18h mỗi ngày khi trời chập tối, người dân xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, lại đội đèn pin ra suối Đá Mài bắt ốc đá, bán 40.000-50.000 đồng/kg.
Họ thường đi từng nhóm 2-3 người. “Núi rừng hoang vắng có thể gặp nguy hiểm nên đi nhiều người để hỗ trợ cho nhau”, anh Nguyễn Hải Lương (bên trái) ở xã Tiên Lãnh giải thích.
Tiên Phước là huyện trung du miền núi có nhiều con suối, ghềnh đá, nơi ốc đá sinh sống.
Một con ốc đang bám vào đá ăn rêu. Ban ngày ốc đá sống trong các hang hoặc nấp mình trong cát. Trời tối, chúng chui ra đi ăn. Ốc có kích thước bằng đầu đũa, con lớn thì to bằng ngón tay trỏ và dài 3-5 cm. Phần đầu tương tự ốc bươu nhưng phần đuôi dài hơn, trôn kéo dài, vỏ dày và cứng, thường có màu đen vàng bóng.
Để bắt ốc, thợ đi qua nhiều ghềnh thác, quá trình di chuyển phải khéo léo, nếu không bị trơn trượt rơi xuống vực, té ngã. “Nghề bắt ốc được ví von chổng mông lên trời, úp mặt xuống đất”, anh Huỳnh Đức Thành, 29 tuổi (áo kẻ nâu), nói về đặc thù công việc.
Sau 5 phút, anh Thành bắt được 7 con ốc đá.
Bắt từ 18 đến 23h, anh Lương cùng hai người bắt được 10 kg ốc đá. Công việc này không đòi hỏi chi phí, chỉ cần 100.000 đồng mua đèn pin, nhưng cần khỏe, vì phải đi bộ quãng đường dài, anh Lương cho biết.
Sau một đêm, bà Võ Thị Liên, 50 tuổi, cùng hai người ở xã Tiên Lãnh bắt được 13 kg ốc. Nhà bà ở bên tuyến đường liên xã nên mang ốc ra trước cửa bán.
“Hôm nhiều ba người bắt được hơn 60 kg, hôm ít vài kg”, bà nói và cho biết công việc không cho thu nhập ổn định, hôm ốc ra đi ăn nhiều, hôm ít. Nghề bắt ốc tạm dừng khi trời mưa nước đục, còn lại làm quanh năm.
Ốc đá được thương lái thu mua 40.000-45.000 đồng/kg, bán sỉ 50.000 đồng/kg, thường tiêu thụ ở địa phương và TP Đà Nẵng.
Trước khi chế biến, ốc được ngâm trong nước hơn một ngày để nhả bùn cát, chất bẩn, sau đó phải chà nhiều lần làm sạch vỏ, vì rong rêu bám vào. Trước khi nấu, ốc được bấm đuôi để dễ hút trong lúc ăn.
Một tô canh ốc đá nấu với rau ranh, một loại rau rừng. Đây là món ăn ưa chuộng ở miền núi Quảng Nam. Ốc đá có thể chế biến nhiều món ăn ngon như xào sả, lá chanh; luộc, nấu cháo… Thịt ốc đá thường trắng, mềm ngọt hơn so với ốc bươu, có vị béo, thơm và giòn nên rất được ưa chuộng.