Hoài niệm về một nghề … mai một

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Đó là nghề: Vẽ truyền thần. Trong nền Mỹ thuật thế giới (cả VN) đều có “môn” vẽ truyền thần (vẽ trực tiếp hoặc phương pháp kẻ carreaux vẽ lại từ bức tranh khác). Bài này chỉ nói về nghề độc đáo của Việt Nam, đó là vẽ truyền thần đen-trắng bằng bột than đen trên giấy croquis (còn có vẽ truyền thần trên các chất liệu: vải-gỗ-lụa-toan…) nó độc đáo bởi chỉ có ở Việt Nam mới có cách vẽ này.

tác giả

NSNA Việt Tiến

Phát triển từ những năm 50, cực thịnh vào năm 60 và sau năm 80 một thời gian khá xa của thế kỷ trước, ở các thành phố miền Bắc đều có, tuy ít như: Nam Định – Hải Phòng…. Nhưng nhiều nhất vẫn là Hà nội, ngày ấy Hà Nội “ba mươi sáu phố phường” nhỏ hẹp như một quận bây giờ mà số lượng hiệu vẽ lên tới vài trăm. Dọc theo con đường tàu điện qua những phố: Hàng Ngang – Hàng Đào… dẫn vào chợ Đồng Xuân và những phố quanh đấy, các hiệu vẽ (dù hẹp thôi) nhưng phải nói là không có nghề nào trong không gian ngắn mà tập trung nhiều đến thế, cứ san sát liền kề. Đó là chưa kể những tên tuổi lớn không mở hiệu mà chỉ vẽ và dạy nghề tại nhà  như Họa sĩ Văn Len, vậy mà các hiệu vẽ ngoài phố đều có treo tác phẩm của ông.

Nhìn những bức: “Cô gái Giải phóng quân đội mũa tai bèo” – “Thiếu nữ  đội nón lá”… chân dung “Danh họa Tề Bạch Thạch” v.v… vẽ to nguyên cả khổ giấy CANSON (Pháp) làm mê đắm người xem. Khách nước ngoài trầm trồ thán phục khi chăm chú ngắm nhìn chân dung các minh tinh màn bạc thế giới, tự hỏi: “Sao mà đẹp đến thế?”. Bởi họ chỉ thấy ảnh chân dung thôi. Rồi Bảo Nguyên ở Hàng Ngang – Quang “cận thị” Hàng Đường  v.v…  các hiệu vẽ của người trong gia đình, họ hàng mà còn thành lập HTX nữa. Ở Nghệ An trên đường vào Chợ Vinh có hiệu vẽ của con trai cố NS Nhiếp ảnh Văn Đồng. Sau 1975 tôi biết thêm ở Huế có HS Rin vẽ rất nổi tiếng.

2

Người viết bài này đến với nghề vào thập niên 70 của thế kỷ trước ở Hà Nội, theo hiểu biêt của mình cái nghề này ra đời sau khi Nhiếp ảnh du nhập vào nước ta không bao lâu, càng ngày càng cải tiến hoàn thiện. Phong tục Á Đông của ta, ông bà cha mẹ đều muốn có di ảnh để lại cho con cháu, nhưng với khí hậu nóng ẩm thấy ảnh chụp hay bị “nổ” bong tróc, ố vàng… muốn bền lâu chỉ có vẽ truyền thần. Lượng khách hàng đông các HS có “sáng kiến” nâng lên thành công nghệ, biết thị hiếu người thôn quê hay tiểu thị dân muốn chân dung mình có đầy đủ  áo the áo dài khăn đóng đi giày Gia Định hay mặc đồ Tây complete có cravatté  cùng bàn ghế ấm tích bình hoa đầy đủ v.v… không sao tất cả đã vẽ sẵn chỉ cần có ảnh nửa người (căn cước –CMND…) gắn khuôn mặt vào nữa là xong.

Vẽ theo lời kể

Vẽ theo lời kể 

Cái hay cái tài tình ở chỗ, nguyên liệu và dụng cụ hành nghề hết sức đơn giản họ tự chế từ những vật dụng có xung quanh mình: que tre vót nhỏ quấn bông gòn đầu kia chẻ ra dùng kẹp mẩu tấy cắt nhỏ, có thêm que vót thật nhọn hoặc lấy giấy thấm cuộn tròn cho thật chặt cứng như cái bút chì rồi dùng dao lam gọt nhọn (sau này dùng bút dạ đã hết mực dễ vẽ hơn) để vẽ chi tiết. Bút lông (pinceau) tự chế lấy từ lông mèo – thỏ… rồi chuốt bằng keo gélatine (hoặc lòng trắng trứng) ngọn bút tròn nhọn và cứng như mũi kim, muốn phần bút lông mềm tới đâu nhúng nước tới đó, có người quấn bong gòn hay khăn mùa xoa vào đầu ngón tay rồi vẽ, họ cắt  film X-Quang cũ thành những đường uốn cong lượn vuông góc hay nhọn có khi chồng xếp lên nhau… giúp vẽ nhanh hơn nữa. Màu vẽ bằng muội than vừa đen mà trong, bóng chứ không lì – đục xám xịt, bức vẽ nhìn óng ả nuột nà, cất công làm một lần dùng cả đời không hết và cái không thể thiếu là:  Kính lúp, đó là thấu kính lồi phóng đại để nhìn thật rõ những chỗ bức ảnh quá nhỏ.

