(Nhiếp ảnh Hà Nội) Tôi nhận giấy mời, lại được Chủ tịch Hội nhắc vài lần qua điện thoại, anh Cao Minh cũng nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo này. Bày tỏ lời cảm ơn tới các anh, các đồng chí, tôi viết tham luận này, dù chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Tôi cho rằng hoạt động lý luận phê bình nhiếp ảnh ở Việt Nam còn non kém, có quá nhiều vấn đề cốt lõi, cơ bản phải được bàn cho đến đầu đến đũa, đó là chưa kể đời sống nhiếp ảnh hiện đại đang ngày ngày gõ cửa vào văn phòng cũ kỹ của chúng ta, có lúc như những cơn bão bất ngờ ập đến. Đóng cửa, giằng néo cẩn thận hay mở tung ra cho gió thoáng ùa vào? Đâu chỉ là phương pháp kỹ thuật?
Nhiều câu hỏi đang đặt ra, nhưng nhiều là bao nhiêu, là những vấn đề gì? Xin kể lại vài sự kiện nhiếp ảnh, điện ảnh gần đây.
Chuyện xảy ra trong tháng 5-6/2013
Về giải thưởng của Maika tại cuộc thi ảnh báo chí 2013, báo viết khen nhiều, nhưng chi tiết nói Maika là người Việt Nam đầu tiên đọat giải báo chí thế giới là không đúng. Về lý do đoạt giải cao, có nhà báo giải thích do Maika chăm chỉ, chịu khó, dám quên mình. Câu hỏi đặt cho chúng ta là liệu đó có phải là nguyên nhân chính để câu chuyện bừng ảnh “Yêu là yêu” đoạt giải?
Quan niệm như thế nào về hiện thực và hiện thực xã hội trong ảnh báo chí hiện đại khi loài người đang phải giải quyết các nỗi lo chung?
Nhóm ảnh “Đánh bắt cá ngừ đại dương” của nhà báo Xuân Trường (Báo Nông thôn ngày nay) được Hội đồng sơ khảo Giải báo chí quốc gia 2012 đánh gia cao do đề cập đến việc đánh bắt cá trên biển Đông, tác giả đã đi cùng thuyền nhiều ngày, chụp với nhiều góc đẹp, sáng tạo. Hội đồng chung khảo đã loại bộ ảnh này vì có ý kiến cho rằng ảnh chụp con cá ngừ bị phóng lao là thiếu “giá trị nhân văn”. Rất tiếc cả 2 thành viên hội đồng là những nhà nhiếp ảnh có chức vụ cao trong giới đã không hoặc không thuyết phục nổi Hội đồng chung khảo. Vì thiếu kiến thức, thiếu vốn sống hay vì một lý do nào khác mà họ đã im lặng hoặc không thuyết phục nổi những người ngoài nghề nhiếp ảnh.
Cũng trong tháng 6 – 2013, giữa lúc Hội đồng chung khảo Hội Nhà báo Việt Nam làm việc ở Hà Nội thì tại Nha Trang, Hội đồng giải “Biển đảo 2013” đặt lên bàn 2 bộ phim phóng sự về Trường Sa, một của Đài Truyền hình Trung ương và một của địa phương. Tài nghệ của các phóng viên Đài Truyền hình Trung ương đã cuốn hút các thành viên giám khảo, trừ một người bảo lưu. Cuối cùng, phim của đài địa phương với góc máy giản dị, nhân vật được chọn kỹ với lối trả lời phỏng vấn chân thực đã vượt lên giải cao. Người bảo lưu đã thuyết phục được hầu hết thành viên hội đồng giám khảo để phim của địa phương vượt điểm. Phải chăng kiến thức sâu, kỹ về nghề được vận dụng vào thẩm định nghệ thuật (dù với phim truyền hình) đã có tác dụng cụ thể, bảo vệ giá trị của một tác phẩm?
