Sau vài giờ thả lưới trên đầm Nha Phu, anh Nguyễn Văn Tý cùng bạn thuyền kéo lên gỡ 2,5 kg tôm tích, kiếm mỗi người 300.000 đồng.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:05/Thời lượng 0:38Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình
4h mỗi ngày, anh Tý (41 tuổi, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đội đèn pin cùng bạn đưa lưới lên chiếc thuyền máy nhỏ, khởi động máy hướng về đầm Nha Phu, cách đó 10 km.
Đến vị trí đánh bắt quen thuộc sau gần một giờ vượt sóng, anh giảm tốc độ để người đi cùng buông lưới rê rộng 2,2 m, xuống đáy nước sâu chừng 6 m. Khi những tia nắng đầu tiên hắt lên bầu trời, công việc giăng lưới hoàn tất, anh Tý neo thuyền nghỉ ngơi.
Năm 20 tuổi, anh Tý ra vùng biển trước nhà phụ giúp cha thả lưới, gỡ tôm và cũng để học nghề. Vài năm sau, khi lập gia đình, anh sắm thuyền, cùng vợ nối nghiệp cha một cách thuần thục.
Sát mép đất thôn Ngọc Diêm là vùng vịnh lõm sâu, được che chắn bởi ba hòn đảo là núi Cả, hòn Lăn và núi Bé ở ngoài khơi. Người dân nơi đây dùng những chiếc xuồng nhỏ, chèo đi giăng lưới gần bờ cũng thu về rất nhiều tôm tích và cá, mực.
Làng chài người càng lúc càng đông, biển cạn dần tôm cá nên cuộc mưu sinh họ trở nên khó khăn hơn. Ngư dân lắp thuyền máy, dong ra vùng biển xa hơn. “Bây giờ, nghề biển không phải cứ thả, rồi kéo lưới lên là có ăn đâu. Nó phụ thuộc vào thời tiết, con nước nên thu nhập vô chừng chừng lắm”, anh nói.
Theo kinh nghiệm của anh Tý, hôm nào trời đầy gió sẽ nhiều tôm dính lưới. Trong khi những ngày lặng sóng “chỉ vớt được vài lạng cá, đủ cả nhà ăn dè sẻn”. Còn hôm nay, anh Tý thấy vui khi bắt được 2,5 kg tôm tích. Trừ chi phí, chuyến đi lãi 600.000 đồng, anh chia cho bạn một nửa.
Đầm Nha Phu rộng gần 1.500 ha, cách TP Nha Trang khoảng 15 km về phía Bắc, được xem là một trong hai đầm lớn thuộc tỉnh Khánh Hòa có hệ thống sinh thái núi rừng, sông hồ, biển đảo… Mùa tôm tích nơi đây kéo dài từ tháng ba đến tháng 11 hàng năm.
Ở thôn Ngọc Diêm có khoảng vài chục thuyền làm nghề bắt tôm tích. Trở về bờ sau chuyến đi kéo dài 8 tiếng, anh Nguyễn Văn Quân, 32 tuổi, thu được 1,5 kg tôm. Anh cho biết, mỗi ngày trung bình kiếm được hơn hai kg tôm cùng một ít tôm bạc, ghẹ… Trừ hết chi phí dầu máy, ăn uống, mỗi chuyến anh thu được 400.000 đồng, đủ sống qua ngày.
Ngư dân 10 năm làm nghề tỏ ra lo lắng khi vài năm trở lại đây tôm cá trong đầm ngày càng ít do tình trạng đánh bắt tận diệt của tàu giã cào. “Nó càn quét kiểu đó, vài năm nữa chắc tụi tui giải nghệ vì không còn con gì để bắt”, anh Quân nói và chỉ tay về phía những con tàu giã cào nổ máy bành bạch.
Theo anh, tàu giã cào khi đánh bắt dùng loại lưới mắt dày, nhiều lớp và chì để bắt hải sản từ đáy đến mặt nước. Cá lớn đến bé, trong đó có cả tôm tích đều không thoát.
Tôm tích ngư dân sau khi đánh bắt được thương lái mua ngay tại bờ biển với giá dao động 130.000-250.000 đồng mỗi kg, tùy kích cỡ. Tôm cỡ lớn, họ bỏ mối cho các nhà hàng và những vựa hải sản ở TP Nha Trang, tôm nhỏ đưa ra chợ bán.
“Ngày thường vẫn có tôm lớn nhỏ bán lẻ, nhưng đến mùa du lịch, có bao nhiêu đại lý gom hết vì nhu cầu tiêu thụ của du khách tăng cao”, chị Nguyễn Thị Giăng, 38 tuổi, chuyên thu mua hải sản nói.
Tôm tích hay tôm tít, bề bề… là hải sản giàu dinh dưỡng, thường được dùng chế biến thành nhiều món ngon như cháy tỏi, rang muối, rang me, hấp sả…