Loa phường không còn phù hợp với đời sống đô thị

Nhiều chuyên gia cho rằng người dân đô thị có nhiều cách tiếp nhận thông tin hiệu quả nên không muốn duy trì loa phường, dù nó đã được cải tiến so với trước kia.

Việc Hà Nội lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng hệ thống loa phát thanh cơ sở đến từng thôn, tổ dân phố nhận được sự quan tâm của dư luận.

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long phân tích, dưới góc độ kênh truyền phát thông tin của chính quyền, loa phường đã làm tốt, thể hiện ở ba yếu tố. Về đối tượng, loa phường là công cụ thích hợp đảm bảo mọi người trong cộng đồng dân cư có thể nắm bắt thông tin. Về độ phủ, loa phường có nhiều lợi thế khi hầu hết quận, huyện, thị xã đều có thể trang bị. Về cách thức, loa phường dễ sử dụng, giúp cơ quan quản lý có thể chủ động thông tin đến người dân.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các hình thức truyền phát thông tin khác, loa phường có nhiều bất lợi. Tất cả lợi thế của loa phường đều có ở các ứng dụng mạng xã hội, tin nhắn, email… Hình thức truyền tin ứng dụng công nghệ còn hạn chế được sự ồn ào, phiền toái của âm thanh, tiết kiệm được chi phí mua sắm, vận hành, duy tu và quan trọng nhất là không chịu ác cảm từ người dân.

Một công cụ truyền thông không tạo được thiện cảm dễ nhận sự kháng cự. Tức là khi nghe loa phường, thay vì tiếp nhận thông tin, người dân lại cảm thấy ức chế. “Truyền thông tin đi chỉ là một bước, còn người dân có mong muốn tiếp nhận dưới hình thức đó hay không lại là chuyện khác. Với loa phường, những gì người dân cảm nhận được phần lớn là sự phiền toái”, ông Long nói.

Cụm loa phường đặt trước cửa nhà số 4 Nguyễn Trung Trực, Ba Đình. Ảnh: Giang Huy
Cụm loa phường đặt trước cửa nhà số 4 Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình. Ảnh: Giang Huy

Dưới góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng đồng tình loa phường không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Âm thanh từ loa không còn hữu ích mà còn làm nghiêm trọng thêm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều người nghe loa tự hỏi thông tin này họ đâu cần quan tâm, vậy tại sao ngày nào cũng phải chịu đựng đến hai lần. Gia đình có người già, trẻ nhỏ còn giật mình khi loa phát ngay trên đầu họ.

Đến nay, loa phường gần như chỉ phục vụ nhóm đối tượng nhỏ là người già và người về hưu, chủ yếu thông báo lịch lĩnh lương, cắt điện, nước, tiêm chủng. Thông tin này chỉ cần niêm yết trên bảng thông báo của tổ dân phố là đủ, không cần thiết ngày nào cũng phát hai lần.

Theo ông Tiến, Hà Nội và các địa phương luôn chú trọng cắt giảm chi tiêu, chống lãng phí. Việc duy trì hệ thống loa phường không phù hợp với chủ trương trên, “nhất là khi chính quyền thành phố có trong tay nhiều công cụ truyền thông hiện đại, tiết kiệm và văn minh hơn loa phường”.

Nhà văn này đề nghị loa phường chỉ nên là công cụ phát thông tin trong tình huống đột xuất, cấp bách như hỏa hoạn, dịch bệnh. Thông tin hàng ngày nên được niêm yết tại khu vực công cộng của khu dân cư. Việc này giúp người dân tiếp thu thông tin chủ động mà lại không phiền đến người khác.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Sơn Hà
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Sơn Hà

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, loa phường đã phát huy được vai trò, “nhưng không phải một thời điểm nó tốt thì có nghĩa nó sẽ luôn luôn tốt, đặc biệt là với Hà Nội”. Ở vùng xa, thiếu thốn điều kiện vật chất, hạ tầng thông tin thì loa phát thanh rất cần thiết. Nhưng với đô thị lớn, đông đúc, ô nhiễm tiếng ồn như Hà Nội, loa phường cần xem xét rất cẩn thận.

Chính quyền địa phương trước khi nâng cấp hệ thống phát thanh cơ sở cần nghiên cứu, đánh giá tác động xã hội. Tiếp tục hoặc dừng loa phường cần dựa trên nguyện vọng của người dân và các tiêu chí về hiệu quả khi so sánh với nhiều loại hình truyền thông khác. Việc phát triển hệ thống thông tin cơ sở ở đâu, cho ai, làm gì, làm như thế nào, nguồn lực ra sao cần được tính toán cụ thể. “Nếu duy trì loa phường thì phải khác trước kia, những tồn tại trong quá khứ phải được khắc phục”, ông Sơn nói.

Đóng góp ý kiến về việc làm sao để loa phường phát huy hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng phải điều chỉnh âm lượng, giờ phát; nội dung, cách thức trình bày bản tin phải phù hợp với xu thế. Và quan trọng nhất là người nghe cần cảm thấy được tôn trọng. “Không thể trình bày một bản tin năm 2022 máy móc, rập khuôn như hàng chục năm trước. Nội dung thông tin thực sự hữu ích chứ không phải soạn nội dung cho một nhóm đối tượng rồi bắt hàng nghìn người phải nghe”, ông Long nói.

Cán bộ văn hóa phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đọc bản tin trên loa phường sáng 28/7. Ảnh: Sơn Hà
Cán bộ văn hóa phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đọc bản tin trên loa phường sáng 28/7. Ảnh: Sơn Hà

Từ góc độ của người làm phát thanh, TS Nguyễn Văn Trường, giảng viên Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nêu thực trạng hiện nay người đọc, soạn bản tin trên loa phường đều là viên chức kiêm nhiệm, hầu hết chưa được đào tạo về phát thanh, mức phụ cấp cho nhiệm vụ này rất thấp.

“Rất khó để huy động sức sáng tạo, tâm huyết của người làm phát thanh nếu duy trì việc quản lý nhân lực như hiện nay. Hiện, công việc phát thanh ở nhiều phường chỉ cho có nên không thể chất lượng”, ông Trường nói, kiến nghị thay đổi cách đào tạo nhân lực, mức phụ cấp cho người làm phát thanh.

Bên cạnh đó, ông kiến nghị TP Hà Nội thành lập đơn vị có nhiệm vụ quản lý, thường xuyên kiểm tra hoạt động phát thanh tại các phường xã để chấn chỉnh nếu không đảm bảo quy định. Cơ quan này cũng sẽ nhận phản hồi từ người dân nếu cảm thấy bị làm phiền do loa phường.

Về phân bố, loa phường cần được đặt cao hơn và có khoảng cách nhất định đối với nhà dân. Điều này giúp tránh tình trạng nhà ở xa loa không nghe thấy trong khi nhà ở gần loa thường xuyên bị làm phiền.

Tin liên quan