(Nhiếp ảnh Hà Nội) Năm tháng khó quên” đó là tên triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Lực nhân dịp kỷ niệm 75 tuổi, 1043 – 2018. Lễ Khai mạc triển lãm tranh “Năm tháng khó quên” đã diễn ra trong không khí trang trọng, tưng bưng, phấn khởi tại Trung tâm Triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Họa sĩ Phạm Lực
Phạm Lực sinh ngày 14/3/1943 tại Huế, hiện đang sống tại Hà Nội. Anh bắt đầu vẽ từ hồi 5 tuổi và thuộc thế hệ họa sĩ đầu tiên theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa 1959 – 1964. Tôi may mắn được tham dự nhiều cuộc triển lãm của họa sĩ Phạm Lực và của những người sưu tập tranh của anh. Cảm nhận của tôi về những bức tranh của anh là tinh tế, đậm đà, sâu lắng, khác lạ, độc đáo, mộc mạc, gần gũi mà cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng.
Ngay sau khi tốt nghiệp 1965, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, anh xung phong vào quân ngũ. Năm 1977, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và đã tham gia các cuộc triển lãm tại Liên Xô, Nhật, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Ba Lan… Là họa sĩ quân đội, anh được đi nhiều vùng, miền, hiểu nhiều về cuộc sống trong cả thời chiến lẫn thời bình nên tranh của anh rất đa dạng về thể loại và chất liệu: bột màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, bao tải, khắc gỗ. Các tác phẩm của anh được kết hợp tài tình, khéo léo giữa kỹ thuật hội họa phương Tây với truyền thống hội họa Việt Nam khiến tranh của anh vừa độc đáo, tinh tế, dung dị vừa dí dỏm, mộc mạc, gần gũi, sẻ chia.
Có thể nói triển lãm tranh của anh muôn màu muôn sắc đầy sức hấp dẫn, cuốn hút khiến người xem như lạc vào mê cung của những khoảnh khắc và lát cắt đẹp trong cuộc sống. Tranh của họa sĩ Phạm Lực không tỉa tót, trau chuốt mà mạnh mẽ, phóng khoáng, ào ạt, phá cách rất ngẫu hứng với sắc màu sống động. Phụ nữ trong tranh của anh đầy ấn tượng bởi nét đẹp hồn hậu, thanh tao, gần gũi, thân thương rất Việt Nam, bởi những sắc màu rực rỡ, quyễn rũ như thực như mơ thật khó quên. Anh vẽ bất cứ khi nào, bất kỳ nguyên liệu và đối tượng nào. Có lẽ với anh cần vẽ như hơi thở cần trong cuộc sống vậy. Anh đã vẽ, vẽ và vẽ rất nhiều…, tác phẩm của anh lên tới vài chục nghìn bức – một khối lượng thật khổng lồ ít ai tưởng tượng được. Tranh của ảnh nổi tiếng với phong cách hội họa đầy cá tính. Anh được ví như danh họa “Van Gogh” của Việt Nam.
Không có nhân vật nổi tiếng mà chỉ có cái bình thường, giản dị, sống động của cuộc sống trong tranh Phạm Lực. Những bức tranh của anh hướng về cuộc sống giản đơn, mộc mạc, thậm chí lam lũ, một nắng hai sương để ghi nhận, sẻ chia. Anh không chỉ vẽ ở đồng bằng, miền xuôi mà còn đi tới cả các vùng cao, vùng xa. Tranh của anh sâu lắng, thân thương, sống động, mộc mạc… Vậy mà khi gặp anh – người họa sĩ lừng danh ấy lại rất sôi nổi, thân thiện, cởi mở, năng động, nhiệt huyết. Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng của Việt Nam. Anh đã có hơn 40 triển lãm ở trong nước và quốc tế. Có được thành công trong dấu ấn nghệ thuật hôm nay là nhờ anh đã lao động bền bỉ, suy ngẫm và hết mình cho nghệ thuật.
Chủ đề xuyên suốt của triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Lực lần này là cảnh sinh hoạt trong cuộc sống đời thường, lao động sản xuất nơi vùng quê, tình mẫu tử, chân dung con người, ký ức tuổi thơ… Chất liệu chính của triển lãm tranh “Năm tháng khó quên” là sơn dầu và sơn mài khổ lớn…
Quả thật hiếm có một họa sĩ đương đại được nhiều người hâm mộ, đam mê tranh của mình; được thành lập hẳn một câu lạc bộ sưu tập tranh và thường xuyên tổ chức triển lãm đó chính là họa sĩ Phạm Lực. Niềm tự hào rạng rỡ tỏ rõ trên khuôn mặt anh mỗi khi bắt gặp anh ở những cuộc triển lãm như thế… Những gam màu tươi sáng, rực rỡ, sự làm chủ kỹ thuật hội họa cùng nét tài hoa cộng với sự bình dị thấm đẫm tâm hồn Việt khiến tranh của anh luôn được đông đảo công chúng ở mọi tầng lớp say mê và sưu tập.
Tranh của anh thật sống động, nhẹ nhàng, lắng đọng, gần gũi với cuộc sống đời thường mà triết lý nhân văn. Xem tranh của anh không chỉ đọc bằng mắt mà phải đọc bằng cả sự rung cảm của con tim. Anh đã thành công bởi cái nhìn tinh tế, không cầu kỳ mà bằng tình cảm đằm thắm, bình dị, giàu lòng nhân ái. Anh gửi vào tranh những tình cảm chân thành sâu lắng, những giá trị nhân văn, những niềm khát vọng trong cuộc sống. Tôi thầm cảm phục anh và chúc anh luôn tràn ngập những niềm vui, thành đạt, hạnh phúc và có nhiều tác phẩm mới làm đẹp cho đời, góp phần phát triển nền Mỹ thuật nước nhà.
Bài: NSNA Tuyết Minh
Tranh: HS Phạm Lực