LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH HAY

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Đó là câu hỏi không có câu trả lời, thường mặc định là không biết. Bởi trả lời thế nào cũng không đầy đủ, không trọn vẹn. Bởi không ai biết ngày mai tác phẩm của mình có được giải thưởng không, hoặc mấy chục năm sau còn ai nhắc tới tác phẩm ấy không. Không phải phần thưởng nào cũng đến đúng lúc, cũng như các giải thưởng cũng chỉ là tương đối, hôm nay thế này, ngày mai thế khác.
Nhà LLPB Vũ Đức Tân, Chủ tịch Hội NANT Hà Nội khóa VI
Câu hỏi này thường còn cần đứng từ góc độ nào để trả lời. Góc độ của nhà nhiếp ảnh khác, mà góc độ của người quản lý hội khác, cái nhìn của các cơ quan chức năng nhà nước chuyên về quản lý nghệ thuật cũng khác. Ở đây tôi thử đặt mình ở một vị trí khác, là cái nhìn của một người làm công tác phê bình nhiếp ảnh để nhìn lại tổng thể các vấn đề.
Trước hết cần phải nói rằng một tác phẩm nhiếp ảnh hay phải là một tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và đáp ứng được nhu cầu thời sự cũng như lịch sử. Đó cũng là những tác phẩm đáng được lưu giữ bảo tồn vì nó có hương vị của thời gian, không gian, giữ gìn được tâm huyết của những người làm ra tác phẩm.
Đương nhiên, không phải tác phẩm ảnh nào cũng đáp ứng được yêu cầu ấy. Ai biết rằng nhiều tác phẩm lúc chụp không công bố trong chiến tranh nhưng sau lại có mặt ở cuốn sách ảnh “Khoảnh khắc” của Đoàn Công Tính, ai biết được tác phẩm “Cầu người” của Phạm Văn Thính rất nhiều năm sau mới được giải thưởng Nhà nước. Mới đây thôi tác phẩm “Hai người lính” của Chu Chí Thành được đưa vào giải thưởng Hồ Chí Minh cũng là một điều bất ngờ với nhiều người. Có những giá trị chỉ được bộc lộ sau khi thời gian đã đi qua và điều kiện đã chín muồi. Ngay cả bức ảnh chụp Hồ Gươm của tác giả Đỗ Huân lúc trước thì bị phê phán nhưng sau này lại trở thành ám ảnh kỳ diệu của mùa thu Hà Nội. Trong khi đó nhiều tác phẩm được giải thưởng thì lặng lẽ rơi vào quên lãng.
Đấy là nói về tác phẩm của những người đi trước. Còn sau này còn lắm dáng, lắm vẻ, còn lắm chuyện hơn.
Thật ra cách chúng ta làm là phải chú trọng đến một giải pháp tổng thể các vấn đề. Những tác phẩm đáp ứng thời sự cũng như có giá trị lịch sử, nghệ thuật, đều có thể có chỗ đứng trong lòng công chúng. Cái mà hội chúng ta đang làm cũng là cố gắng tạo ra mọi điều kiện để các tài năng có thể phát triển và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Đứng từ góc nhìn đấy thì đặt câu hỏi cũng là cách trả lời. Khi tìm cách trả lời câu hỏi đã đặt ra:-“Làm thế nào để có tác phẩm nhiếp ảnh hay?” thì cũng là lúc dần dần chúng ta xác định được những điều khá thiết yếu trong sáng tạo nhiếp ảnh xoay quanh trục tác giả-tác phẩm-công chúng. Rõ ràng là để có được tác phẩm nhiếp ảnh hay không chỉ phụ thuộc vào riêng tác giả.
Tôi nghĩ có quá nhiều mắt xích động chạm đến tác phẩm hay: Vấn đề cá nhân tác giả, vấn đề chính sách của nhà nước liên quan tới tác giả, vấn đề đào tạo chuyên nghiệp, vấn đề đầu tư cho văn nghệ, vấn đề thẩm định tác phẩm, vấn đề truyền thông, vấn đề tổ chức, quản lý nhiếp ảnh, vấn đề giao lưu với quốc tế, vấn đề bản quyền và giá trị tác phẩm, vấn đề bảo tàng để lưu giữ tác phẩm, vấn đề hoạt động của bản thân Hội như một tổ chức chính trị, nghề nghiệp, vấn đề về hình thành thị trường và công chúng nhiếp ảnh…Chỉ bàn về một trong những vấn đề đó chúng ta đã thấy đau đầu rồi.
