(TIn hot)
Thủy triều rút, lộ ra những đám rong xanh bám vào bờ kè, người dân xã Cẩm Nhượng lại cặm cụi nhặt, kiếm 100.000-200.000 đồng mỗi ngày.
10h30 ngày 24/2, vợ chồng bà Phan Thị Thìn, 67 tuổi, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cùng hàng chục người dân mang rổ rá, thìa nhôm ra nhặt và cạo rong ở bờ kè biển. Rong còn gọi là tảo bẹ, loài sinh vật biển giàu chất đạm, khoáng và xơ.
Bà Thìn ngồi xổm trên bờ kè, tay trái cầm rổ, tay phải nhặt rong bám trên mảng bê tông. Sợi rong chỉ dài một cm, thân mảnh, thỉnh thoảng bà Thìn phải dùng thìa nhôm để cạo. Sóng từ ngoài bờ đánh vào từng đợt, bà vội cầm rổ đứng dậy tránh bị ướt người và nước cuốn trôi rong.
“Rong biển mọc trên các bờ kè, rạn san hô, vách đá và có thể sống ở hai môi trường, nước mặn và nước lợ”, bà Thìn nói. Cứ khoảng 10 phút, bà Thìn đưa nhúm rong vừa nhặt vào chậu nước đặt phía trên bờ.
Nhặt rong biển là nghề thời vụ của người dân xã Cẩm Nhượng, từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Công việc phụ thuộc vào thủy triều, một tháng chỉ làm 20 ngày khi nước rút.
Mỗi ngày bà Trần Thị Diễn, 45 tuổi, ra bờ kè Cẩm Nhượng nhặt rong từ 10h30 đến 15h, được khoảng 5 lạng, giá bán 300.000 đồng một kg. “Trung bình mỗi hôm thu về 100.000-200.000 đồng, một vụ được khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền này đủ giúp tôi trang trải một số chi phí trong gia đình”, bà Diễn nói.
Nhặt rong không mất chi phí, song phải làm xuyên trưa, ngâm chân tay trong nước nhiều tiếng. Bàn tay của họ trắng bệch, nhăn nhúm, đôi lúc bị chảy máu vì va phải các mảng bê tông sắc cạnh và những sợi thép gắn sẵn giữa bờ kè.
Có người đánh đổi cả tính mạng. Gần đây nhất ngày 23/2, một phụ nữ ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên trong lúc đi cạo rong ở bãi đá Mũi Dung, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, bị sẩy chân xuống biển và đuối nước.
Để tránh tai nạn, bà Phan Thị Thìn, 57 tuổi, nói: “Chúng tôi luôn nhắc nhau cẩn thận, không xuống sát bờ biển nhặt rong, bởi khi sóng lớn ập vào rất khó tránh. Nhóm tôi luôn đi theo tốp 5 người, tránh riêng lẻ, khi gặp sự cố khó ứng cứu”.
Rong nhặt xong được ngâm trong chậu nhựa, phân loại ngay tại chỗ. Khi đưa về nhà, người dân tiếp tục rửa thêm hai đến ba nước cho sạch, sau đó vắt khô, mang ra chợ ở xã Cẩm Nhượng bán.
Khách hàng thường mua rong về nấu canh, súp, hoặc làm các món ăn theo kiểu Hàn Quốc.