(Khám phá) Khi ba chiếc chiếu được tung ra giữa sân đình ở Tam Dương (Vĩnh Phúc), người dân tìm mọi cách giành lấy.
Ngày 12/2 (mùng 8/1 âm lịch), chính quyền xã Đồng Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) tổ chức hội Đúc Bụt tại đình làng Phù Liễn. Các bô lão trong trang phục chỉnh tề thành kính làm lễ.
Đúc bụt là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa – một nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Nữ tướng ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy dân biết sĩ, nông, công, cổ (dạy học, làm nông, nghề phụ trợ và buôn bán).
Ba thanh niên được chọn làm “bụt” xuất thân trong gia đình có đủ con trai, con gái, sống hòa thuận, được hàng xóm mến phục. Năm nay, Nguyễn Đức Hoàn (18 tuổi) được chọn làm “bụt” (giữa). Hai “bụt” bên cạnh là Ngô Trung Hải (18 tuổi) và Trần Trọng Hương (16 tuổi).
Sau khi làm lễ, những người đóng vai bụt sẽ được đưa ra tắm tại giếng cổ của làng…
…và đắp bùn tại cánh đồng trước cửa quần thể đình, đền, chùa gần đó.
Một đội sẽ bảo vệ ba bụt trong suốt quãng đường từ cánh đồng trở về nơi làm lễ.
Khi đoàn rước về tới đình, ba bụt chạy nhanh vào sân đình. Nhiều tích trò diễn ra trong tiếng chiêng trống, hò reo của người dân.
“Điểm mới của lễ hội Đúc Bụt 2019 là chúng tôi rút hết phần giữa chỉ chiếu. Sau khi đúc bụt, Ban tổ chức sẽ tung chiếu. Người dân chỉ cần dùng một lực nhẹ là có thể lấy được những sợi cói chiếu. Chúng tôi gọi đây là tản chiếu phát lộc, chứ không gọi là cướp chiếu như xưa”, ông Nguyễn Ấn, thành viên Ban tổ chức nói.
Chiếc chiếu được ném về giữa sân, người dân phá bỏ hàng rào bằng dây lao vào giành giật. Trước đó cuối năm 2018, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đề nghị cắt nhỏ manh chiếu để tán lộc cho người dự hội, thay vì để đông đảo người lao vào tranh cướp, tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm đối với lễ hội truyền thống.
Người giành được chiếu tìm đủ cách bảo vệ thành quả vừa lấy được.
Một thanh niên cố hết sức giành lấy manh chiếu trong số hàng trăm người đang chen lấn xô đẩy giữa sân đình.
Nhiều người tin rằng ai cướp được chiếu, nhất là chiếc có bó mạ xanh trên đầu (chiếu giữa) thì chắc chắn năm đó vợ chồng sẽ sinh con trai.
“Hàng năm chúng tôi đều đến hội, không giành chiếu mà chỉ nhặt manh chiếu vương vãi. Chiếu mang về để cho con cháu hoặc hàng xóm thôi, và đi hội cho có không khí đầu năm”, người phụ nữ mặc áo nâu chia sẻ.