(Khám phá) Những người đàn ông khoẻ mạnh, lực lưỡng giao tranh để giành lấy quả cầu trong lễ hội làng Thúy Lĩnh chiều 10/2 (mùng 6 Tết Kỷ Hợi).
Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh có truyền thống từ gần 10 thế kỷ qua, đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Xuân về ở Thúy Lĩnh – ngôi làng cổ ven sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.
Hội thi thường có 8 vận động viên, chia làm bốn đội, thi đấu ở bãi cỏ trước sân đình. Người tham gia vật cầu là những trai tráng tuổi 18 – 20, mặc quần trắng, thắt lưng là dải lụa nhiều màu, để mình trần tượng trưng cho tám ông mãnh hổ cướp bóng, cướp cầu.
Sau khi lần lượt cướp từng quả bóng màu nâu, các đội sẽ cướp đến quả cầu. Quả cầu được tiện bằng gỗ mít, đường kính khoảng 35 cm, nặng hơn 20 kg, sơn son thếp vàng.
Đội nào giành được cầu phải nhanh chóng đưa về lỗ của đội mình để ghi điểm. Người có cầu sẽ bị truy cản và giằng co từ các thành viên đội khác.
Đôi khi, “cầu thủ” phải lấy cả thân mình để giữ cầu trong hố.
Ai đưa được cầu về hố sẽ nhận một thẻ từ ban tổ chức. Đội nào được nhiều thẻ nhất sẽ vô địch.
Những chấn thương không may gặp phải trong khi giao tranh.
Niềm vui chiến thắng của tổ 27, tổ có đội thi giành giải nhất trong lễ hội vật cầu năm nay.
Lễ hội nhằm đề cao tinh thần thượng võ, tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương – hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông – một trong tứ trấn của thành Thăng Long xưa. Ngoài đình Thúy Lĩnh, Linh Lang Đại Vương còn được thờ ở đền Voi Phục (trên đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).