Hai tháng kiểm soát đường biên, Nguyễn Đắc Đạt cùng đồng đội nhiều khi phải chia nhau nghỉ lưng trong cống thoát nước, trước khi được cấp lều dã chiến.
33 tuổi, Đội trưởng Vũ trang của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh), thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt được giao làm chốt trưởng kiểm soát phòng, chống Covid-19 ở mốc 1302 từ đầu tháng 2.
Trước đó một tuần, Thủ tướng chưa ban hành chỉ thị chống dịch nhưng anh và đồng đội đã được cấp trên giao chốt chặt lối mở, ngăn người qua lại.
Lối mở ở cột mốc 1302 rộng chừng chục mét, nối liền thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, Quảng Ninh với bản La, xã Đông Mân, Linh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu không kiểm soát chặt chẽ, lối mở này sẽ trở thành nơi người xuất nhập cảnh trái phép qua lại thường xuyên, có thể đem theo dịch bệnh vào Việt Nam.
Khí hậu miền biên viễn cuối tháng một khắc nghiệt. Mưa dầm dề, gió cắt thịt da, sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn. Dọc đường tuần tra, cứ cách một đoạn, Đạt phải nhóm đống lửa nhưng vẫn không đủ sưởi ấm. Tay chân lạnh ngắt, tê cóng, nhiều khi anh và đồng đội phải chia nhau người trực phía trên, người chui xuống cống thoát nước dọc đường để tránh rét, tạm nghỉ lưng.
“Ngày 28/1, Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu Bộ Quốc phòng cấm người qua lại tại các đường mòn, lối mở với Trung Quốc, đến chiều 1/2, chúng tôi nhận lệnh lập chốt, lúc này mới được trang bị lều bạt”, Đạt nói.
Lều dã chiến được dựng trên bãi đất trống đối diện lối mở, ba bên là vực sâu nên hứng gió tứ bề; xung quanh không có nhà dân nên không điện, nước. Bộ đội phải xuống con suối cách lều khoảng 2 km để tắm giặt, hứng nước về dùng.
Ngày đầu tiên dựng xong lều, buổi tối trời mưa tầm tã, nước thấm dột xuống những tấm ván mà Đạt và anh em kê dưới đất. Chăn gối ướt nhẹp, bộ đội dầm mưa cả đêm. Hai ngày sau, mưa to kèm gió mạnh khiến các cọc giữ bị bật lên khỏi mặt đất, lều bay xuống vực, bộ đội phải xuống dưới nhặt về đóng lại.
Rút kinh nghiệm, những chiếc cọc được đóng sâu hơn, dây giữ lều gia cố nhiều thêm, một tấm bạt cũng được trùm lên lều để chống thấm. Tuy nhiên, vài ngày sau, nó vẫn không chịu được sức gió mạnh lên đến cấp 6, cấp 7.
Chiều 10/2, trời mưa phùn gió bấc, khi tổ công tác đang đi tuần tra bên ngoài thì gió thổi mạnh, lột từng lớp bạt cuốn xuống vực. Mọi người vội chạy về giữ chốt nhưng không kịp vì lớp lều cuối cùng đã theo gió bay đi, chỉ còn chiếc phản nằm trơ trọi dưới đất, chăn màn đẫm nước. Trong đêm đó, một chiếc lều tạm được Đồn cử người mang lên để anh em dựng lại.
“Khi chọn điểm cắm chốt, chúng tôi đã thấy đây là nơi hút gió nhưng có thể quan sát tốt cả 3 hướng từ vành đai biên giới vào nội địa, vì vậy anh em chấp nhận khó khăn để kiểm soát tốt hơn”, Đạt nói.
Giữa tháng 2, đoàn công tác của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đến thăm chốt. Nhìn mái lều liêu xiêu trong gió, mấy tấm ván kê xộc xệch trên nền đất ẩm ướt, lãnh đạo huyện đã quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng để đồn Hoành Mô xây ngôi nhà tạm, kê giường giúp bộ đội có giấc ngủ ngon hơn sau mỗi ca gác. Đồn Biên phòng cũng liên hệ với kiểm lâm cho anh em được ở nhờ ngôi nhà nhỏ trong rừng, cách chốt khoảng 5 km. Một chiếc máy phát điện được cấp cho chốt để phục vụ nhu cầu thiết yếu như thắp sáng, sạc điện thoại.
