Người trẻ thích đi bảo tàng

Được bạn rủ đi tour đêm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, Thanh Thư lập tức đồng ý dù từng đến đây ba lần.

Thư (27 tuổi, ở quận Hoàng Mai) cho biết 9 năm trước từng ghé địa điểm này nhưng không có nhiều ấn tượng. Hai năm gần đây, khi thấy fanpage của Di tích thay đổi, kiến thức lịch sử trở nên gần gũi hơn với giọng văn hài hước, Thư tò mò, thử quay lại.

So với lần đầu, cô đánh giá trải nghiệm hiện tại thú vị hơn. Mọi khu vực trưng bày đều được làm mới, nội dung diễn giải cụ thể, sinh động khiến Thư không thể rời mắt.

“Nhưng thú vị nhất phải kể đến tour trải nghiệm vào tối cuối tuần bởi cảm giác chân thực, âm thanh sống động cùng hoạt cảnh tái hiện đầy xúc động. Giá vé gấp 10 lần ban ngày nhưng rất nhanh hết bởi nhu cầu lớn, trong khi số lượng khách giới hạn”, Thanh Thư nói.

Ngoài lời thuyết minh của hướng dẫn viên, khách tham quan được nghe lại tiếng đóng cửa trại giam đến rợn người, âm thanh của xiềng xích rê trên nền gạch hay câu hát ru của các tù nhân nữ trong đêm.

“Tôi biết di tích đã giảm bớt sự khốc liệt, nhưng vẫn thấy rùng mình. Nội dung tour đêm luôn được làm mới nên dù quay lại nhiều lần tôi vẫn thấy thú vị. Đó cũng là lý do công ty cũng đặt vé cho nhân viên được ‘đi tù’ đợt cuối năm ngoái”, Thư chia sẻ.

Rất đông người trẻ đến trải nghiệm tour tham quan đêm tại Nhà tù Hỏa Lò đầu năm 2023. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Rất đông người trẻ đến trải nghiệm tour tham quan đêm tại Nhà tù Hỏa Lò đầu năm 2023. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Từ ngày lên Hà Nội học, Hồng Quang, 22 tuổi, ở huyện Thạch Thất, chưa từng đến các di tích lịch sử vì nghĩ nhàn chán. Nhưng khi đọc những trận đánh lịch sử, những cuộc vượt ngục tù của chiến sĩ cách mạng bằng văn phong hài hước, dí dỏm lại “bắt trend” trên fanpage Nhà tù Hỏa Lò, Quang thấy thú vị, sau rủ bạn đến tham quan đầu tháng 3.

Nghĩ đi sáng thứ 7 sẽ vắng, nhưng nam sinh không ngờ khu vực thăm quan, trưng bày các hiện vật có cả trăm khách, các phòng giam luôn trong tình trạng chật cứng người.

Cũng biết đến di tích Nhà tù Hỏa Lò qua mạng xã hội cách đây 2 năm, nhưng mãi đến đầu năm 2023, Diệu Linh, ở TP HCM mới có cơ hội được tham quan. Trước đó, cô gái 30 tuổi đã đến Địa đạo Củ Chi (TP HCM), nhà tù Côn Đảo vì thích tìm hiểu thông tin, kiến thức về lịch sử.

“Nhiều người nói giới trẻ phải đến bar, pub hoặc đi phượt nhưng tôi lại thích đến các địa điểm lịch sử vì muốn hiểu thêm về quá khứ. Chưa kể, nhiều di tích hiện nay cũng đã thay đổi rất khác”, Linh nói.

Thư, Quang hay Linh chỉ là ba trong số rất nhiều người trẻ đến Nhà tù Hỏa Lò trải nghiệm trong hai năm trở lại đây. Đại diện Ban quản lý di tích cho biết, mức độ quan tâm của người Việt tăng đáng kể, từ chỗ chiếm 5-7% lượng khách mỗi năm, nay chiếm hơn 50%. Khách thuộc nhiều độ tuổi, nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên và gia đình. Cuối tuần và các dịp lễ, Tết đông nhất.

Lý giải về xu hướng nhiều bạn trẻ lựa chọn di tích làm địa điểm tham quan, người đại diện cho biết Ban quản lý và đội ngũ truyền thông tích cực hoàn thiện dịch vụ, xây dựng fanpage, sản xuất nội dung sáng tạo hướng đến mục tiêu ‘lan tỏa lòng biết ơn bằng những hàng động tích cực’. Hiện, fanpage của Di tích Nhà tù Hòa Lò có hơn 264.000 người theo dõi. Mỗi bài đăng có hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt yêu thích, bình luận, giúp di tích dễ dàng tiếp cận được với nhiều người trẻ và khơi dậy niềm hứng thú về lịch sử.

