(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1967, tại phố Chợ Sa, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghề ảnh nên men say nghệ thuật đã ngấm vào anh từ tấm bé.
Nguyễn Tiến Dũng bảo rằng ngay từ nhỏ, ông nội đã hướng anh theo nghề truyền thống của gia đình. Vậy là, cùng với những bài học ở lớp ở trường, cậu bé Nguyễn Tiến Dũng đã được ông nội và cha dạy cho những kiến thức về kỹ thuật ảnh tại nhà, từ cách cầm máy, lắp phim, ngắm nét rồi kỹ thuật chụp hình…Trải qua những bỡ ngỡ buổi ban đầu, Tiến Dũng đã dần quen với ống kính, khuôn hình và cả kỹ thuật in, phóng ảnh… Ngày ấy, chưa có máy ảnh kỹ thuật số nên việc chụp ảnh phim cũng đòi hỏi người chụp sự cẩn trọng hơn nhiều.
NSNA Nguyễn Tiến Dũng
Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại: “Những ngày của thập niên 80, 90 thế kỉ trước, thị trường phim và giấy ảnh còn rất khó khăn, cha tôi đã phải mua những thước phim đo bằng mét (không có phim cuộn) thậm chí cả phim và cả giấy ảnh quá đát về làm ảnh để trả cho khách. Muốn mua phim giấy còn hạn sử dụng cũng không có mà mua, vậy nên mỗi lần bấm máy phải tính toán cẩn thận, tỷ mỉ. Rồi đến công đoạn in tráng phim cũng vô cùng khó khăn.
Việc thường nhật
Khi đó điện lưới Quốc gia chỉ dành cho các khu công nghiệp, cha con tôi phải mang máy phóng ảnh đi hàng chục cây số đến nơi có điện để in nhờ, có hôm đến 4-5h sáng mới xong…Cái khó ló cái khôn, không biết cha tôi đã học được ai cách làm ảnh bằng ánh sáng trời nên từ đó cũng đỡ phần nào vất vả, nhọc nhằn. Nhưng làm ảnh bằng ảnh sáng trời cũng có cái khó của nó vì nguồn sáng không ổn định (lúc mưa, lúc nắng)…”
“Cái nôi”- truyền thống nhiếp ảnh của gia đình đối với Nguyễn Tiến Dũng vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm. Bởi vậy khi được “tiếp quản” hiệu ảnh “Quê hương nhiếp ảnh” bên cạnh ý thức gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, nghệ sỹ Nguyễn Tiến Dũng còn luôn tâm niệm phát huy và nâng tầm cho kịp xu hướng nhiếp ảnh đương đại. Anh chia sẻ: “Đối với tôi nhiếp ảnh là nghề truyền thống cha truyền con nối.
Trái ngọt ngoại thành
Nhưng từ ảnh dịch vụ tới ảnh nghệ thuật là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Thật may mắn vì bố tôi (nhiếp ảnh gia: Nguyễn Văn Phát) cũng là người đam mê ảnh nghệ thuật và ông luôn hướng cho tôi đi theo con đường đó. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra câu lạc bộ nhiếp ảnh Đông Anh và duy trì cho đến ngày hôm nay.”
Tổ ấm
Gắn bó với nhiếp ảnh từ những ngày thơ ấu, giờ đây khi đã là một nghệ sỹ được biết tới với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật ghi dấu ấn, Nguyễn Tiến Dũng vẫn không thể nào quên những kỷ niệm đầu tiên khi anh “rẽ lối” từ chụp ảnh dịch vụ sang chụp ảnh nghệ thuật.
Ấy là năm 2000 khi Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “Thế giới quanh ta”, Nguyễn Tiến Dũng mạnh dạn tham gia cuộc thi với tác phẩm “Bóng chiều”- một tác phẩm ảnh nghệ thuật đầu tay của anh. Và lần thi đó tác phẩm của anh đã được lựa chọn. “Với một người mà lâu nay chỉ biết cầm máy chụp dịch vụ mà có ảnh được dự treo trong cuộc triển lãm toàn quốc đó là một niềm vinh dự, tự hào lớn lao không những đối với tôi mà bất kỳ với những ai cầm máy.”- nghệ sỹ Tiến Dũng bày tỏ.
Tiên ông
Và bắt đầu từ “Bóng chiều”, những tác phẩm ảnh nghệ thuật khác của Nguyễn Tiến Dũng cũng lần lượt được ra đời. Có một điều dễ nhận thấy trong tác phẩm của Nguyễn Tiễn Dũng đó là những khoảnh khắc được anh lựa chọn để bấm máy chủ yếu là cuộc sống sinh hoạt đời thường. Với Nguyễn Tiến Dũng, chụp ảnh về khoảnh khắc đời thường cũng chính là sở trường của anh.