Trong bài này tôi chỉ điểm qua một vài nét có tính thời sự để nói về chuyện nâng cao chất lượng của tác phẩm. Đầu tiên nói về tác giả. Bây giờ làm nghệ thuật nên trải qua đào tạo. Nhưng trình độ của tác giả thì bao nhiêu là đủ. Có tham gia công tác đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp mới thấy rằng đào tạo kiểu gì cũng thấy chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Lượng kiến thức chúng ta cung cấp cho các em cũng chỉ đủ để khởi động công việc mà thôi. Chương trình của trường đại học thường làm mới, nhưng cũng không thể nhanh bằng cuộc sống. Với nghệ thuật để trưởng thành như một người sáng tạo khó lắm. Làm nghệ thuật cần biết nghề nhưng cũng cần trải đời , dấn thân nữa. Không có con đường nào dễ dàng cả. Trải qua trường lớp rồi thì mọi thứ đều phải giành cho nghệ thuật. Nghĩa là thời gian, tâm sức phải để cả vào nó. Làm nghệ thuật là một điều hạnh phúc, nhưng cũng là nỗi khổ tâm. Người nghệ sĩ phải trải qua nhiều điều không phải ai cũng trải qua. Dĩ nhiên cả những thất bại. Nhưng xã hội chỉ tính tới thành công. Nghề làm ảnh còn cần tới lao động, không chỉ mang các đồ nghề nặng nhọc mà còn lao tâm khổ tứ để tìm ra cái mới trong sáng tạo nữa. Cần phải có môi trường nghệ thuật để thử nghiệm. Dám đầu tư vào nghệ thuật là một điều dũng cảm. Nhưng muốn đầu tư thành công thì cần phải có suy nghĩ lớn, dám vượt qua các khó khăn để đạt được mục đích. Về phương diện này có thể lấy Nguyễn Á là một ví dụ. Từ một thiếu niên mưu sinh vất vả, một vận động viên thể thao hết thời, khi bén duyên với nhiếp ảnh, anh vươn lên từ một người thợ ảnh tới một nghệ sĩ có giải thưởng Nhà nước một cách ngoạn mục. Có được thành tích này chắc cũng phải trả giá không ít. Tôi nghĩ rằng cũng có nhiều người say mê nhiếp ảnh nhưng họ muốn chọn con đường thuận lợi hơn nên khó có thể có thành tựu được. Vả lại, tuy chưa có thành tựu cao nhưng sống trong môi trường nghệ thuật có cái thú vị. Đó là sự trải nghiệm sáng tạo cá nhân trong quá trình đi đến đích. Về khía cạnh nào đó cũng là niềm hạnh phúc của nghề. Điều đó cũng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống. Thời chiến tranh khác mà thời bao cấp sau chiến tranh khác. Thực tế cuộc sống ngày nay với kỷ nguyên số cũng khác, nên con đường trưởng thành cũng khác trước kia. Nhưng dù thời nào thì tác giả thực sự luôn cần học hỏi. Từ những bậc thầy, từ bè bạn. Cuộc sống số hóa ngày nay tạo ra những khoảng trời mênh mông cho nhiếp ảnh. Mạng là trường học, là nơi có thể tích lũy những kiến thức bổ ích, cần thiết cho công việc. Muốn trở thành nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì cần học hỏi rất nhiều. Tự học phải trở thành phương châm để trưởng thành. Dù có được học qua trường lớp thì tự học vẫn là quan trọng nhất với một người sáng tạo. Trước khi có những tác phẩm hay thì phải trở thành một người có đầu óc sáng tạo đã. Điều này không ai có thể thay thế được bản thân tác giả. Và chỉ có tác giả mới biết mình cần học cái gì. Dù tác phẩm hay là trời cho thì cũng phải qua những con người cụ thể. Công việc nhiếp ảnh cũng không phải dễ dãi đến mức cứ ra đường là nhặt được tác phẩm. Làm nghệ thuật thì chuyên nghiệp vẫn có thành công dễ dàng hơn. Như vậy với người nghệ sĩ thì sở thích phải đi kèm với lao động, với mục đích cuộc sống thì mới dễ có tác phẩm hay được.
Điều thứ hai tôi muốn nói là chính sách của nhà nước liên quan tới các nhà nhiếp ảnh.
Tôi muốn nói tới công việc lưu trữ ảnh. Nhiếp ảnh là một ngành khá lạ. Để sản xuất ra máy ảnh và các công cụ hỗ trợ cho ngành ảnh cần đến những ngành công nghiệp quy mô lớn ngày càng phát triển hơn. Biết bao nhiêu hãng máy ảnh, bao nhiêu nhà khoa học miệt mài nghiên cứu để cải tiến và phát triển máy móc. Các nhà nhiếp ảnh chỉ sống ở phần ngọn và dù là tinh hoa thì cũng chỉ là rất nhỏ, là thấp thoáng trong thế giới đó thôi. Trong cái công nghệ hàng ngày chăm chỉ sản xuất ra hàng triệu tấm ảnh thì chỉ có vài ba bức đáng gọi là nghệ thuật. Nhưng cái đó cũng đáng giá lắm chứ.
