(Khám phá) Trong hai tháng cuối năm, người dân huyện Đắk Hà rộn ràng thu hoạch những hạt cà phê chín đỏ trĩu cành.
Huyện Đắk Hà là một trong những vùng trồng cà phê ngon bậc nhất Việt Nam, nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum tầm 20 km về hướng bắc, dọc theo quốc lộ 14.
Được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” Kon Tum, Đắk Hà có diện tích trồng cà phê trên 9.000 ha. Hầu hết các nhà vườn đều trồng cà phê do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng.
Tháng 11, 12 là mùa thu hoạch hạt cà phê tại đây. Trái ban đầu lác đác đỏ, sau hơn hai tuần thì chín hết và cũng là thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng mưa bão trong tháng 11, mực nước tại sông Đắk Pxi dâng cao nên một số hộ dân đã thu hái sớm để đề phòng trái rụng.
Dù vậy, người dân vẫn lạc quan vào vụ mùa với nụ cười tươi. Sáng sớm, công nhân lái xe công nông, mang bao bạt, cơm và nước uống đến vườn.
Họ căng tấm bạt lớn quanh gốc cây theo từng luống để trái không bị rơi ra ngoài. Họ vít cành, tuốt quả, với những cây cà phê cao, phải dùng ghế hoặc trèo lên cây để hái những chùm trái trên ngọn. Gần một tiếng, khi tấm bạt trải dưới gốc phủ đầy trái cà phê, người hái nhặt bỏ lá, gom trái vào trong bao và đi sang luống khác.
Những chùm hạt cà phê chín mọng đỏ trên cành. Hương vị hạt cà phê chín đỏ còn tươi thu hút khỉ đến kiếm ăn.
Cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Danh tiếng cà phê Đắk Hà còn được giới sành cà phê nhận định có hàm lượng cafeine mạnh, vị đậm và ít chua. Sự nguyên chất, thuần khiết đã làm nên tên tuổi, dấu ấn của cà phê Đắk Hà trên thị trường trong và ngoài nước.
Nguyễn Ngọc Thái (hay Thái Bana), nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh cho biết, nhà anh cũng trồng cà phê, khoán cho công nhân hái trái theo tạ, với khoảng 70.000 – 80.000 đồng mỗi tạ. Người lao động chịu khó, một ngày có thể hái được 3 – 4 tạ quả cà phê tươi.
Tháng 6/2020, cà phê Đắk Hà được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà nằm ở độ cao 523 – 875 m so với mặt nước biển, gồm 11 xã, thị trấn là Đắk Mar, Ngọk Wang, Hà Mòn, Đắk Ui, Đắk La, Đắk Long, Đắk Psi, Đắk Ngọk, Ngọk Réo, Đắk Hring và Đắk Hà.
Kết thúc giờ làm, xe công nông chở các bao cà phê theo những con đường nhỏ trong vườn, bờ thửa rồi băng về nhà.
Các bao cà phê tươi được vận chuyển về nơi tập kết. Nhà nào cũng có sân phơi, vào ngày thu hoạch cao điểm, người dân còn tận dụng khoảng trống trong vườn, ngoài ngõ trải bạt ra phơi.
Người dân cào phơi cà phê phơi cho kịp nắng. Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian phơi có thể trên dưới 7 ngày.
Những khi trời ít nắng nhiều hộ dân đã áp dụng phương pháp sấy khô cà phê bằng lò sấy, tiết kiệm thời gian hơn.
Trái cà phê đã phơi khô được xát bằng máy để loại bỏ vỏ ngoài cho ra nhân cà phê thành phẩm. Và cuối cùng bảo quản hạt cà phê trong bao tải, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát và đợi đến thời gian rang xay.
“Với người trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, mùa thu hoạch cà phê diễn ra rộn ràng nhưng cũng lắm nỗi nhọc nhằn, vất vả. Ngày mùa còn là dịp các bạn trẻ tìm đến trải nghiệm, chụp ảnh và quay video”, Thái Bana chia sẻ.