Lễ hội văn hóa truyền thống làng Lệ Mật

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Làng Lệ Mật nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía Đông Bắc. Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là “Trù Mật”. Vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, Lệ Mật là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Lệ Mật, Kim Quan, Tràng Lâm, Ô Cách hợp thành xã Việt Hưng thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, xã Việt Hưng và huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1982, thôn Ô Cách được tách ra để nhập vào thị trấn Đức Giang. Đến tháng 11/2003, xã Việt Hưng được chuyển thành một phường thuộc quận Long Biên, Hà Nội như hiện nay.

ng xuan hieu (1)

Ngày hội – ảnh: Nguyễn Xuân Hiếu

tran Hung (1)

Hội làng Lệ Mật – ảnh: Trần Hưng

Lệ Mật có nghề truyền thống bắt rắn, làm thuốc bổ từ rắn, chế biến các món ăn rất ngon từ rắn. Theo người già trong làng kể nghề bắt rắn có từ thời Lý và được duy trì cho đến nay. Hầu như nhà nào cũng làm nghề này và đem lại hiệu quả kinh tế cao, song cũng không kém phần nguy hiểm đến tính mạng. Những năm gần đây, từ việc bắt rắn hoang dã, dân làng đã chuyển thành nuôi rắn và chế biến nhiều món ăn đặc sắc rất ngon miệng và bắt mắt. Lệ Mật ngày nay đã là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

wb1DSC_1871

Lễ hội quê em – ảnh: tuyết Minh

Hàng năm Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch. Tương truyền, đời Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054), Công chúa cùng với các cung nữ thương du ngoạn thuyền Rồng trên sông Thiên Đức chính là sông Đuống ngày nay. Một hôm nàng đang ngồi trên thuyền Rồng, bất ngờ một con thủy quái hung dữ hiện lên khiến gió to sóng lớn nổi lên ầm ầm, làm lật thuyền và cướp Công chúa đi mất. Nhà Vua buồn rầu, thương xót con gái, liền ra lệnh nếu ai vớt được ngọc thể Công chúa sẽ phong thưởng hậu hĩnh. Nhiều tướng lĩnh trong triều cùng thanh niên trai tráng khắp vùng đã tham gia tìm kiếm nhưng không thành. Chàng thanh niên dũng mãnh họ Hoàng ở làng Lệ Mật có tài bơi lội và giỏi nghề bắt rắn, đã kiên nhẫn lặn ngụp, tìm kiếm. Chàng trai dũng cảm chiến đấu với thủy quái trong nhiều giờ liền. Cuối cùng chàng đã giành được ngọc thể Công chúa đưa lên bờ. Nhà Vua vô cùng cảm kích, ban thưởng cho nhiều vàng bạc, châu báu và quyền cao chức trọng, nhưng chàng từ chối. Chàng chỉ xin đức Vua ban cho chàng được đưa dân nghèo trong làng đi khai hoang lập ấp mở trại quanh thành Thăng Long để làm ăn sinh sống. Nhà Vua chuẩn y lời thỉnh cầu của chàng. Từ đó dân làng Lệ Mật, một phần ở lại làng gọi là Cựu quán, còn phần lớn theo chàng sang khai hoang vùng đất phía tây thành Thăng Long, tạo ra vùng đất trù phú gọi là Kinh quán. Sau này nơi đây được mở rộng thành 13 trại ấp mà sử sách vẫn gọi với cái tên trìu mến “Thập Tam Trại”. Thập Tam Trại chính là các làng Giảng Võ, Ngọc Khánh, Hào Nam, Cống Vị, Liễu Giai, Vạn Phúc, Vĩnh Phúc, Thụy Khê, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Thủ Lệ, Phủ Đề ngày nay. Chàng thanh niên dũng mãnh họ Hoàng ngày ấy đã được dân làng suy tôn làm Thành Hoàng làng. Để ghi nhớ công ơn của Người, hàng năm cứ đến ngày 23/3 âm lịch, dân cư của 13 trại lại tập trung tại Lệ Mật để mở hội. Điều vui mừng khôn siết đã đến với dân làng Lệ Mật đó là ngày 19/12/2014, dân làng đón nhận Quyết định số 4205/QĐ-BVHTT&DL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

