Hái lá rừng làm men rượu

Tranh thủ những ngày nắng đẹp cuối năm Tân Sửu, bà Hồ Thị Nái vào rừng Trường Sơn hái lá về làm men rượu truyền thống.

Sáng sớm, sương giăng khắp mái nhà, cây cối, bà Nái (65 tuổi, trú thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) mang theo gùi, dao đi rừng rồi rảo bước về phía ngọn đồi cuối thôn. Sau 2 tiếng, bà đến được nơi có lá rừng cần hái.

Trong các loại lá, xa á ta moi và ra pét a lọ quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng men. Những người làm nghề đều giữ kín nơi có lá này. Bà Nái chọn cắt những cành già vừa phải, để lại gốc và cành lớn để lần sau thu hái.

Hiện, còn nhiều người dân ở vùng núi Quảng Trị vẫn giữ lại cách làm men lá truyền thống. Ảnh: Hoàng Táo
Nhiều người dân ở vùng núi Quảng Trị vẫn giữ lại cách làm men lá truyền thống. Ảnh: Hoàng Táo

Vừa cắt là rừng, bà Nái vừa nói: “Quan trọng nhất là phải biết lấy nguyên liệu từ rễ và lá cây rừng đúng độ tuổi để có men nồng đượm nhất”. Đây là bí quyết được nhiều đời trong gia đình bà đúc rút và chỉ truyền dạy cho con cháu để duy trì nghề quý của tổ tiên.

Cứ như vậy, bà Nái vạch rừng theo đường mòn tìm đến nơi có những thứ lá, vỏ cây cần thiết. Để có đủ nguyên liệu, bà phải mất nhiều ngày đi rừng, đôi khi đến nơi thì thú rừng ăn hết lá. Do các loại lá này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa… nên thú rừng thường tìm đến ăn.

Ngoài một số rễ, lá được thu hái từ rừng, theo tiếng Vân Kiều là ra lơng a giã, na noai, ta ven, xa măng, xa á ta moi, ra pét a lọ, men lá còn được làm từ một số loại rễ, lá gắn bó với đời sống hàng ngày như lá ớt, tiêu, mía, lá quế. Tổng cộng, khoảng 15 loại rễ và lá cây được sử dụng để chế biến thành men rượu.

Theo ông Hồ Văn Ven, người làm men lá ở A Dơi Đớ, lá rừng hái về được cắt, giã nát, trộn rồi ủ, sau đó vo viên, phơi khô, hong trên bếp lửa trong nếp nhà sàn. Nhờ giữ trên bếp lửa nên viên men có thể sử dụng tốt sau 2 đến 3 năm.

Chùm men lá làm xong gác trên bếp nên có thể sử dụng sau 2 đến 3 năm. Ảnh: Hoàng Táo
Chùm men lá làm xong gác trên bếp nên có thể sử dụng sau 2 đến 3 năm. Ảnh: Hoàng Táo

Men lá được ủ với cơm hoặc nếp, ngâm trong chum từ 7 đến 10 ngày mới chưng cất. Quá trình chưng cất, người dân phải dùng củi đun đều lửa, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ.

“Rượu mình nấu rất là sạch vì từ men tự nhiên. Người uống sẽ không đau đầu, tiêu hóa tốt. Mình rất tự hào vì làm được sản phẩm như thế này”, ông Ven nói.

Ngày nay, dù đã có nhiều loại đồ uống, đặc sản men lá dùng chế biến rượu vẫn được người Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông lưu giữ và phát triển trong văn hóa ẩm thực. Với họ, rượu men lá không thể thiếu trong các dịp lễ hội, là quà quý biếu khách đến thăm.

Ông Hoàng Khánh Hòa, Phó chủ tịch UBND xã A Dơi, đánh giá men lá là sản phẩm độc đáo của người Vân Kiều. Người dân vào rừng hái lá, ủ men nấu rượu chỉ để đãi khách quý. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội quan trọng như lễ giữ rẫy, lễ cơm mới, bốc mả…, rượu men lá là thức uống không thể thiếu.

“Chúng tôi vận động bà con gắn bó với nghề làm men lá, đồng thời phát triển men lá thành sản phẩm tiêu biểu trong chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần vào việc lưu truyền bản sắc văn hóa lâu đời của bà con”, ông Hòa nói.

Tin liên quan