Trường hợp cuộc thi ảnh với chủ đề “Nước biển dâng” do EU tại Việt Nam và báo Sinh viên Việt Nam tổ chức thành công cũng là nhờ một phần ở công tác giám khảo, xác định rất rõ các tác hại của nước biển dâng với cuộc sống con người. Qua đó càng thấy rõ: Kiến thức của giám khảo có ảnh hưởng lớn đến cuộc thi như thế nào?
Từ lâu tôi có những điều khó hiểu, những câu hỏi cần giải đáp. Cụ thể là:
Ảnh có nhiều lĩnh vực, báo chí và nghệ thuật chẳng hạn… và trình độ nhiếp ảnh của quốc gia nói chung phản ánh trình độ văn hóa, thẩm mỹ và kinh tế của quốc gia đó. Nếu điều đó là đúng thì vì sao dù cùng đi thi ảnh quốc tế, Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật, nhưng hầu như không đoạt giải ảnh báo chỉ? Căn nguyên là gì? Vẫn có ai đó cho rằng ảnh báo chí Việt Nam “chẳng có vấn đề gì”, có ai đó từng viết rằng “ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật là một, chỉ cần đổi chú thích là ảnh báo chí trở thành ảnh nghệ thuật”. Không thấy ai phản đối nhận xét trên.
Nếu lĩnh vực ảnh nghệ thuật là mối quan tâm chính, chủ yếu của hội mang danh “Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam” thì tại sao Hội đó lại đứng ra đề nghị các ảnh báo chí vào giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước? Phần việc đó phải là của Hội Nhà báo Việt Nam mới đúng. Đã có người đặt câu hỏi và nêu vấn đề khập khiễng này thì lại được trả lời là “báo chí cũng là nghệ thuật”. Có đúng báo chí cũng là nghệ thuật không? Ai cũng biết viết là một nghề nhưng viết báo là việc của nhà báo, còn viết văn lại là việc của nhà văn. Điện ảnh cũng thế, phim tài liệu, khoa học thuộc lĩnh vực báo chí, còn phim truyện lại thuộc lĩnh vực điện ảnh (!?) Riêng trong giới ảnh thì cái gì cũng là nghệ thuật, ai cầm máy cũng là nghệ sĩ, cũng là nhà báo, Hội NSNA Việt Nam sẵn sàng bảo trợ cả các cuộc thi ảnh về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Có gì không rạch ròi giữa hai lĩnh vực tuyên truyền và sáng tác nghệ thuật?
Ảnh Việt Nam khác gì với ảnh ở các khu vực và trên thế giới?
Tại sao Nhà nước Việt Nam trong sắc lệnh 147/SL năm 1953 lại nêu “nhiếp ảnh như một công cụ văn hóa…” ta hiểu điều đó là nhiệm vụ của tất cả các lĩnh vực ảnh, của ảnh báo chí tuyên truyền hay cả ảnh nghệ thuật. Lúc sắc lệnh 147 ra đời trên chiến khu Việt Bắc đã có ảnh nghệ thuật đâu?
Và từ đó có yêu cầu định hướng. Định hướng có làm các nhà nhiếp ảnh mất tự do không? Đã là tự do sáng tác mà lại kêu gọi nhiếp ảnh hãy chụp các hoạt động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì có gì mâu thuẫn không? Nếu không thì lý lẽ khoa học là gì?
Ta có nhiều tác giả đoạt danh hiệu quốc tế cao, gần đây là của FIAP. Tại sao không triển lãm những ảnh này cho đông đảo người xem cho anh em trong giới học tập, cho nhân dân thưởng ngoạn. Ta hoạt động, học hỏi, quan hệ quốc tế bằng tiền do dân đóng góp sao không đưa những ảnh đó cho dân xem? Vì sao vậy? Không có ai trả lời.
Gần đây có sự kiện khởi công nhà máy sản xuất ảnh và điện thoại di động của Sam Sung Việt Nam tại Yên Bình – Thái Nguyên với quy mô 1,5 triệu máy ảnh và 150 triệu điện thoại di động một năm. Các điện thoại di động đều chụp ảnh được.
