ đạo cuộc thi cũng là giữ một cương vị rất quan trọng rồi, hà tất phải tham gia BGK để “ôm rơm rặm bụng” rồi xẩy ra những chuyện lùm xùm đáng tiếc vừa qua vừa mang tiếng là “vừa đá bóng vừa thổi còi” như đã từng xảy ra.
Trước mỗi cuộc thi nên công bố danh sách BGK, trước hết là ông Chủ tịch Hội đồng Giám khảo tức trưởng BGK, danh tính các thành viên BGK…bởi việc này không hề khó khăn. Vì để có một cuộc thi và triển lãm các đơn vị và BTC đã phải chuẩn bị hàng tháng thậm chí vài tháng, không lý gì lại không thể lựa chọn để đưa ra công khai danh sách một BGK ngay khi công bố thể lệ cuộc thi. Tránh để tình trạng tới ngày phát động cuộc thi BTC công bố một câu rất thiếu thông tin đại khái (Trích nguyên văn trong thể lệ một cuộc thi và triển lãm ảnh của TP Hà Nội gần đây): “Ban Giám khảo cuộc thi là những nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật có uy tín, trách nhiệm và chuyên môn cao”. Thật là “tù mù” và rất chung chung không đủ nội dung và tư cách cho một cuộc thi mang tầm quốc tế mà từ rất lâu nay cuộc thi nào cũng lặp đi lặp lại câu thể lệ về BGK như vậy. Nên nhớ để mỗi NSNA, hoặc tác giả tham dự cuộc thi người ta đều cần xem danh sách các thành viên BGK để có nên tham gia hoặc không tham gia cuộc thi đó.
Có người e rằng công bố danh tính thành phần BGK, chủ khảo sẽ phát sinh hiện tượng tiêu cực như “chạy giải, chạy giám khảo”… Chuyện đó đã từng xẩy ra nhưng chỉ là trường hợp cá biệt và đã bị xử lý kỷ luật.. Một tổ chức làm việc có kỷ luật, có qui định, công khai minh bạch và có những “chế tài” kèm theo ắt không bao giờ sợ những hiện tượng tiêu cực đó. Những người phạm quy hoặc vi phạm những vấn đề về đạo đức trong thi cử sẽ bị thu hồi, hủy giải… bị dư luận lên án. Nếu là thành viên giám khảo vi phạm các quy định đó sẽ bị loại khỏi BGK, cấm tham gia làm giám khảo nhiều năm, thậm chí cấm hẳn… chắc chắn cái xấu bị đẩy lùi. Người nghệ sỹ chân chính có sự kiêu hãnh và lòng tự trọng chắc chắn không lo ngại các hiện tương tiêu cực đó nữa.

