Mùa săn cua đồng

Người dân huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà lội ruộng lúc đêm tối bắt cua đồng về chế biến làm thực phẩm, hoặc đem bán 70.000-90.000 đồng/kg.

Tối đầu tháng 12, ông Phạm Bá Tiến, 50 tuổi, trú thôn Phúc Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, mang ủng, đồ bảo hộ, đèn pin, xô nhựa, dao, cùng 5-6 hàng xóm lái xe máy chở nhau ra các cách đồng cách nhà khoảng 2 km. Dựng xe trên đường, mọi người bước xuống ruộng, tỏa đi các hướng để bắt cua đồng.

Mương nước bên ruộng có nhiều hang cua đồng. Hang đường kính 7-10 cm, sâu 20-30 cm, cứ cách khoảng một mét lại xuất hiện một cái. Đêm đến cua đồng thường ra ngoài kiếm mồi, là thời điểm thợ săn giăng bẫy.

Người dân xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên lội ruộng bắt cua đồng. Ảnh: Đức Hùng

Người dân xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên lội ruộng bắt cua đồng. Ảnh: Đức Hùng

Lội dọc các mương nước và khoảnh ruộng vừa thu hoạch lúa, ông Tiến chăm chú quan sát, mỗi khi thấy con cua dưới mặt nước thì lập tức cúi khom người, bắt bỏ vào xô nhựa. Trung bình cứ đi khoảng bốn bước, ông lại bắt được một con, may mắn gặp 2-3 con một chỗ. Ánh đèn pin rọi nhấp nháy khắp một vùng.

“Thợ săn phải di chuyển nhẹ nhàng và theo dõi từng di biến động. Cua đồng rất nhạy cảm với không gian xung quanh, nếu phát hiện nguy hiểm sẽ bò vào hang hoặc ẩn nấp dưới lớp bùn ngay”, ông Tiến giải thích.

Với những con cua trốn trong hang, ông Tiến thường lội xuống mương, khom người lấy dao đeo bên hông phát quang cây cỏ xung quanh, sau đó đưa tay phải vào sâu bên trong, ngoáy vài lần để bắt.

Trong hang và dưới nước thường xuyên xuất hiện rắn và đỉa. Đề phòng bị cắn, người dân thường mua đèn pin có độ sáng cao để dễ phát hiện, ngoài ra còn phải đi ủng cao sát đầu gối, mang găng tay nhựa. “Nếu lỡ tay bắt trúng rắn thì cần bình tĩnh, không nên tấn công lại chúng. Mấy năm trước, trong huyện có người bị rắn độc cắn khi đi bắt cua. Rất may họ được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng”, ông Tiến nói.

Săn cua đồng là công việc làm thêm của người dân Hà Tĩnh. Cua sinh sản quanh năm, song nhiều nhất tháng 4-6 và tháng 10-12 âm lịch. Vào hai dịp này, cua thường ăn những hạt lúa rơi vãi nên béo, kích thước to hơn và nhiều gạch.

Theo bà Nguyễn Thị Thuận, 52 tuổi, trú huyện Thạch Hà, thời điểm này nông nhàn, buổi tối mọi người thường tranh thủ ra đồng bắt cua bán, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Có những gia đình huy động 4-5 thành viên tham gia.

Cua đồng bắt xong thường được nông dân bỏ vào xô nhựa, đập nắp lại nên không thể thoát ra ngoài. Ảnh: Đức Hùng

Cua đồng bắt xong thường được nông dân bỏ vào xô nhựa, đập nắp lại nên không thể thoát ra ngoài. Ảnh: Đức Hùng

Mỗi đêm, từ 18h30 đến hơn 21h, bà Thuận cùng con gái bắt được hơn 5 kg cua đồng tại các khoảnh ruộng gần nhà ở xã Việt Tiến, bán 70.000-90.000 đồng một kg. “Nếu chịu khó cũng được gần 500.000 đồng”, bà Thuận cười tươi, chia sẻ nghề này ít chi phí, chỉ cần đầu tư hơn 400.000 đồng mua đèn pin, xô nhựa và một số dụng cụ bảo hộ là có thể dùng được 1-2 mùa.

“Cua có hai loại, màu tím và vàng đồng. Cua màu vàng luôn được thương lái ưa chuộng bởi thịt mềm. Màu tím là cua ngoại, có những con kích thước lớn, trọng lượng hơn 100 gam, song ít xuất hiện ở ruộng lúa”, bà Thuận nói.

Trung bình mỗi đêm đi săn, nông dân Hà Tĩnh bắt được 5-7 kg cua đồng, nếu gia đình nào đông nhân lực thì thu về 10-15 kg, bán 500.000 đến hơn một triệu đồng. Tại mỗi xã luôn có 1-2 thương lái thu mua cua đồng tập trung, mỗi ngày mua được 100-300 kg. Họ sau đó đem nhập cho các đối tác trên địa bàn, hoặc thuê xe tải chở ra miền Bắc giao cho nhà hàng, quán nhậu.

Cua đồng tên khoa học Somanniathelphusa sinensis, một số địa phương gọi là con dam hoặc điền giải. Loài này sống ở tầng đáy vùng nước ngọt, thích nghi với bùn sét, bùn cát. Cua đồng có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, được chế biến nhiều món ăn như nấu canh, lẩu, bún riêu, cua rang mỡ…

Tin liên quan