MỘT QUYỂN SÁCH QUÝ HIẾM

Không biết nên gọi danh xưng của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện thế nào cho chính xác. Hoạt động trong địa hạt văn chương, anh là nhà lý luận, nhà nghiên cứu, hay nhà phê bình? Nhưng, có lẽ gọi anh là nhà lý luậnthì đúng hơn cả; vì anh tâm đắc với nó hơn, thành tựu ở lĩnh vực này nhiều hơn? Đó là chưa kể đến việc chủ biên, biên soạn, sưu tầm nhiều tác phẩm văn chương thời quá khứ. Và dù có một thời gian dài làm báo với tư cách một nhà quản lý, Nguyễn Ngọc Thiện cũng không ra ngoài lĩnh vực văn chương.

Bìa 1

Là đồng nghiệp, và là bạn của Nguyễn Ngọc Thiện gần bốn chục năm qua, không có dịp gặp nhau nhiều, nhưng trong tâm trí tôi từ lâu đã lưu giữ hình ảnh một bạn văn chân thật, hiền lành, đôn hậu, và say mê sách vở, quý trọng tri thức, và đam mê đặc biệt với công việc mình đã chọn, đã đi với nó suốt cả cuộc đời, để đem lại một hiệu quả tích cực đến mức không nhiều người có được – nhất là  những người cùng thế hệ anh, thậm chí cả nhiều người ở thế hệ trước nữa.

Mấy cảm nghĩ nói trên của tôi sẽ rất dễ nhận ra trong quyển sách Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời, của nhiều tác giả, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021. Ở đó, khá đầy đủ những gì chính yếu của những tác phẩm quan trọng để đời của Nguyễn Ngọc Thiện; những lời tâm sự của anh; những lời nhận xét, bình luận, đánh giá của nhiều tác giả – từ các nhà nghiên cứu kỳ cựu đến những người vừa mới rời ghế nhà trường…

Hơn một nghìn trang sách Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời, bìa đẹp, giấy đẹp, ảnh đẹp và sự sắp xếp công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng đưa đến cho người đọc cảm tình, và cảm giác yên tâm trước những gì mà quyển sách đề cập.

Cho dù đã từng đọc của Nguyễn Ngọc Thiện khá nhiều, tôi và số đông người đọc, chỉ qua quyển sách này, mới có thể có được một cái nhìn tổng quan về một nhà văn làm lý luận, nghiên cứu, phê bình trong suốt cuộc đời mình – kể từ lúc rời khỏi ghế nhà trường; và qua đây, ta thấy rõ gia đình anh; đồng thời thấy những người thầy, người bạn, đồng nghiệp, với học trò của anh đã nhìn Nguyễn Ngọc Thiện từ nhiều góc độ.

Việc tổ chức bản thảo, cách sắp xếp, bố trí các chương mục… như  Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời căn bản không giống tất cả những quyển sách tương tự đã có từ trước đến nay.

Bìa 4

Dĩ nhiên, muốn thấy cho hết bản sắc cả một đời văn Nguyễn Ngọc Thiện, phải đọc hết tác phẩm của anh. Mà những tác phẩm ấy, nói không quá, đúng với thành ngữ “trước tác đẳng thân”, sách cao bằng người tác giả, khó ai có điều kiện đọc được hết.

Có điều, chỉ cần đọc Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời, người ta cũng hình dung được gần đủ cả một đời văn Nguyễn Ngọc Thiện.

Cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời

Đọc quyển sách hơn một nghìn trang này, tôi thấy hứng thú và rất lưu ý mấy điều sau đây:
Thứ nhất,nó là một kỷ niệm sâu sắc trong cả cuộc đời PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện (và cả những người quan tâm, gắn bó với anh nhiều hay ít).

Thứ hai, nó là gia bảo của gia đình anh. Qua đó, anh vừa trân trọng tưởng nhớ đến những người sinh thành mình từ ông bà, cha mẹ đến những người thân khác trong nhà, vừa thể hiện mình trước thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai trong gia tộc mà họ có thể học hỏi.

Thứ ba, đây là một khối tư liệu quan trọng, giúp các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình, khi có nhu cầu; khảo sát, đánh giá một nhà văn có những đóng góp xứng đáng cho đời sống văn chương của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay (và còn có thể đến những năm sau này, vì Nguyễn Ngọc Thiện vẫn còn đang làm việc với một sự đam mê chưa hề bị nguội lạnh).

Thứ tư, quyển Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời gợi ý cho các nhà văn cao niên, trước hết là các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình tổ chức biên soạn một quyển sách tương tự, qua đó người đọc có thể hình dung cả đời văn của họ. Mặc  dù, để làm được một quyển sách như vậy, trước hết phải có điều kiện “đầu tiên” là về kinh tế (sách Nguyễn Ngọc Thiện – Văn và Đời là loại “sách không bán”). Sau đó là một loạt điều kiện khác, mà không phải ai cũng dễ dàng có được.
Vì vậy, quyển sách này thật đáng quý!

Bài: Nhà phê bình Hồng Diệu
(Hội Nhà văn Việt Nam)

Tin liên quan