(Cuộc sống muôn màu) Huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có hàng chục gia đình làm nghề đốt than ém khí, mỗi tháng xuất cả trăm tấn than.
Gia đình anh Lê Văn Sơn (35 tuổi, ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) làm nghề đốt than nhiều năm nay. Với hai lò đốt (công suất hơn 3 tấn một lò), trung bình mỗi tháng anh Sơn cho ra lò khoảng 6-7 tấn than thành phẩm. Loại than này thường dùng để nhóm lò, sưởi ấm, quay nướng thực phẩm trong các nhà hàng, quán ăn…
Nguyên liệu đốt than là các loại cây như nhãn, vải, lát hay xà cừ… được thu mua từ những khu vườn tạp, rừng tái sinh người dân quanh vùng chặt hạ để trồng cây mới.
Sau khi tập kết về gần lò, củi sẽ được dùng máy cưa tay cắt thành các thanh ngắn để xếp vào lò được thuận tiện nhất. Đốt than ém khí là cách đốt than thủ công truyền thống trong lò thiếu oxy, giúp những cục than còn nguyên vẹn như thân gỗ ban đầu, không bị tàn lụi khi ra lò.
Sau khi xếp củi đầy vào trong, miệng lò sẽ được lấy gạch và bùn nhão bịt kín chỉ trừ một cửa nhỏ để nhét củi đốt.
Những thợ lò lâu năm cho hay, mỗi lò than sẽ được đốt âm ỉ liên tục trong vòng 12-15 ngày sau đó lấp toàn bộ cửa và để lửa cháy thêm một tuần thì có thể ra lò.
Nghề đốt than vất vả nhất là hai thời điểm vào và ra lò, đòi hỏi người thợ cần có sức khỏe tốt, dẻo dai.
Công đoạn ra lò, phân loại than thường do công nhân nữ đảm nhiệm.
Than được chia theo từng loại lớn nhỏ khác nhau sau đó đóng vào các bao tải lớn.
Thị trường than thường là các nhà hàng, quán ăn ở địa phương hoặc các tỉnh lân cận, có khi xuất ra tận Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…
Với giá bán khoảng 7.000 đồng một kg (giao tại nhà), mỗi lò than trừ chi phí anh Sơn thu lãi 5 triệu đồng. Tổng thu nhập cả năm từ nghề đốt than của gia đình khoảng 100 triệu đồng.
Ngoài nguồn thu nhập ổn định, anh Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động. Tại huyện miền núi Cẩm Thủy có hàng chục hộ dân làm nghề đốt than theo phương pháp ém khí truyền thống, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn than củi.
Tuy mang lại thu nhập, nghề đốt than ém khí rất ảnh hưởng sức khỏe người lao động do phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi bặm và khí độc.
Bà Trịnh Thị Phòng (54 tuổi, ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) thường xuyên phải đeo khăn bịt kín mặt để tránh hít bụi bẩn. Khuôn mặt và quần áo của những phụ nữ ở lò than thường lấm lem cả ngày.