(Khám phá) Du khách có thể tham quan quy trình làm bột và thưởng thức các món bánh ngọt ngào hương vị miền Tây.
Theo con rạch Ngã Bát (Sa Đéc, Đồng Tháp) đỏ nặng phù sa, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tấm bột được phơi trên giàn đều tăm tắp. Không ai biết chính xác thời điểm làng bột này xuất hiện nhưng có gia đình ở đây đã 3-4 đời làm nguyên liệu chế biến các loại bánh, sợi cho bữa ăn.
Những gia đình có nhiều thế hệ làm bột nhất nằm ở xã Tân Phú Đông. Sau này, nghề được nhân rộng ra các xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây.
Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ cơ sở làm bột tại xã Tân Phú Đông, bắt đầu mở lò từ năm 1986. “Tính đến nay cũng đã hơn 30 năm tôi theo nghề. Hiện con tôi cũng làm công việc này. Ngày thường, gia đình làm khoảng 3-4 bao bột nhưng cận Tết phải làm 12-15 bao để kịp phục vụ các nơi”, ông Toàn kể.
Hiện nghề truyền thống trên được nhiều hộ dân kết hợp với chăn nuôi heo để tăng thu nhập. “Công việc này không có lời nhiều. Chúng tôi kiếm chút lợi nhờ việc lấy cặn sau khi làm bột để cho heo ăn”, bà Nguyễn Thị Tư (58 tuổi) cho hay.
Trước đây, gia đình bà Tư làm hàng theo phương pháp thủ công, xay bột bằng cối đá. “Phải mất cả ngày mới xong hết các công đoạn. Năng suất cũng không cao. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên đỡ cực hơn trước rất nhiều. Thời gian để làm sản phẩm được rút ngắn, không cần nhiều nhân công”, bà Tư kể.
Để làm ra bột, chủ lò phải đến các kho gạo để mua tấm. Đó là vụn gạo bị vỡ trên đồng lúa, khi phơi khô, vận chuyển hoặc xay sàng gạo. Tấm sau khi mua về sẽ được làm sạch các tạp chất, bụi bẩn bám xung quanh.
Kế đến, tấm được đưa qua máy nghiền giã nhuyễn, tạo ra bột gạo lỏng màu trắng sữa. Hỗn hợp này sau đó được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm khô, tạo thành những mảng bột trắng ngần.
Bột khô tiếp tục được đưa vào cối đánh tơi cho thật mịn, nhuyễn, rồi cuối cùng mới được đưa vào thùng lắng lọc. Bước cuối cùng là bơm nước vào một chiếc bể, để lắng phèn rồi hòa cùng bột đánh tơi trong thùng. Sau đó, người làm bột sẽ đổ thêm vào bể một xô nước có độ nhờn, được làm từ lá dâm bụt. Hỗn hợp này sẽ biến đổi sau vài giờ đồng hồ.
Các tạp chất sẽ lắng xuống đáy bể và phần bột (thành phẩm) sẽ nổi lên bên trên. Tuỳ theo cách làm của mỗi lò ở công đoạn này mà chất lượng thành phẩm sẽ khác nhau. Cặn sau lắng sẽ được lấy để cho heo ăn, đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân từ nghề làm bột.
Theo bà Tư, chất lượng của bột thành phẩm phụ thuộc vào công đoạn cuối cùng. “Bột thông dụng thường dùng nước có phèn nhưng một số thương hiệu nổi tiếng hiện không dùng loại này”, bà Tư nói.
Quy trình trên lặp lại mỗi ngày từ 4h đến 13h tại gia đình bà Tư và ông Toàn.
Bột sau khi làm xong có dạng lỏng (bột tươi) hoặc khô. Bột tươi thường được cung cấp trực tiếp cho các lò làm bánh, sợi hủ tiếu, mì tươi. Bột khô đóng gói bán cho các xí nghiệp, nhà máy cùng mục đích sản xuất các loại sợi nhưng với số lượng lớn hơn.
Những miếng bánh dẻo thơm, ngọt lịm hay tô hủ tiếu, khuôn bánh xèo đậm đà hương vị miền sông nước được chế biến tại Sa Đéc thu hút du khách khắp nơi. Dịp cận Tết, làng bột tấp nập người đến. Với 50.000 đồng, du khách được thưởng thức hơn 20 loại bánh khác nhau.
Nếu đi sâu hơn vào trong làng, bạn còn được tham quan quá trình làm bột đã tồn tại nhiều thập kỷ này. Cả bà Tư và ông Toàn đều có mong muốn theo nghề dài lâu. “Đây là nghề truyền thống không chỉ của gia đình tôi mà còn của cả cái xóm này. Ai cũng muốn giữ gìn và phát huy”, ông Toàn chia sẻ.