NSNA Phạm Công Thắng phát biểu tại Hội thảo

2/ Lựa chọn người vào BGK:
Thông thường thành viên BGK thường do Chủ tịch HĐNT của Hội NA đề cử giới thiệu trưởng BGK (thường là Chủ tịch Hội) và Ban Chỉ đạo thông qua. Một “qui trình” như vậy tưởng đã là chặt chẽ, ấy vậy mà đã có trường hợp trong BGK đã lọt vào một vị hội viên lính mới “tò te” vừa được kết nạp Hội mấy tháng đã chễm chệ ngồi vào ghế BGK. Thật là nực cười và hài hước, làm cho những nghệ sỹ chân chính có lòng tự trọng phải ngán ngẩm ngậm ngùi. Nếu là người nghệ sỹ đích thực có tự trọng cao trong trường hợp đó dù có được đề cử cũng nên xin “rút lui” vô điều kiện. Bởi lẽ những người được đề cử vào BGK phải là những chuyên gia giỏi về lĩnh vực nhiếp ảnh. Giỏi ở đây bao gồm tất cả “nội hàm” của nó, họ thực sự là những người vừa tinh thông nghiệp vụ, giỏi về nghề lẫn lý luận phê bình vừa am hiểu thực tế đời sống xã hội…
Trong thời đại công nghệ 4.0 các thành viên giám khảo ít nhất cũng phải biết sử dụng máy vi tính để có thể chấm ảnh “Online” hoặc ít nhất cũng thoát “mù” về Photoshop. Người viết bài đã từng chấm ảnh cùng với một vị giám khảo không hề biết gì về Photoshop nên khi thẩm định ảnh, có tác phẩm ảnh người ta không hề làm Photoshop không hề chắp ghép lại bảo ảnh này “shop”; có tác phẩm ảnh làm Photoshop lè lè ra… vừa vụng về vừa thô thiển lại bảo không. Chính sự “gà mờ” của những vị giám khảo như thế đã xảy ra tình trạng: Ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi bị hội viên soi xét, phát hiện phê phán BTC cuộc thi buộc phải quyết định hủy bỏ kết quả chấm giải.
Hoặc một trường hợp khác: …Trong một cuộc thi và triển lãm ảnh tầm cỡ toàn quốc, có một tác phẩm về ruộng bậc thang vùng cao đoạt Giải Nhất cuộc thi. Khi phóng ảnh mới chỉ to bằng hai trang tạp chí nhiếp ảnh đã phát hiện 3 người làm ruộng đi lộn đầu xuống đất, chân ở trên trời. Tác giả đã cố chắp ghép ruộng bậc thang lộn ngược để phù hợp với bố cục toàn bức ảnh, nhưng do thiếu hiểu biết về kiến thức nhiếp ảnh, hội họa cùng qui luật “viễn cận” (luật xa gần của thị giác) nên khi ghép vào đã làm ruộng bậc thang ở gần thì hẹp sít lại, ở xa thì bờ ruộng lại rộng doãng ra trái với quy luật xa gần trong nhiếp ảnh. Ấy vậy mà tác phẩm vẫn vào giải và đoạt Giải Nhất cuộc thi ảnh toàn quốc, dù thể lệ cuộc thi lúc đó quy định cấm chắp ghép. BTC và BGK cuộc thi không dám “dũng cảm” nhận sai lầm khuyết điểm để hủy giải của tác phẩm đó. Vì vậy khi khai mạc triển lãm, tác phẩm đoạt Giải Nhất BTC chỉ dám khiêm tốn cho phóng cỡ 24x30cm và treo tít tận trên cao gian tiền sảnh triển lãm.
Việc tác giả làm gì với ảnh của họ không đáng trách, nhưng đáng trách nhất vẫn là BGK, những người cầm cân nảy mực, thẩm định và xét giải. Không biết do thiếu sự tinh tường, do vô tình hay hữu ý của BGK, của BTC nhưng đã để lọt một tác phẩm vừa phạm quy, vừa mắc những lỗi cơ bản một cách ngớ ngẩn vào Giải Nhất của cuộc thi. Vì vậy “chuyện Giải Nhất” mới trở thành chuyện đàm tiếu hài hước làm xôn xao dư luận một thời, gây điều tiếng xấu trong giới nhiếp ảnh. Một cuộc thi như vậy được coi là thành công hay thất bại các bạn đã rõ.
3/ Đối với nhà tài trợ: Thực sự dù họ có là GĐ, TGĐ là CEO của các Tập đoàn lớn này nọ thì họ vẫn không phải là các chuyên gia về lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi vậy họ không thể là thành viên chính thức của Hội đồng Giám khảo. Nhưng đối với các cuộc thi và triển lãm nhà tài trợ “gánh” phần lớn kinh phí cuộc thi và toàn bộ giải thưởng nên có thể quyết định cả “vận mệnh” cuộc thi. Vì vậy vai trò nhà tài trợ rất quan trọng. Vậy BTC nên có giải pháp cân bằng hoặc cách giải quyết hợp tình hợp lý là để họ được quyền trao một vài giải “Đặc biệt” của nhà tài trợ. Họ sẽ lựa chọn những tác phẩm ưa thích nhất, phù hợp với tiêu chí và yêu cầu quảng bá cho chuyên ngành hoặc sản phẩm của họ. Như vậy chúng ta vừa tỏ rõ sự tôn trọng vai trò của họ vừa động viên khích lệ tinh thần các nhà tài trợ. Trong các trường hợp Hội nhận lời giúp cho các Bộ ngành khác tổ chức thi, triển lãm ảnh và chấm giải, cách làm và ứng xử của ta có lẽ cũng nên như vậy. Không thể nói như một NSNA lâu năm và có chức sắc ở Hội trung ương từng tuyên bố “xanh rờn” với anh em NSNA: “Bà bán rau nếu có tiền tài trợ cũng có thể tham gia BGK”. Suy nghĩ như vậy… thật không còn gì để nói. Phần bình luận còn lại dành cho các bạn.
Chính với lối nghĩ như thế nên nhiều cuộc thi BGK đã để lọt nhiều hạt “sạn” mà những sạn này đôi khi to như những hòn đá tảng. Rất nhiều tác phẩm thực sự kém cả về nội dung tư tưởng và hàm lượng nghệ thuật lại được vào giải mà còn đoạt giải cao. Đương nhiên nếu chỉ là ảnh treo triển lãm thì bình thường chẳng có gì để nói nhưng vì vào giải cao buộc người ta phải “soi xét”. Rõ ràng để xảy ra những trường hợp như thế này đều rất đáng tiếc.
Vì vậy vai trò vị trí người làm giám khảo cực kỳ quan trọng, có thể quyết định thành bại của cuộc thi nên họ phải là người tài giỏi, tinh tường nghiệp vụ, biết đọc ảnh, phân tích ảnh vừa phải là người công tâm, khách quan, trung thực không vụ lợi và điều quan trọng hơn cả là giữ được đạo đức của người làm nghề. Đề cử đúng được những giám khảo có tâm có tầm như thế sẽ làm lành mạnh các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vốn là lĩnh vực có nhiều nhạy cảm mà rất ít người muốn nói vì sợ đụng chạm mất lòng.
Cuộc thi nào cũng vậy đều đề ra nội dung, tiêu chí để thẩm định ảnh, chọn ảnh. Vậy trước đó cũng nên đề ra những tiêu chí “khắt khe” hơn để chọn các thành viên vào Ban Giám khảo.

Bài tham luận: NSNA Cao Phong tại “Hội thảo Nhiếp ảnh nghệ thuật những vấn đề hiện tại” của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội ngày 28/11/2018
Ảnh: NSNA Tạ Quang Hậu

Tin liên quan