(Khám phá) Ông Công, ông Táo được đúc bằng đất sét, sau khi nung sẽ được tô màu bắt mắt, bán 4.000-5.000 đồng một bộ.
Trước Tết Nguyên đán, người làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) lại nặn tượng ông Công, ông Táo phục vụ tục cúng đưa ông Táo về trời (ngày 23 tháng chạp âm lịch). Gia đình Táo gồm hai ông ngồi hai bên, bà ngồi giữa.
Tượng nặn bằng đất sét màu vàng. Vào tháng 7-8 âm lịch, người hành nghề về các địa phương tìm mua đất sét lên đãi cho sạch tạp chất, rồi ủ. Đến tháng 10 âm lịch, họ bắt đầu nặn tượng ông Công, ông Táo.
Trước đây, người làng Địa Linh thường nặn ba tượng ông Táo lớn riêng biệt để bán cho người dân thờ cúng gian bếp dịp Tết. Nhận thấy, việc nặn tượng tốn công sức lại ít sản phẩm, họ đã tạo khuôn gỗ lim để đúc tượng ông Công ông Táo nhanh hơn, đỡ tốn nguyên liệu.
Trước khi đúc tượng, người làng sẽ xoa vào khuôn gỗ một lớp tro để đất sét không bám chặt vào khuôn làm hư tượng.
Tượng ông Công, ông Táo được đúc ra từ khuôn có hình dáng bắt mắt, khoan thai hơn khi nặn tay.
Sau mỗi lần đúc tượng, thợ lại dùng thanh tre nhọn “váy” những mảnh đất sét còn thừa bám trên khuôn, tạo thuận lợi cho những lần đúc tượng tiếp theo.
Tượng ông Công, ông Táo đúc xong sẽ được mang đi phơi nắng. Địa Linh là ngôi làng duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn giữ nghề nặn tượng ông Táo.
Ông Võ Văn Đức cho biết, mỗi ngày gia đình đúc hơn một nghìn tượng ông Công ông Táo để phục vụ Tết. “Cao điểm đúc tượng cũng là lúc xứ Huế mưa dầm kéo dài, gia đình phải xây lò nung, đốt bằng vỏ trấu cho tượng nhanh khô”, ông Đức nói.
Tượng sau khi nung có màu đỏ nhạt. Trước đây, nhiều hộ gia đình làng Địa Linh hành nghề nặn tượng ông Công, ông Táo, song do thu nhập thấp nên bỏ. Hiện làng chỉ còn ba anh em ông Võ Văn Đức còn giữ nghề đúc tượng ông Táo. Cho đến nay, ông Đức là thế hệ thứ 5 của gia đình giữ nghề cổ xưa này.
Trước khi đưa ra thị trường, tượng ông Công ông Táo được vẽ màu rồi rắc bột kim tuyến lên để tạo sự bắt mắt. Thông thường, công đoạn này đến gần ngày 23 tháng chạp mới làm.
Người hành nghề phải tỉ mỉ trong vẽ màu, rắc bột kim tuyến để tạo nên tượng ông Công, ông Táo có hồn. Mỗi bức tượng ông Công, ông Táo được bán 4.000-5.000 đồng. Dịp cận Tết, mỗi gia đình hành nghề xuất ra thị trường hơn 50.000 tượng phục vụ tín ngưỡng thờ ông Công ông Táo ở gian bếp của người dân.