Vì vậy, nhà nước cần ủng hộ chế độ bảo tàng của nhiếp ảnh. Hiên nay trung tâm lưu trữ của hội ta không phải là bảo tàng. Mạnh dạn đưa bảo tàng nhiếp ảnh vào danh sách các bảo tàng trong nước thì chỉ có được chứ không mất gì cả. Bảo tàng cũng trở thành một tiêu chuẩn để định giá các tác phẩm thành công. Có chế độ bảo tàng thì giá trị và giá cả tác phẩm nhiếp ảnh cũng sẽ khác đi. Vừa rồi, tôi có xem cuộc đấu giá nhỏ nhân triển lãm anh Hoàng Thạch Vân thì thấy so với mỹ thuật giá cả cũng thấp. Giá khởi điểm mỗi tác phẩm ảnh là hai triệu đồng một tác phẩm, mà người trả cao nhất cũng là mười triệu đồng, nói đúng hơn là giá cao nhất này do một người bạn thân mua để làm kỷ niệm.
Làm bảo tàng bây giờ có nhiều cái khó. Nếu kết hợp bảo tàng kiểu cũ và bảo tàng số thì chi phí vào vật tư, thiết bị cũng sẽ rất tốn kém. Nếu để hội chúng ta tự lo thì không biết bao giờ xong. Bảo tàng số cũng là cơ hội để chúng ta hội nhập với thế giới. Nếu không kịp thời đầu tư thì sẽ là một điều đáng tiếc. Cho hội ta và cho công chúng.
Thông qua bảo tàng và mạng, nhà nước cũng nên chú ý khuyến khích các galery và các nhà sưu tập cá nhân. Từ trước đến nay chưa có galery nào sưu tập ảnh riêng cả. Nhưng đối với thị trường mỹ thuật nói chung thì ảnh cũng là một mảng đáng chú ý. Nếu với các họa sĩ, các nhà điêu khắc, galery và các nhà sưu tập rất quan trọng thì sao nhiếp ảnh lại không. Có lẽ do hiện nay tác phẩm ảnh của chúng ta còn rất rẻ, nó không đáng để cho các nhà sưu tập quan tâm. Vì họ có thể có được tác phẩm theo nhiều cách khác nhau.
Sự thật với tác giả thì con đường đến với các giải thưởng và dịch vụ xã hội ngắn hơn nhiều. Họ có thể kiếm ở đấy vinh quang và những giải thưởng.
Đó là chưa kể với việc phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú thì cớ sao Bộ văn hóa cản trở, hơn nữa lại phân biệt giữa người làm công việc sáng tác và công việc lý luận phê bình. Nếu ta bỏ danh hiệu đi thì không nói làm gì, nhưng nếu để danh hiệu thì phải có sự công bình nhất định. Bộ văn hóa ít nhiều cản trở việc này vì những lý do cứng nhắc, theo những quy định do chính họ đặt ra, không phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nhiếp ảnh trong nến văn hóa thị giác.
Điều thứ ba là nói về Hội. Nhà nhiếp ảnh. Tác giả vì không muốn sáng tác như một nhà lữ hành cô đơn nên tham gia hội. Hội là chốn vui nhưng cũng có những quy tắc nhất định. Vừa qua, Hội đã làm một số việc nâng cao vị thế của nhiếp ảnh. Hội cũng là nơi ươm mầm cũng như gặt hái thành quả của các nghệ sĩ. Với vai trò là người trung gian Hội nên nhìn lại tất cả các mắt xích trong cái chuỗi hoạt động tác giả-tác phẩm-công chúng để có những đề xuất và hành động phù hợp để hội trở thành nơi đất lành chim đậu. Và từ đó có những sự đầu tư đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Và trong cái đầu tư về sáng tạo theo tôi nên tập trung đầu tư cho con người. Hỗ trợ đầu tư có thể như một cách thức mua tác phẩm mới của những nghệ sĩ tài năng để đưa ra công chúng. Như vậy khả năng sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn.
Tôi chỉ có vài ý kiến nho nhỏ tham gia cuộc tọa đàm, chắc vẫn còn nhiều thiếu sót. Xin chân thành cảm ơn các quý vị.
Bài: Nhà LLPB Vũ Đức Tân, Chủ tịch Hội NANT Hà Nội khóa IV
Tin liên quan