Mùa săn ‘cá leo cây’

Ngư dân Thanh Hóa đang vào chính vụ săn cá thòi lòi, loài cá không chỉ bơi lặn dưới nước mà còn chạy nhảy trên mặt đất, leo cây.

Một sáng giữa tháng 3, trên bãi bồi ven biển và rừng sú, vẹt ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, hàng chục ngư dân mang theo giỏ tre, can nhựa, ván lướt, cần câu, bẫy kẹp… đi bắt cá thòi lòi (còn gọi là cá còi, nác hoa).

Đây là loại cá thuộc họ cá bống trắng, được xem là một trong những loài cá “kỳ dị nhất hành tinh” khi vừa có mang vừa có phổi. Chúng có thể sống dưới nước, trong bùn lầy hoặc chạy nhảy trên cạn, thậm chí còn leo cây khi đi kiếm thức ăn. Mỗi con trưởng thành dài 10-15 cm, to bằng ngón tay.

Cá thòi lòi sống phổ biến dọc bãi lầy ở cửa sông, bãi biển nhiều bùn, có mực nước ngập sâu không quá hai mét. Vùng triều các xã ven biển huyện Hậu Lộc như Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc là nơi phân bố loài này nhiều nhất. Thòi lòi thường đào hang dưới lớp bùn sâu 20-30 cm để cư trú, mỗi hang có vài con. Khi thủy triều rút, chúng sẽ chui ra khỏi hang kiếm ăn.

Cá thòi lòi tập trung phơi nắng trên một mô đất đầu tháng hai khi mùa sinh sản đến. Ảnh: Lê Hoàng
Cá thòi lòi tập trung phơi nắng trên một mô đất. Ảnh: Lê Hoàng

Bàn tay thoăn thoắt vục sâu dưới lớp bùn nhão, đen quánh, chị Nguyễn Thị Phương (45 tuổi, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) chộp được hai con cá cùng lúc. Chao qua làn nước rửa lớp bùn mỏng còn dính quanh thân cá, chị ném vào giỏ đeo bên hông rồi lại đảo mắt tìm kiếm. Hôm nay, chị ra biển từ 9h sáng, quá trưa đã kiếm được lưng giỏ.

Bắt cá thòi lòi đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo nên chủ yếu phụ nữ tham gia, số ít là nam giới và trẻ nhỏ những ngày không đến trường. Theo chị Phương, “quy trình” bắt cá sẽ bắt đầu từ việc phát hiện ra nơi trú ngụ của cá, sau đó đưa tay đào lớp bùn nhão. Nghe tiếng động, cá vội chui tọt ra khỏi hang thì bị bắt cho vào rọ.

“Bắt cá ngoài kỹ thuật còn phải nhanh tay nhanh mắt. Dù không quá khó, song di chuyển liên tục trên bãi bùn ngang gối và cào bùn sâu nên cũng cực nhọc lắm”, ngư dân tên Loan nói.

Để bắt cá thòi lòi, ngư dân không thể đi bao tay vì khó thao tác. Không có dụng cụ bảo hộ, họ đôi khi quờ phải mảnh sành, vật sắc nhọn hay vỏ hàu, vỏ ốc gây rách da, tứa máu. Có người còn bị thương do rắn cắn hay vô tình đạp trúng loài hải sản có độc, song may mắn chưa ai nguy hiểm tính mạng.

Từng tốp phụ nữ ở Đa Lộc hàng ngày vào rừng sú, vẹt moi bùn bắt cá thòi lòi. Ảnh: Lê Hoàng
Từng tốp phụ nữ ở Đa Lộc hàng ngày vào rừng sú, vẹt moi bùn bắt cá thòi lòi. Ảnh: Lê Hoàng

Nghề săn cá thòi lòi ở Hậu Lộc xuất hiện từ xưa nên có nhiều thợ lành nghề. Ngoài những người dùng tay đào hang bắt cá thuần thục như chị Phương, nhiều thợ săn (chủ yếu là đàn ông) đánh bắt bằng cần câu hay bẫy kẹp.

Anh Đặng Văn Quân, người có hơn 30 năm làm nghề săn cá thòi lòi ở xã Đa Lộc kể, vào vụ anh thường làm những chiếc kẹp vót từ thân tre uốn cong đi bẫy cá. Chiếc bẫy cao khoảng 40 cm, phía dưới dùng dây cước thắt nút thòng lọng. Mỗi ngày, sau bữa sáng, anh mang theo giàn bẫy rồi lội khắp bãi bùn tìm hang cá để đặt. Khi cá ngoi lên tìm kiếm thức ăn, bơi qua sẽ vướng vào sợi dây, sập bẫy. Người thợ sau đó chỉ việc quay lại gỡ lấy “chiến lợi phẩm”.

Anh Quân có hơn 100 cái bẫy kẹp dùng đánh cá thòi lòi. Mỗi ngày anh thường đi săn 5-7 tiếng tùy theo con nước (thủy triều lên xuống), thu về xấp xỉ 2 kg cá, bữa trúng mánh có thể được hơn 3 kg. Với giá bán 180.000-200.000 đồng một kg, anh Quân kiếm được gần nửa triệu đồng một ngày công.

Thợ săn Đặng Văn Quân thu về rất nhiều cá sau một ngày giăng bẫy trên bãi bùn ven biển. Ảnh: Lê Hoàng
Thợ săn Đặng Văn Quân thu về rất nhiều cá sau một ngày giăng bẫy trên bãi bùn ven biển. Ảnh: Lê Hoàng

Mùa cá thòi lòi thường kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 5 Âm lịch hàng năm. Vào thời điểm cuối xuân, cá sinh sôi nhiều và rất béo nên cũng là lúc đi săn hiệu quả nhất.

Cá thòi lòi thịt thơm và ngậy, thường được người dân địa phương kho, nướng, nấu canh chua… Xưa kia, cá chủ yếu được bà con dùng làm thức ăn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng hiện nay được coi là đặc sản ở nhiều nhà hàng. Cá thường được thương lái thu mua tại chỗ, số ít bán ở chợ dân sinh quanh vùng. Loại tươi ngon có thể xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Tin liên quan