“Đó có lẽ là một trong những xúc tác đánh thức tình yêu, sự quan tâm của đông đảo công chúng, trong đó có người trẻ Việt đối với Nhà tù Hỏa Lò nói riêng và với lịch sử dân tộc nói chung”, vị đại diện nói.

Các bài đăng trên fanpage Nhà tù Hỏa Lò thu hút đông người yêu thích, bình luận vì giúp thông tin lịch sử trở nên ngắn gọn, dễ hiểu nhưng không kém phần hài hước. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Các bài đăng trên fanpage Nhà tù Hỏa Lò thu hút đông người yêu thích, bình luận vì giúp thông tin lịch sử trở nên ngắn gọn, dễ hiểu nhưng không kém phần hài hước. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định nhu cầu giải trí của người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang dần nghiêng sang tìm hiểu lịch sử, đặc biệt là sau hai năm dịch.

“Thay vì sống theo sở thích cá nhân, các bạn trẻ bắt đầu có trách nhiệm với cuộc sống, cộng đồng. Họ bắt đầu tìm đến các địa điểm lịch sử, khu di tích không phải để check-in ‘sống ảo’, mà thực tâm tìm về cội nguồn, mong được hiểu biết, nhất là khi được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách mềm mại, dễ hiểu”, bà Hồng nói.

Lý giải về sức hút của nhiều địa điểm lịch sử, chuyên gia văn hóa chỉ ra ba lý do chính. Một là bản thân các di tích với những chứng tích lịch sử đã có sức hút riêng, mang giá trị giáo dục, chuyển hóa tâm thức; hai là tác động trực tiếp của hoạt động truyền thông trên mọi nền tảng mạng xã hội đến người xem; và ba là hoạt động giáo dục và giáo dục chính trị bắt đầu tìm ra các phương pháp mới để khơi gợi lòng yêu nước, mong muốn tìm về cội nguồn của người trẻ.

Bên cạnh tuyên truyền, cải thiện dịch vụ, một số di tích như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu cung cấp thêm trải nghiệm đêm. Sau thời gian dài triển khai, lượng khách vẫn duy trì ở mức ổn định. Theo thống kê, chỉ trong ba ngày Tết Dương lịch 2023, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đón khoảng 2.000 khách, Hoàng thành Thăng Long 5.500 và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 4.700 lượt.

“Bên cạnh đó, những đóng góp tích cực của các công ty du lịch trong việc đổi mới sản phẩm tour cũng khiến lượng người đến các địa điểm du lịch gia tăng”, bà Hồng nói.

Một sinh viên đang tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, đầu tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một sinh viên đang tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, đầu tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Lê Công Năng, tổng giám đốc công ty du lịch Wondertour, đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển loại hình du lịch lịch sử khi có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh. Phần lớn các di tích có yếu tố lịch sử được phận loại thành di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ lịch sử, di tích lịch sử và di tích lịch sử cách mạng.

Sau hai năm dịch bệnh, đơn vị của công Năng bắt đầu cung cấp các tour trải nghiệm di tích lịch sử đặc biệt nhằm phát huy tiềm lực trong nước. Với nhóm học sinh, đơn vị thiết lập các tour có yếu tố giáo dục như Văn miếu Quốc Tử Giám, Phủ chủ tịch, Bảo tàng lịch sử (Hà Nội); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Địa đạo Củ Chi (TP HCM); nhóm khách trẻ thường lựa chọn tham quan di tích lịch sử kết hợp nghỉ dưỡng hoặc khám phá như Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Côn Đảo.

Bên cạnh tệp khách cũ, ông Năng cho biết nhiều bạn trẻ Gen Z giỏi công nghệ, thích chinh phục cũng đặt tour tham quan di tích lịch sử. Lượng khách có xu hướng tăng mạnh qua từng năm.

Chuyên gia Ánh Hồng cho rằng khi tạo được hứng thú cho người trẻ với lịch sử, cần tiếp tục đổi mới, phát huy để khơi gợi tinh thần yêu nước, tìm về cuội nguồn. “Khi họ đã hiểu được tầm quan trọng, ắt sẽ chủ động tiếp cận các giá trị văn hóa truyền thống”, bà Hồng nói.

Còn với Thanh Thư, đã 4 lần “thăm tù” nhưng cô gái 27 tuổi khẳng định nếu có cơ hội vẫn sẽ quay lại. “Mỗi lần đến tôi đều có những cảm xúc khác nhau. Ban đầu chỉ là lướt qua, sau bắt đầu tìm tòi để hiểu rõ câu chuyện ẩn sau của từng dấu tích lịch sử, về những gì ông cha ta đã trải qua”, Thư nói.

 

Tin liên quan