Dùng lực của chiếc ghe đẩy bùn cát dưới đáy sông Trường Giang, nhóm thợ ngâm mình trong nước, lấy vợt bắt con phi – đặc sản từng được tiến vua.
Giữa tháng 6, tại ngã ba sông Tam Kỳ đổ ra Trường Giang, huyện Núi Thành, nước lợ xuống cạn, người dân dong ghe đến bắt con phi. Mỗi chuyến đi có 3-4 người. Trên sông các ghe cách nhau hơn 50 m.
Hơn 14h, những người thợ đến vùng nước sâu khoảng một mét, có bãi cát phía dưới, cách bờ 20 m, nơi nhiều phi sinh sống. Anh Trần Văn Thọ, 23 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, cắm cây cọc dài 4 m, dùng dây cố định chiếc ghe.
Chiếc ghe cố định, anh Thọ nổ máy khiến chân vịt tạo lực mạnh đẩy nước làm xói bùn cát dưới đáy sông, phi nằm trong cát bị cuốn theo dòng nước. Họ đặt chiếc vợt hứng phi, còn bùn đất bị đẩy ra ngoài. Chiếc ghe di chuyển thành vòng tròn trên sông để bắt phi, khi hết thì chuyển đến nơi khác.
Vùng nước xoáy đục ngầu tạo thành những hố sâu dưới đáy sông, lộ ra con phi. Người thợ dùng vợt tre hơn 3 m, phía dưới gắn một túi lưới để bắt.
Sau 5 phút thả vợt, anh Trần Xuân Hảo, 24 tuổi, xã Tam Tiến, đưa lên có năm con phi cùng vỏ ốc, sò, rác thải cho vào rổ nhựa.
Anh Trần Xuân Hiếu, 21 tuổi, đãi sạch bùn đất lấy những con phi. “Một ngày thợ làm từ ba đến sáu tiếng. Khi nhặt lấy phi nếu không cẩn thận sẽ bị các vật sắc nhọn cứa đứt da”, anh chia sẻ.
Bùn đất, rác thải lẫn lộn được đãi sạch. Thợ bắt phi lớn, còn phi nhỏ, vỏ ốc, rác thải vứt ra ngoài.
Gần tối, nước lên, thợ dừng việc. Trước khi lái ghe về bến, họ tranh thủ phân loại trùn nước và phi cho vào rổ rửa sạch để bán.
Nhóm bốn người bắt được 30 kg phi và 7 kg trùn nước thu gần 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí tiền dầu gần 200.000 đồng, mỗi người thu 300.000 đồng. “Nghề này phụ thuộc vào con nước. Hôm nước cạn thì bắt được nhiều, nước lớn bắt được ít”, anh Thọ (áo đen) nói và cho biết năm nay phi ít hơn các năm trước.
Phi giống con trai biển, gần giống trùng trục nước ngọt, vỏ mỏng, dài hơn 5 cm, sống trong bùn cát sâu hơn 30 cm. Do thịt thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng, phi là đặc sản trứ danh một thời dùng để tiến vua.
Phi bắt về bán cho thương lái tại địa phương giá 25.000 đồng/kg. Loại này ngâm nước muối hạt với độ mặn tương tự nước lợ trong một ngày đêm để nhả hết cát. Sau đó, phi được chế biến thành nhiều món ăn ngon như hấp, nấu canh, xào, nấu cháo…