Đơn giản thế mà qua bàn tay tài hoa của họa sĩ vờn qua, các chất liệu: dạ-len-lông thú-thủy tinh – gốm, sứ hay tre lá… trong bức vẽ hiện rõ mồn một. Ở Đà Nẵng có ông Nguyễn Viết Hậu người Hà Nội vào đấy đã lâu là sư phụ của các môn đệ ở đấy, anh Nhu (Hiệu Lam Sinh – Đà Nẵng) lấy mũ phớt cũ hỏng cắt ra làm bút dùng vẽ tóc rất nhanh mềm mại trông rất đẹp. Ở Sài Gòn có ông Minh Hoàng có rất nhiều môn đệ, màu đen để vẽ còn pha thêm xanh nên tông ảnh vẽ nhìn rất dịu.

Dương Tiến_n

Ảnh Chân dung Salon film đen-trắng với nguồn sáng “lý tưởng” trong suốt, có nhiều sắc độ chuyển tiếp rất tinh tế, rất dịu ở trong phần tối, phần sáng hiện lên rõ nét từng chi tiết nhỏ, thế nhưng vẫn có những phần không như ý muốn, chưa (hoặc không) làm được phải có thêm công đoạn kỹ thuật buồng sáng (retouché bằng bút chì nhọn – bôi mực đỏ trên film và chấm mực tàu, bẻ kính cạo ảnh…) vẫn không bằng lòng. Những ý muốn ấy, vẽ truyền thần sẽ làm được, với họa sĩ có tay nghề cao vẽ những bức đẹp hơn thế nữa. Bởi vẽ truyền thần không chỉ đơn giản là “chép ảnh”mà phải Truyền cho được cái Thần cái Ý cái Hồn, phông nền bo ảnh vẽ fantasy làm nổi bật khuôn mặt lên, muốn thế người họa sĩ phải có cặp mắt phát hiện nắm bắt được cái thần của người trong ảnh, có cái nhìn ĐẸP hơn ống kính máy ảnh, bởi phía sau con mắt là trái tim thẩm mỹ.  Đến nay và mãi mãi không thể có ống kính nào nhìn ĐẸP hơn con mắt người, bởi vậy người và những cảnh vật trong ảnh đẹp và sống động hơn hẳn là điều đương nhiên. Nhưng không thể để cảm xúc “chủ quan” khi vẽ chi phối như họa sĩ sáng tác, mà phải luôn bám sát dữ liệu trong ảnh, không được tùy hứng vung bút lông mà đòi hỏi độ chính xác cao, nên các họa sĩ sáng tác hầu như họ không ghé qua thể loại này.

cỡ 40x60cm

Dùng bút chì phác đường contour trước khi vẽ màu  nhiều nơi kẻ ô vuông (careaux) trên ảnh gốc (rất khó khăn và lâu với ảnh nhỏ như CMND sẽ không chính xác hoặc không thể kẻ được), người Hà Nội có sáng kiến dùng film cũ ngâm cho chất nyũ tương gelatin bong ra rồi dùng mũi kim kẻ vạch ô vuông (careaux) lên. Làm thành nhiều miếng kích cỡ to nhỏ khác nhau tùy theo bức ảnh mẫu chọn cỡ cho phù hợp, xong đặt miếng giấy careaux đã khoét bỏ phần giữa đặt lên giấy croquis cứ thế mà kẻ theo tỉ lệ, vừa nhanh – chính xác; có người còn thiết kế cái hộp chiếu ảnh (như film đèn chiếu), sau này thì photocopy phóng to theo cỡ ảnh rồi “đồ lên” lại càng nhanh và chính xác tuyệt đối.

1

Những thủ thuật trên chỉ giúp vẽ phác contour cho nhanh thôi, quyết định vẫn là tay nghề của họa sĩ, ảnh CMND khuôn mặt bằng cái móng tay con mắt nhỏ bằng hạt vừng… nhưng vẽ phải giống (giống người trong ảnh) và phải đẹp, khuôn mặt phải có khối (volume) chứ không đơn thuần là… “có sao – vẽ vậy” hoặc ảnh đã bị mất, mờ phần nào đấy trên khuôn mặt, thậm chí vẽ theo lời kể của người thân. Để làm được như thế phải nắm vững giải phẫu thẩm mỹ người (anatomy). Hội đủ các yếu tố trên người họa sĩ truyền thần phải có bàn tay cực lỳ khéo léo và hết sức kiên nhẫn.

đang vẽ

Đang vẽ truyền thần

vẽ xong

Vẽ xong

Là một nghề độc đáo của Hà Nội, rồi từ Hà Nội lan tỏa các tỉnh-thành, bản thân tôi từng hành nghề ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước thấy rằng các họa sĩ ở Hà Nội vẽ đẹp nhất. Yêu nghề, thủy chung với nghề, rất tiếc nghề này không thuộc sự “quản lý” của Hội nghề nghiệp nào nên sự thăng trầm của nghề theo thị hiếu thị trường, ở Sài Gòn không còn ai vẽ truyền thần đúng nghĩa nữa… và tôi mỗi lần từ Sài Gòn ra Hà Nội thả bộ dọc theo phố cũ không còn nghe tiếng leng keng của tàu điện chỉ còn lại lác đác vài cửa hiệu vẽ truyền thần lại bị chìm khuất bởi các cửa hiệu buôn bán khác, thay vào đấy cuộc sống sôi động sầm uất… mà sao lòng tôi bâng khuâng… lặng đi.

 Như ảnh film nhựa đen-trắng một thời. Buồn và Tiếc lắm.

Bài, ảnh: NSNA Việt Tiến

(email: hs_na_nguyenviettien@yahoo.com.vn;
Mobi: 0903994899)

Tin liên quan