Nắng qua đình cổ
“Sở dĩ tôi chọn thể loại này bởi cuộc sống luôn hiện hữu ngay trước mắt và xung quanh mình”- anh tâm sự. Và mảnh đất Cổ Loa quê hương của anh- một trong những “điểm đến” của khách du lịch, cũng chính là nơi đã được anh thu lại trong ống kính của mình muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống đời thường. Từ “Bóng chiều”, “Đường làng”, “Nắng qua đình cổ”, “Trái ngọt ngoại thành”, “Khéo tay”, “Đón lễ”, “Tiên nông”….. đến mảng ảnh thời sự tài liệu vô cùng quý giá ghi lại hình ảnh của các nguyên thủ quốc gia về thăm và làm việc tại Cổ Loa.
Nắng chiều
Bên cạnh một Cổ Loa cổ kính, tác phẩm của Nguyễn Tiến Dũng còn ghi dấu biết bao hình ảnh bình dị nơi miền sơn cước: những người con của bản làng, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, những nụ cười đôn hậu, những ánh mắt ngây thơ đến khờ dại của các em bé dân tộc thiểu số… Những khoảnh khắc này là kết quả của hành trình rong ruổi vùng Tây Bắc với niềm đam mê nhiếp ảnh đến tột cùng và cả tình yêu quê hương đất nước thiết tha.
Miền quê êm ả
Đối với Nguyễn Tiến Dũng mỗi một chuyến đi là một trải nghiệm đầy thú vị và cũng để lại những kỷ niệm không thể nào quên: “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được cầm máy đi sáng tác nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó đoàn chúng tôi gồm ba anh em, bắt xe khách từ Sa Pa sang Điện Biên.
Khéo tay
Hành trình vô cùng vất vả, trên xe chật cứng người, tôi phải ngồi gần anh lái xe. Không ngờ dưới chỗ tôi ngồi là một két nước làm mát ô tô, nhưng do đi đoạn đường dài, xóc lại nhiều khúc cua tay áo, két nước sôi ùng ục dẫn đến bó máy, xe không thể chạy được. Khi đó phụ xe mở nắp két nước ra, ngay lập tức nước phun cao lên khoảng 70 phân làm anh phụ xe bị bỏng phần mặt và người. Tôi ngồi cạnh đó bị một phen hú vía…”- Nhiếp ảnh gia nhớ lại.
Đường làng
Đam mê, không ngừng học hỏi, tích lũy vốn sống và chụp theo cách riêng của mình- đó là điều khiến cho Nguyễn Tiến Dũng ít nhiều đã thành công trên con đường nghệ thuật đầy gian khó. Anh đã vinh dự được trở thành hội viên của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và cũng dần khẳng định được dấu ấn của riêng mình trong làng nhiếp ảnh qua những giải thưởng từ các cuộc thi ảnh trên toàn quốc cũng như ở Hà Nội: Giải khuyến khích cuộc thi ảnh toàn quốc năm 2003; Giải khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội năm 2004; Giải đồng hạng cuộc thi vận động sáng tác ảnh nghệ thuật và báo chí về đề tài quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân (2001 – 2004); Giải đồng hạng cúp Vapa năm 2006 (không có giải nhất); Giải nhất cuộc thi ảnh Hà Nội năm 2007; Giải ba Cuộc thi ảnh “Nét đẹp trong ứng xử của người Hà Nội” năm 2007; Giảỉ ba cuộc thi ảnh “Trẻ em mối quan tâm của chúng ta” năm 2012; Giải ba cuộc thi ảnh “Hành trình di sản Việt Nam” năm 2013 cùng một số giải thưởng khác….
Đón lễ
Bước sang tuổi ngũ tuần, khi mà tuổi đời và tuổi nghề dường như đã vào “độ chín”, Nguyễn Tiến Dũng ước ao trong một ngày không xa sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân theo phong cách của riêng mình. Anh cũng mong muốn sẽ tiếp tục được rong ruổi tới thật nhiều nơi để tích lũy thật nhiều vốn sống cũng như kinh nghiệm, có được những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Và một ước mơ vô cũng bình dị đó là: “Tôi muốn các con tôi sau này cũng đi theo con đường nhiếp ảnh mà tôi đã chọn…”- Nghệ sỹ Tiến Dũng chia sẻ trong niềm hy vọng.
Bài: Gia Phú
Ảnh: NSNA Nguyễn Tiến Dũng