Cách Hoành Mô khoảng 60 km, thời tiết ở khu vực đồn biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái) cũng mưa liên tục, bầu trời luôn xám xịt.
Thượng sĩ Lê Việt Dũng đứng quan sát ở chốt kiểm soát bờ sông (khu vực mốc 1352-2), trong khi thì thiếu tá Trần Đức Thọ lái ca nô tuần tra trên sông. Khoảng 30 phút sau, anh Thọ trở về lán, nhấp chén trà nóng, tháo đôi giày ướt ra hong. Anh bảo, lướt cano dọc sông Ka Long là việc làm hàng ngày nhằm phát hiện, kịp thời ngăn chặn những trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Một chiếc lều nhỏ được dựng lên ở chốt kiểm soát bờ sông này. “Mấy hôm trước mưa to gió lớn, nước dột xuống ướt hết chăn gối, chúng tôi phải mang về trạm biên phòng hong quạt cho khô vì ở đây không có điện. Lều cũng chỉ là nơi trú tránh thôi, vì trực đêm phần lớn thời gian phải thức, mệt quá mới thay phiên nhau ngả lưng”, anh Thọ nói.
Người đàn ông 50 tuổi, nước da rám nắng, qua hai tháng căng mình kiểm soát đường biên để chống dịch cho hay “đã quen với dãi nắng, dầm mưa nên không sao”. Những ngày này, thông tin về dịch bệnh dồn dập trên truyền thông, vợ và hai con gái của anh Thọ ở quê Thái Bình lo lắng nên mỗi khi rảnh rỗi, anh đều tranh thủ gọi điện về động viên.
Dọc sông Ka Long có nhiều chốt kiểm soát thuộc các đồn biên phòng Pò Hèn, Bắc Sơn… Trung tá Bùi Văn Bách (51 tuổi) cùng đồng đội phụ trách chốt U Bò, nằm trên một đỉnh đồi cạnh quốc lộ 18. Chiếc lều dã chiến của họ ở vị trí quan sát toàn bộ đường biên giới phía trước.
Từng công tác qua hàng chục đồn khác nhau của biên phòng Quảng Ninh, trung tá Bách nói “chưa có nhiệm vụ nào vất vả như lần này”. Suốt hai tháng trời, anh và các đồng đội phải chia nhau ngày đêm chốt giữ các đường mòn, lối mở trên đường biên giới kéo dài, địa hình phức tạp.
“Mỗi lúc mưa to, mấy anh em phải chia nhau ôm cột lều, chân bám chắc xuống nền đất ướt, dùng hết sức để giữ cho lều khỏi bay đi. Tuy nhiên, chúng tôi còn đỡ hơn nhiều đồng đội khác, những người chốt ở đường mòn trong rừng, mưa gió, bão bùng cũng chỉ có tán cây trú tạm, hay quấn mảnh áo mưa lên người”, anh Bách nói.
Tết nguyên đán vừa rồi trung tá Bách trực nên không về nhà. Anh hứa với con gái nhỏ ra Tết sẽ về, “nhưng với nhiệm vụ chống dịch thì chưa biết bao giờ thực hiện được lời hứa với con, cứ phải gọi điện về xin lỗi suốt”.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, cho biết 77 trạm, chốt dã chiến lâm thời đã được biên phòng tỉnh lập trên đường biên giới, với khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiệm vụ phòng, chống Covid-19.
Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã cử các tổ quân y thường xuyên đến tổ, chốt đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ cho bộ đội, cấp thêm vitamin C, tăng cường rau xanh, thực phẩm đến địa bàn khó khăn.
“Giai đoạn vừa rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh em vất vả nên chúng tôi thường xuyên đến các chốt thăm hỏi, động viên. Có lần ra cửa hàng mua chè, biết tôi mang đi tặng bộ đội biên phòng chốt trực biên giới, bà chủ đã biếu thêm kẹo bánh, nhờ tôi gửi đến anh em. Đó là nguồn động viên rất lớn”, ông Hải cho hay.