Lội kênh hái rau muống dại mưu sinh ở TP HCM

Thất nghiệp vì Covid-19, ông Nguyễn Thanh Tuấn, 46 tuổi, lội kênh hái rau muống dại ở TP Thủ Đức để chị gái bán, lấy tiền mưu sinh.

Gần một tháng nay, khi TP HCM nới lỏng giãn cách, ông Nguyễn Thanh Tuấn lại lội kênh ven Xa lộ Hà Nội, đoạn gần cầu Sài Gòn (TP Thủ Đức) hái rau muống dại để kiếm sống mỗi ngày. “Mùa mưa, dọc 3 km kênh, rau muống mọc xanh tốt lắm mà không ai ngắt”, ông nói.

Từ An Giang lên TP HCM làm phụ hồ hơn 20 năm, nhưng Covid-19 khiến ông Tuấn thất nghiệp gần nửa năm nay. “Ở nhà suốt mấy tháng cũng chán, chờ mãi chưa thấy chủ thầu gọi đi làm. Bà chị ruột bảo ra đây hái rau kiếm đôi đồng, phụ trả tiền trọ vậy”, ông nói, vừa ôm bó rau, vừa hái giữa dòng kênh đen, nước ngập ngang bụng.

Theo ông Tuấn, rau muống dại khá phổ biến ở miền Tây, được xem là loại rau sạch nên nhiều người mua về ăn. Loài cây này chỉ mọc nhiều ở ao ruộng, ven các con kênh rạch, phát triển mạnh vào mùa mưa.

Rau muống dại có lá to, thân múp, khi già ngả màu nâu đỏ.

Sau gần 3 tiếng, ông Tuấn hái được hơn 20 kg rau, đưa lên bờ bó vào bao tải.

“Công việc đơn giản lắm, chỉ mệt vì dãi nắng và lội nước liên tục hàng giờ. Tôi cũng chỉ làm tạm, mong sớm có nhiều công trình làm trở lại để có việc ổn định”, ông nói, trong lúc nghỉ ngơi uống nước.

Ông Tuấn chở rau về nhà trọ cách đó khoảng 4 km. Ngoài bờ kênh cạnh Xa lộ Hà Nội, lâu lâu ông cũng đến các ao nước trong khu đô thị Thủ Thiêm hái rau muống.

Tại khoảng sân của xóm trọ trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), cha cùng chị ruột phụ ông Tuấn nhặt lại rau, chia thành bó nhỏ hơn.

Người đàn ông 46 tuổi chưa lập gia đình, đang ở chung nhà trọ với chị và em trai. Cha ông lên TP HCM thăm con và bị kẹt lại đến nay vì Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Kim Thủy (chị ruột) nhúng các bó rau qua nước trước khi mang đi bán. Nhiều năm nay, lúc thì bà bán rau vỉa hè, khi lại xoay sang nấu bún bò, hủ tiếu mưu sinh.

Bà Thủy đi khắp nơi, ở các ngã tư trên đường Mai Chí Thọ, chợ dân sinh hoặc xuống tận Khu công nghiệp Tân Tạo để bán cho công nhân. Mỗi bó có giá 8.000 đồng.

“Chỉ một buổi chiều là tôi bán hết rau, cũng kiếm được 180.000 đồng. Hôm nào đi xa thì lời ít hơn vì tốn xăng xe. Kiếm được bao nhiêu chủ yếu đóng nhà trọ hết (một triệu đồng mỗi tháng trong mùa dịch), còn lại đưa ít cho em trai có vài đồng chi tiêu trong lúc chờ việc”, bà nói.

Tin liên quan