Mùa săn dế

Tháng 7-9 âm lịch, người dân xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, đi bắt dế về chế biến làm thực phẩm, hoặc đem bán 2.000 đồng một con.

Chiều trung tuần tháng 9, anh Hồ Quang Chiến, 34 tuổi, trú xã Sơn Hồng, mang hai can nhựa 10 lít, xẻng, chai nhựa khoét lỗ, lái xe máy chở người bạn ra bãi đất trống ven suối, cách nhà khoảng 2 km, để săn dế.

Tại các bãi đất trống rộng hàng nghìn mét vuông, hàng trăm ụ đất mới nổi lên, dấu hiệu của tổ dế. Tổ hình tháp, đường kính chân rộng khoảng 20 cm, cao 5 cm, bán kính 3 m xuất hiện một tổ.

Xuống suối múc đầy nước vào hai can nhựa, anh Chiến cùng bạn đi tìm tổ dế. Khi xác định được tổ, anh dùng tay đẩy lớp đất mới phía trên để thấy rõ miệng, đưa ngón trỏ vào sâu bên trong để xem hướng. Tiếp đến, anh cầm can nhựa đổ nước vào cho đến khi ngập tổ.

Anh Hồ Quang Chiến đang đào tổ dế. Ảnh: Đức Hùng

Anh Hồ Quang Chiến đang đào tổ dế. Ảnh: Đức Hùng

Dế không chịu được nước, thấy tổ bị ngập thì lập tức gáy lớn và bò ra khỏi miệng. Quan sát thấy con dế lấp ló, anh Chiến nói lớn: “Cẩn thận”. Ngay lập tức, người đi cùng đứng bên cạnh dùng chân đạp xẻng, chắn một nhát xuống sâu khoảng 30 cm để chặn lối thoát của dế.

Tiếp đó, người đàn ông nhấc chân, dùng sức nhấn cán xẻng xuống thấp để xúc phần đất lên trên. Anh Chiến sau vài giây quan sát đã bắt được con dế bỏ vào chai nhựa. Bắt được một con dế mất khoảng 3 phút.

Anh Chiến nói săn dế phải phối hợp nhịp nhàng với người đi cùng, nhanh tay nhanh mắt, nếu chậm nó sẽ nhảy đi chỗ khác. Ngoài ra, việc căn chỉnh xẻng để chặn hang phải đạt độ chính xác gần như tuyệt đối, nếu sai lệch dế sẽ chui vào hang sâu hàng chục cm, buộc phải dùng xẻng đào nhiều lần mới tìm ra.

“Lúc dế xuất hiện, việc bắt phải khéo léo và dứt khoát, tránh bị chúng cắn vào tay. Ngoài ra, nếu chụp mạnh quá dế sẽ chết”, anh cho hay.

Săn dế là nghề thời vụ của người dân xã Sơn Hồng, diễn ra vào tháng 7-9 âm lịch hàng năm. Mỗi tổ dế thường có một con sống bên trong, song thời điểm này chúng đang vào mùa sinh sản, con đực phát ra tiếng kêu để thu hút con cái, nên đôi lúc có thể bắt được cả cặp dế.

Thợ săn cho hay dế rất thông minh, khi làm tổ thường đào hai ngách, gồm chính và phụ. Loài này thường sống và trú ẩn ở ngách chính, khi gặp nguy hiểm, bị tấn công sẽ chạy sang ngách phụ để lẩn trốn. Nếu ai đi săn mà không có kinh nghiệm thì không thể phát hiện ra con vật đang lẩn trốn ở vị trí nào.

Trong 3 tiếng buổi chiều, anh Chiến bắt được hơn 100 con dế, dự định đưa về chế biến làm thực phẩm. Nhiều người trong thôn khi bắt xong đem bán cho thương lái hoặc một số người dân trong vùng, giá 2.000 đồng một con.

Anh Chiến cho biết thêm, thực khách thường ưa chuộng dế cái, vì béo ngậy, dế đực thường cứng và thịt khô. Để phân biệt, cần quan sát kỹ. Con trống thân to, có xoáy trên lưng. Con cái cánh dài, suôn mượt, bụng chứa trứng lớn.

Anh Chiến bắt được hai cặp dế trống mái sau hơn 10 lần đổ nước vào hang. Ảnh: Đức Hùng

Anh Chiến bắt được hai cặp dế trống mái sau hơn 10 lần đổ nước vào hang. Ảnh: Đức Hùng

“Ngày nhỏ tôi cùng nhóm bạn buổi sáng đến lớp, chiều về trong lúc chăn trâu bò thường rủ nhau đổ nước bắt dế nướng ăn. Nay đã trưởng thành và đi làm xa, song mỗi lần về quê đi săn dế, ký ức luôn ùa về”, người đàn ông 34 tuổi nói.

Ông Nguyễn Văn Hưng, 58 tuổi, trú xã Sơn Hồng, luôn mong chờ tới vụ bắt dế. Nếu thời tiết thuận lợi, hàng ngày bỏ ra khoảng 5 tiếng đi săn dế, ông Hưng bắt được hơn 150 con, đem bán thu lời khoảng 300.000 đồng. “Vợ chồng làm ruộng nên kinh tế bấp bênh. Thu nhập từ bán dế những dịp này là khoản tiền lớn, giúp trang trải nhiều khoản”, ông nói.

Săn dế có nhiều phương pháp, ngoài đổ nước vào thì cũng có thể dùng cuốc bổ từng nhát rồi lần theo xuống hang, hoặc dùng sợi dây thép gắn lò xo luồn vào bên trong để bắt. Sơn Hồng là vùng sơn cước, các bãi đất trống thường nằm bên cạnh suối nên thợ săn thường chọn cách đổ nước cho thuận tiện.

“Đôi lúc gặp rủi ro vì trong hang có thể xuất hiện rắn. Có lần tôi bị loài bò sát này tấn công khi để tay sát miệng hang, rất may không phải rắn độc”, ông Hưng kể. Vào mùa mưa lũ, tổ bị ngập, dế sẽ trèo lên các cành cây. Lúc này việc bắt dế sẽ nhàn hơn, chỉ cần quan sát kỹ trên cây là có thể dùng vợt hoặc tay bắt.

Đĩa dế cơm chiên giòn trong bữa tối của một gia đình ở xã Sơn Hồng. Ảnh: Đức Hùng

Đĩa dế chiên giòn trong bữa tối của một gia đình ở xã Sơn Hồng. Ảnh: Đức Hùng

Dế được xem là đặc sản tại các nhà hàng, quán nhậu tại Hà Tĩnh, thương lái luôn thu mua của thợ săn để nhập lại kiếm lời. Dế sau khi làm ruột, rửa sạch bán ra thị trường 2.500 đồng một con. Dế được chế biến thành nhiều món như chiên bột, nướng, rang muối ớt… Ở huyện Hương Sơn, dế ướp gia vị chiên giòn là món ăn được ưa chuộng nhất.

Dế là loài côn trùng thuộc bộ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe, đào hang sống dưới đất. Trên thế giới ước tính có 1.000 loài dế, chủ yếu thuộc các họ dế mèn gryllidae và dế trũi gryllotalpidae.

Dế ăn các vật hữu cơ, cây cỏ non, rễ cây nhỏ, các phần thân non của cây, gây phá hoại cho rau, cây lương thực… Ở Việt Nam, hiện có nhiều người nuôi dế với số lượng lớn để bán cho hàng quán làm món ăn, vì có nhiều chất dinh dưỡng.

Tin liên quan