Có ai làm công tác phê bình nhiếp ảnh trăn trở quanh sự kiện này và đặt ra câu hỏi “căn cứ nào để Samsung đặt nhà máy ở Việt Nam?”. Nếu chụp ảnh ngày càng trở nên phổ cập thì vấn đề quan trọng nhất còn lại của việc chụp là gì? Có đơn giản chỉ là vấn đề xử lý kỹ thuật nữa hay không?
Chụp ảnh là gì? Là quá trình từ đôi mắt của người chụp, qua đôi mắt của máy ảnh (hộp tối và các loại ống kính) đến đôi mắt người xem? Nếu đằng sau quá trình ấy là tâm lý, thế giới quan sáng tạo, tâm lý người xem và các vấn đề xã hội thì… phải chăng đó là phần việc lớn thuộc lĩnh vực lý luận phê bình.
Có nên thành lập Hội đồng Lý luận phên bình?
Nếu có mà là không thì không nên thành lập. Thà rằng không mà lại có thì tốt hơn. Còn nếu có mà là có thật thì thật tuyệt vời!
Hội NSNA Việt Nam có Ban Lý luận phê bình từ khóa 3, các thành viên được chỉ định từ ai đó. Có Ban nhưng đến bây giờ, không là con đẻ cũng chẳng là con nuôi, mỗi năm gặp nhau một lần chủ yếu để thẩm định giải xuất sắc, bỏ phiếu; Hội có tước hiệu Nhà Lý luận phê bình nhưng trình độ, quan điểm nghệ thuật lại khác nhau, thậm chí khác cả những vấn đề quan trọng nhất của nghệ thuật. Hội có một tạp chí nhưng không là diễn đàn của hoạt động lý luận phê bình. Hội có một số người viết về nhiếp ảnh nhưng chỉ là cảm nhận, khen vài nhà ảnh nào đó mình thích, viết hợp cạ kiểu tung hứng theo kiểu “quê ở đâu, vào nghề bao giờ, có giải nào, có ưu điểm là chịu đi nhiều…” Người viết không cần biết tác giả được giới thiệu và quá trình sáng tác của anh ta có ảnh hưởng gì đến người khác, viết mà không biết bài của mình có ai đọc.
Một tập hợp người vào một Ban, một hội đồng nếu không cùng trình độ, một quan điểm học thuật, một tinh thần làm việc nhiệt thành và muốn khai phá, không ngại hy sinh… sẽ là một tập hợp vô ích.
Đã từ lâu rồi, từ khóa 4, Hội NSNA Việt nam tại hội thảo về bản quyền nhiếp ảnh lần đầu tiên tổ chức tại hội trường Bộ Văn hóa Thông tin, nhà nhiếp ảnh Lê Thành Đức sau khi nhận xét về công tác LLPB nhiếp ảnh qua nhiều năm có đề nghị “Những người đã và đang viết, nghiên cứu, giảng dạy về nhiếp ảnh hãy ngồi lại với nhau, nếu cần thì vài ba buổi để thống nhất những vấn đề cơ bản. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến sáng tác”. Lời đề nghị ấy không ai phản đối. Tại hội nghị LLPB lần thứ 2 tổ chức ở nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh, vài năm sau đó vấn đề lại được nêu ra cũng không ai phản đối.
Nhưng rất lạ là người ta không cụ thể hóa những việc phải làm và thời gian cứ thế trôi qua theo các nhiệm kỳ.
Thiết nghĩ, bàn mà để đấy thì liệu có nên đem ra bàn?
Tôi xin được nêu lại ý ban đầu: “Còn quá nhiều câu hỏi, nhiều trăn trở, nhiều vấn đề cần phải trả lời, cần phải giải quyết nhưng không thấy ai, tổ chức nào trả lời những câu hỏi như vậy”.
Tác giả bài viết: Vũ Huyến