Tại sân đình làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên), 16 trai tráng cởi trần, đóng khố đua nhau đưa quả cầu gỗ 20 kg vào hố của đội bạn.
Hội vật cầu nước ở thôn Yên Viên (còn gọi là làng Vân), xã Vân Hà, huyện Việt Yên, mở từ ngày 12 tới 14/5.
16 thanh niên khỏe mạnh tham gia gọi là quân cầu, chia làm hai giáp trên và dưới, mỗi giáp 8 người. Tất cả đóng khố, cởi trần. Khoảng 14h ngày 12/5, họ làm lễ ở sân đền, uống rượu và ăn hoa quả để tăng dũng khí.
Phần lễ kết thúc, khoảng 15h, quả cầu tròn làm bằng gỗ mít được rước từ đền ra sân đình. Thời xưa, trước ngày lễ, các quân cầu sẽ phải ăn chay, kiêng yêu đương, giữ tâm trong sạch. Số quân cầu này được một ban huấn luyện (do làng cử ra) để dạy cách đi, để tay, cách chơi…
Quả cầu nặng 20 kg có từ lâu đời và truyền qua nhiều năm. Cầu là dương, tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm.
Theo quan niệm dân gian, âm dương hòa hợp thì mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên. Đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Sân đình được xây vuông vắn, rộng khoảng 200 m2. Mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được là kết thúc một hiệp.
Người giành được quả cầu là giành được năng lượng mặt trời, giành được vận may về cho dân làng.
Tục truyền rằng, khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương. Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì họ bị quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, quỷ ra điều kiện nếu thắng phải được thưởng lớn; còn nếu thua sẽ quy phục theo hầu nhà thánh.
Cuối cùng, quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.
Theo hương ước của làng, 4 năm sẽ khai hội một lần, trong những năm kháng chiến 1945-1954 ít tổ chức. Đến năm 1973, nhân dân khôi phục và duy trì. Năm 2022, được nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, lễ hội mang đầy đủ sắc thái, diện mạo của lễ hội truyền thống.
Trước kia, lễ hội vật cầu nước tổ chức ngày 22-24/4 âm lịch nhưng nhiều năm nước sông Cầu dâng cao khiến không thể diễn ra. Sau làng đổi sang ngày 12-14/4 âm lịch cũng là thời điểm trăng sáng, thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội vào các buổi chiều muộn.
Một quân cầu sau khi cướp được quả cầu đang tìm cách di chuyển sang hố đội bạn.
Toàn quốc có hơn 8.000 lễ hội, 297 lễ hội văn hóa, nhưng lễ hội vật cầu nước chỉ có ở làng Vân. Người tham gia đều được tuyển chọn khắt khe, có tinh thần đồng đội cao.
Những pha tranh cướp trên sân thường xuyên mang lại sự thích thú, tiếng cười cho người xem.
Có những trận cầu diễn ra nhiều tiếng mà không bên nào đưa được cầu vào hố của đội bạn.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngày 12/5 luật chơi là đánh hai cầu (hai lần cầu vào hố), ngày 13/5 đánh ba cầu và ngày 14/5 đánh bốn cầu.
Ngày 12/5, lễ hội diễn ra trong mưa nặng hạt nhưng thu hút cả nghìn người dân tới cổ vũ.
Trong chiều 13/5, lễ hội vật cầu nước làng Vân sẽ được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.