NSNA Xuân Liễu với những bức ảnh giàu chất thơ

(Nhiếp ảnh Hà Nội)  Tôi có một kỷ niệm vui trong buổi đầu được biết tên và xem tác phẩm của NSNA Xuân Liễu. Chuyện đã ngót 30 năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in. Đó là dịp tôi và các nhà báo Quốc tế thường trú tại Berlin được mời đến dự lễ trao giải thưởng ảnh BIFOTA ở trung tâm triển lãm Berlin. Xuân Liễu có tới ba tác phẩm: “Đất nước tình người”, “Đi học sớm thời chống Mỹ”, và “Trên cửa sông Bạch Đằng”. Đó là những bức ảnh đen trắng rất độc đáo, giàu chất thơ về con người và đất nước Việt Nam.

xuan lieu

NSNA Xuân Liễu

Hôm đó, bạn bè Đức và quốc tế đã phỏng vấn tôi rất nhiều khía cạnh về các tác phẩm được giải của Xuân Liễu. Tôi trả lời rất say sưa về nội dung của ảnh, nhất là về bức ảnh các em nhỏ đội mũ rơm đi học trong buổi sớm còn đầy hơi sương. Tôi nhớ, báo Thiếu niên của Cộng hòa Dân chủ Đức đã đăng bức ảnh này cỡ lớn và câu chuyện của tôi. Nhưng có một chi tiết thật buồn cười là khi được hỏi tác giả bức ảnh là nghệ sĩ nam hay nữ thì tôi rất lúng túng, bởi lẽ cái tên “Xuân Liễu” cũng có thể làm nam hoặc nữ…

4

Mùa Đông Hồ Gươm

Ngót 15 năm sau tôi mới được làm quen với anh Xuân Liễu. Trong câu chuyện cùng anh, tôi cảm nhận ngay từ đầu rằng anh là một nghệ sĩ khá cởi mở. Anh không chỉ yêu thích và có những thành công đáng kể về nghệ thuật nhiếp ảnh, mà anh còn có một niềm đam mê văn học, nhất là thơ. Từ cảm nhận đó, tôi xem lại loạt ảnh của anh và nhận ra rằng chất thơ được thể hiện rất rõ trên từng bức ảnh và từng chú thích ảnh của anh.

2

Em có ý kiến

Xuân Liễu có cái may mắn là ngay từ buổi đầu thành lập Công an Nhân dân vũ trang, anh đã là phóng viên ảnh, nên được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, từ đất liền đến biên cương, từ bờ biển đến hải đảo, từ mục Nam quan đến giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17). Sau giải phóng, anh lại đi tiếp đến tận Mũi Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Suốt mấy chục năm, anh đã chụp hàng vạn kiểu phim về những miền đất thiêng liêng mà anh đi tới, những con người mà anh đã gặp gỡ, mến yêu. Ở đâu và bao giờ anh cũng đón nhận những “khoảnh khắc” trong đời sống chiến đấu của quân và dân ta để đưa vào nhiếp ảnh… Càng đi càng yêu Tổ quốc, càng kính trọng những con người anh hùng có tên và không tên, lòng anh càng dạt dào cảm xúc. Nhờ những cảm xúc ấy mà anh đã ghi lại được những khoảnh khắc đáng trân trọng. Không thể kể hết tên những bức ảnh ấy, những khoảnh khắc ấy. Bởi vì, những năm tháng ở bộ đội biên phòng là cả một quãng đời sôi động, giàu nhiệt huyết nhất của anh. Đó là “nơi sinh ra tầm nhìn”, “nơi hun đúc tình yêu” của anh. Có tầm nhìn ấy, có tình yêu ấy, mới có những khoảnh khắc trở thành tác phẩm nghệ thuật của anh. Chính anh cũng nhận thấy: “Tôi trở thành nghệ sĩ chính là nhờ những ngày “lênh đênh” qua vùng biên giới và hải đảo. Không có những ngày tháng ấy, chắc chắn tôi không có những tác phẩm được mọi người biết đến”.

3

Công nhân Hà Nội năm 1972

Đến lượt chúng ta, những công chúng yêu nghệ thuật, được xem ảnh của anh, càng cảm phục sức đi, sức phấn đấu, sức tôi luyện của anh qua những năm tháng ấy. Chúng ta biết ơn và ghi nhận những thành tựu nghệ thuật của anh qua hàng loạt tác phẩm về đất nước, về con người, nhưng trước hết và trên hết, theo tôi là về vùng biên cương, hải đảo. Nói đến Xuân Liễu, dường như đã trở thành một biểu tượng, anh là nghệ sĩ của những vùng đất, vùng trời ấy.

5

Đi học sớm thời chống Mỹ

Xem ảnh Xuân Liễu, ta nghe rất rõ nhịp đập của trái tim anh. Ở đâu và bao giờ, những gì anh thấy “cũng thành khúc hát để người đời tri âm”. Chúng ta có thể “tri âm” với những tác phẩm ảnh của anh. Tôi nghĩ rằng, xem ảnh của anh, ta càng hiểu anh – một tâm hồn vừa dịu dàng, đằm thắm vừa hiên ngang, mãnh liệt. Ta nhận từ anh tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc. Và như thế ta cũng giàu có hơn trong hành trang của chính mình.

Bài: NSNA Trần Đương

Ảnh: NSNA Xuân Liễu 

Tin liên quan