Mùa nước nổi miền Tây về muộn

Giữa tháng 9 nhưng lũ tại các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long chưa tràn đồng, người dân đang ngóng chờ để săn bắt sản vật mùa nước nổi.

Trên cánh đồng xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, nông dân làm xong vụ lúa hè thu xả bờ chờ con nước về. Mọi năm “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” nhưng năm nay sắp đến rằm tháng tám âm lịch nước chỉ xăm xắp. Chỗ ruộng cao còn trơ gốc rạ và một ít lúa chét (lúa mọc từ gốc rạ) xanh mơn mởn.

Các cánh đồng tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nước chỉ xăm xắp dù đã sang tháng 8 âm lịch. Ảnh: ConTuSa
Các cánh đồng tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nước chỉ xăm xắp dù đã sang tháng 8 âm lịch. Ảnh: ConTuSa

Ông Trình Văn Minh ngồi bó gối nhìn ra cánh đồng sau nhà. Không thấy nước về ông cũng chẳng thiết tha soạn câu, lưới đã cất kỹ từ mùa nước trước. “Năm ngoái nước thấp mà tầm này cũng ngang ngực rồi. Năm nay tệ hơn không thấy nước nôi gì, đoán chừng chắc không có lũ luôn rồi”, ông Minh nói.

Mùa nước nổi là một trong những nét đặc trưng của miền Tây. Nước về giúp đồng ruộng vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột… Nước cũng mang về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển… Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8-11 dương lịch.

Hơn 30 năm làm nghề săn bắt sản vật mùa nước nổi với ông Minh lũ về là khoảng thời gian cá mắm gia đình ăn không hết và “có đồng ra đồng vô” mỗi ngày. Như mùa lũ năm ngoái, với 10 khúc lưới, 3 cái dớn ông Minh ra đồng kiếm ít cũng vài ký cá linh và cá mè vinh. “Cũng tùy con nước, ít khoảng 7-8 ký, nhiều hơn thì vài chục ký, kiếm ngày vài trăm nghìn đồng khỏe re”, ông Minh nói.

Lũ về muộn, ông không có việc làm, vợ ông thường ngày đan lát ghế mây cũng thất nghiệp vì ảnh hưởng dịch bệnh. Hai người con của ông, làm thợ hồ và công nhân cũng đang nằm ở nhà vì Covid-19.

Chung cảnh ngộ, tại làng nghề đóng xuồng rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, nhiều cơ sở đã nghỉ dịch hơn hai tháng. Các năm trước, nước về sớm và nhiều, làng nghề nhộn nhịp đóng xuồng cho ngư dân ra đồng bắt cá. Những năm gần đây, nước về thấp lại muộn nên các đơn hàng đóng xuồng càng thưa thớt.

Bà Đỗ Thị Cẩm Loan còn 50 chiếc ghe Tam Bản đóng cho khách hàng ở Bến Tre để đi trong những mương dừa, ao cá. Do giãn cách xã hội nên số ghe chất trong kho bà chưa thể giao đi. Riêng những chiếc xuồng cui để dành đi đồng đánh cá xưởng của bà chưa nhận được đơn hàng nào.

“Mỗi năm làm chừng vài chục chiếc cho đỡ nhớ nghề chứ lũ năm nào cũng thấp đâu có ai đặt đóng xuồng nhiều nữa”, bà Loan than. Trung bình ghe Tam Bản dài 4-5 m có giá dao động từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng một chiếc.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp trong hai tháng qua mực nước các nơi trong tỉnh chịu ảnh hưởng thủy triều Biển Đông kết hợp lũ thượng nguồn, xu hướng lên dần. Hiện, mực nước tại đầu nguồn còn thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,5 m, cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,3 m. Tương tự, khu vực nội đồng Tháp Mười thấp hơn nhiều năm khoảng 0,5 m, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.

Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự báo nửa đầu tháng 10, lũ đạt đỉnh tại khu vực đầu nguồn ở mức dưới báo động 1 (tại Tân Châu 3,5 m), khu vực nội đồng Tháp Mười ở mức báo động 1 (tại Trường Xuân – Tháp Mười là 1,3 m). Sau đó mực nước tại các khu vực này sẽ biến đổi chậm và xuống dần từ giữa tháng 10.

Tương tự Đồng Tháp, tại An Giang, tỉnh đầu nguồn miền Tây nước cũng rục rịch lên đồng nhưng chưa cao. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này dự báo đỉnh lũ trên sông Hậu tại Châu Đốc, trên sông Tiền tại thị xã Tân Châu và khu vực nội đồng Tứ Giác Long Xuyên cao hơn báo động 1 từ 0,1 đến 0,3 m. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, úng tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại thành phố Long Xuyên trong các đợt triều cường kết hợp lũ và mưa lớn.

Mực nước trên sông tại khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu lên người dân chuẩn bị câu lưới để đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập khi nước tràn đồng. Ảnh: ConTuSa
Mực nước trên sông tại khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu lên, người dân chuẩn bị đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập. Ảnh: ConTuSa

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết đầu mùa mưa năm nay, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã giữ lại phần lớn lượng nước khiến mùa lũ năm nay về chậm so với điều kiện tự nhiên.

Cụ thể, trung tuần tháng 8 các đập ở Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng 1,4 tỷ m3 nước. Hầu hết 34 đập chi lưu ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam cũng đã giữ lại tổng cộng 633 tỷ m3 nước trong các hồ chứa.

“Việc tích nước này đã diễn ra hàng năm vào đầu mùa lũ. Thông thường, những năm có đủ lượng mưa thì các đập thủy điện Mekong ít ảnh hưởng đến lượng nước và thời gian nước chảy về Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thiện nói.

Theo chuyên gia này, năm nay, lượng mưa đầu mùa trong lưu vực lại thấp hơn mức trung bình nhiều năm đã tác động lớn đến mực nước sông Mekong. Trong đó, ảnh hưởng lớn đến lượng thủy sản tự nhiên do thiếu nơi sinh sản, cũng như ảnh hưởng nông nghiệp ở một số nơi trong lưu vực.

Tin liên quan