ng v hai

Vui mừng ngày hội – ảnh: Nguyễn Văn Hải

ng xuan hieu

Ảnh:  Nguyễn Xuân Hiếu

ng hoang hiển

Ảnh: Nguyễn Hoàng Hiển

Sáng ngày 16/4/2017 (tức ngày 20/3 âm lịch), tại cụm di tích Đình, Chùa Lệ Mật, UBND phường Việt Hưng, Tiểu ban Quản lý Di tích Đình, Chùa Lệ Mật đã trang trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật. Tới dự lễ khai mạc có đồng chí Lê Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội, cùng các đồng chí lãnh đạo sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn. Về phía quận Long Biên có đồng chí Nguyễn Huy Thắng – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, đồng chí Vũ Thu Hà – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; các đồng chí Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND quận; Trưởng các phòng, ban quận; Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND phường Việt Hưng; các đồng chí lãnh đạo các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa cùng đông đảo nhân dân Cựu quán, Kinh quán và du khách thập phương.

ng v hai (1)

Dâng lễ – ảnh: Nguyễn Văn Hải

Mỗi Lễ hội đều có những nét văn hóa khác nhau nhưng đều có nét đặc trưng chung của nền văn minh nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; thể hiện truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”; tưởng nhớ công lao của các bậc tổ tiên có công với quê hương, đất nước. Lần đầu tiên tôi được tham dự Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật. Có thể nói Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật là một trong những Lễ hội lớn, uy nghi, linh thiêng, tưng bừng, náo nhiệt; khắp nơi đều được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa. Mở đầu Lễ hội là nghi thức Lễ Rước nước, Lễ Đả Ngư (đánh cá thờ), các đội tế lễ rất trang nghiêm, long trọng tại Đình làng. Lễ Đả Ngư được bắt nguồn từ sự tích chàng trai họ Hoàng đã xả thân đánh Giảo Long, cứu ngọc thể Công chúa nhà Lý. Lễ Đả Ngư là màn trình diễn tâm linh, gửi lời ước nguyện tri ân của Công chúa đến vị Thành hoàng làng… Dường như năm nào cũng vậy, để chuyển cá từ Hồ Tây về Giếng Ngọc của làng, trời thường mưa vào đêm hôm trước ngày Lễ Đả Ngư. Tục đánh cá trong Lễ hội Văn hóa truyền thống làng Lệ Mật có từ lâu đời. Đây là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của hai vùng quê Cựu quán và Kinh quán; thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các địa phương có chung cội nguồn.

tran Hung

Lễ Đả Ngư – ảnh: Trần Hưng

Múa Giảo Long do đội múa của làng trình diễn; tái hiện lại tích chàng trai họ Hoàng đã dũng mãnh hạ gục thủy quái giành lại ngọc thể Công chúa. Nhạc múa là dàn bát âm cùng tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập khiến cho Lễ hội càng tưng bừng, náo nhiệt hơn. Những người tới dự hội như được hòa mình vào sự tích ly kỳ ngày ấy. Bên cạnh đó còn nhiều tích, trò vui với sự tham gia của nhiều tầng lớp và nhiều lứa tuổi khác nhau… Tiếp theo là tiết mục thi trổ tài nấu những món ăn đặc sản như: món “Tam xà đại hội” nghĩa là ba loại rắn gồm hổ mang, cạp nong, rắn ráo; món “Lý ngư vọng nguyệt” là cỗ gỏi và cỗ cá chép to; món “Ngũ hổ chầu lâm” là cỗ 5 chú ếch v.v… cũng dành được sự quan tâm của rất nhiều du khách. Hội làng Lệ Mật còn là dịp những người anh em họ hàng thân thích ở “Cựu quán” và “Kinh quán” có cơ hội gặp gỡ chung vui, thăm hỏi thân tình, ôn lại trang sử hào hùng năm xưa và cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.

ng v hai (4)

Múa Giảo Long – ảnh: Nguyễn Văn Hải

Sau gần mười lăm năm xây dựng và phát triển, làng Lệ Mật thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ theo hướng dịch vụ thương mại. Sự quan tâm đầu tư đúng mức các cụm di tích trên địa bàn phường đã tạo thành hệ thống khu di tích phục vụ nhu cầu thăm quan và thưởng thức ẩm thực của công chúng gần xa. Hy vọng khu di tích làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội sẽ sớm trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

wb1DSC_2172

Hội làng – ảnh: tuyết Minh

Bài: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan