Làng Bát Tràng dần đón khách trở lại sau khi bị ngập 2 m do nước lũ sông Hồng dâng cao trong bão Yagi.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau bão Yagi, nhiều nơi ở Hà Nội trong đó có làng gốm Bát Tràng bị ngập nặng hôm 12-13/9 (ảnh sau) do nước sông Hồng dâng cao kỷ lục.
Làng gốm sứ Bát Tràng nằm tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía Đông Nam, là một trong những cái nôi của gốm cổ truyền Việt Nam, được nhiều du khách tìm đến.
Một tuần sau bão, đường sá ở làng gốm được dọn dẹp, khu vực chợ gốm còn cành cây đổ sau mưa bão. Chợ gốm là trung tâm của làng, thu hút đông đảo khách du du lịch tới tham quan, tìm kiếm những sản phẩm gốm.
Bên lề đường khu vực Chiêm Mai, nơi có nhiều xưởng làm gốm, các mặt hàng bị ngâm nước vẫn còn bùn đất bám lại. Những sản phẩm còn sử dụng được người dân mang ra phơi nắng.
Trong chợ gốm, nhiều cửa hàng quây bạt, chưa mở cửa lại.
“Nhiều chủ hàng chưa mở lại do phải dọn dẹp nhà cửa bị ngập trước đó, chưa có thời gian dọn cửa hàng”, chị Tuyết, chủ một cửa hàng, nói.
Chị Lan, chủ một cửa hàng trong chợ, cho biết nhà chị không bị thiệt hại nặng nên dọn hàng ra sớm để đón khách. “Ngày thường ít khách lui tới nhưng đông vào dịp cuối tuần”, chị Lan nói.
Cửa hàng nặn gốm của chị Lan đã sẵn sàng đón khách hàng đến trải nghiệm.
Các gian hàng mở lại với lác đác du khách tới tham quan, mua sắm – trái với khung cảnh tấp nập mỗi dịp lễ, Tết khi mặt hàng gốm sứ được nhiều người tìm mua.
Bảo tàng gốm Bát Tràng nằm gần ngoài đê, trước khi vào làng gốm, cũng đã mở cửa sẵn sàng đón khách. Bảo tàng được xây dựng từ năm 2018 với kinh phí 150 tỷ đồng, là “trung tâm tinh hoa làng nghề Việt”.
Bên trong bảo tàng có thiết kế độc đáo, nhiều tầng với các chuyên đề khác nhau về lịch sử hình thành, phát triển cũng như các loại hình gốm tại Bát Tràng.
“Đến làng gốm để có trải nghiệm thú vị, thay đổi không khí và tìm hiểu về gốm truyền thống”, Phạm Hoàng Hiệu, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết khi đến đây sau những ngày phải ở nhà vì mưa lụt.
Đình làng Bát Tràng hơn 300 tuổi không bị ảnh hưởng sau trận lụt. Đình được coi là “báu vật đi cùng năm tháng” ở làng, hiện lưu giữ hơn 50 đạo sắc phong. Đình Bát Tràng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật năm 2005.