(Nhiếp ảnh Hà Nội) Năm 2012, trong cuộc thi và Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 2, bức ảnh “Thủ khoa Hà Nội” của tác giả Nguyễn Văn Tán đã xuất sắc vượt qua hơn 1000 tác phẩm để giành tấm Huy chương Vàng duy nhất . Và chủ nhân của bức ảnh khi ấy cũng mới chỉ là nghệ sỹ nhiếp ảnh không chuyên, đầy đam mê và nhiệt huyết anh…
NSNA Nguyễn Văn Tán
Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tán sinh năm 1949 tại làng hoa nổi tiếng của Hà Nội: làng hoa Ngọc Hà. Cho đến bây giờ những năm tháng ấu thơ vẫn còn in đậm trong ký ức của nghệ sỹ. Tuổi thơ của cậu bé Tán ngày ấy đắm chìm trong thế giới trăm hồng ngàn tía, trong những khuôn hình luôn hiện hữu bóng dáng của những người nông dân lam lũ một nắng hai sương bên những ruộng hoa. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh những cô thôn nữ năm xưa của làng hoa Ngọc Hà, lúc ở nhà thì tảo tần vác cuốc, gánh nước, khi ra phố thì điệu đà, khuê các.
Thủ khoa Hà Nội
Chính những “bức tranh làng quê” ấy đã in dấu trong ký ức tuổi thơ ông và sớm cho Nguyễn Văn Tán một cảm quan về con người về cái đẹp được khắc họa từ chính hiện thực của cuộc sống lao động. “Hồi còn nhỏ chúng tôi là những đứa trẻ nghịch ngợm, chúng tôi thường rủ nhau đi khắp ngõ xóm phố phường Hà Nội. Ngày ấy Hà Nội còn nhỏ lắm nên có thể nói chúng tôi thuộc từng mái nhà, từng ngôi biệt thự, khu công sở, cửa hàng, mậu dịch, hợp tác xã mua bán, từng hàng cây góc phố.
Những năm tháng rong ruổi, khờ dại ấy đã giúp thế hệ chúng tôi được quan sát, trải nghiệm và tự nhiên đã ghi chép được trong lòng những gì đẹp đẽ, thân thương nhất về Hà Nội. Những dấu ấn xưa cũ ấy đã làm giàu thêm cho tâm hồn chúng tôi”- Nguyễn Văn Tán chia sẻ. Và chính tình yêu Hà Nội, chính những kỷ niệm, những ký ức không bao giờ phai về thành phố rất xưa cũ nhưng vô cùng gần gũi thân thương ấy đã mở lối cho ông con đường đến với nhiếp ảnh.
Thêm một lý do để Nguyễn Văn Tán sớm ý niệm được về cái đẹp, về lòng vị tha, về lẽ đời… ấy là ông được lớn lên từ những lời ru của mẹ. Những lời ru được chắt lọc từ kho tàng ca dao, tục ngữ chứa đựng muôn việc, muôn vẻ của đời thường từ cái bống, cái bang, từ con cò lặn lội, từ cái tôm cái tép, từ những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, đến ông tiến sỹ vinh quy bái tổ… đã bồi đắp cho tâm hồn thơ của cậu bé Nguyễn Văn Tán để rồi sau này khi dẫn bước vào con đường nghệ thuật những dáng núi, hình sông, mây trời non nước đến tình thương, đạo hiếu và mọi lẽ ở đời cứ thế ùa về trong tác phẩm của ông.
So với các đồng nghiệp của mình, Nguyễn Văn Tán đến với nhiếp ảnh muộn hơn. Ông kể, khi 16 tuổi, ông đã được tuyển chính thức vào đội bóng đá Thể công, nhưng chỉ được ít lâu sau vì lý do sức khỏe, ông đành bỏ dở con đường mình đã chọn. Trở về, cuộc sống mưu sinh với bao vất vả gian truân đã cuốn ông theo những dòng xoáy của thương trường nhưng dường như không thể làm mất đi những rung cảm của ông trước cái đẹp, trước cuộc sống.
Nữ Cảnh sát Giao thông Hà Nội
Và như một lẽ thường tình, ông cầm máy, đi và sáng tác. Năm 2010, có thể coi là dấu mốc đánh dấu con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của Nguyễn Văn Tán. Vượt qua những chập chững, ngỡ ngàng, ông mạnh dạn chụp những gì mình yêu thích và có cảm xúc. Không chỉ bó hẹp những khuôn hình ở thành phố mình đang sống, ông tiếp tục rong ruổi vùng Tây Bắc, xuôi về miền Trung, lang thang các nẻo của các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ…
Đón nắng
Qua mỗi chuyến đi “lưng vốn” của Nguyễn Văn Tán lại có thêm nhiều khoảnh khắc đẹp của đất và người. Từ những cô thôn nữ, những bà mế vùng cao, anh bộ đội biên phòng, chiến sỹ công an đến những em nhỏ; từ phố phường của Thu đô đến làng bản rồi hoa lá, cỏ cây… tất cả đều được ông ghi lại thật sống động.
Kính trọng người khiếm thị
Đến với nhiếp ảnh, ban đầu chỉ đơn giản là lưu lại những cái đẹp, những dáng vẻ xưa cũ và quen thuộc của Hà Nội để mai sau, để các thế hệ Người Hà Nội có thể nhìn ngắm được những gì đẹp đẽ đang hiện diện…thế nhưng niềm đam mê đã đưa Nguyễn Văn Tán đến với nhiều vùng miền trên cả nước và cũng đã đem lại cho Nguyễn Văn Tán những thành công nhất định.
Hoàng hôn
Tháng 6/2012, 3 tác phẩm của ông gồm (“Thánh địa Mỹ Sơn”, “Làng cổ Đường Lâm với bạn bè quốc tế”, “Chủ nhân tương lai của đất nước” ) đã được chọn treo tại triển lãm ảnh Góc nhìn báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Cũng năm đó, trong cuộc thi và Liên hoan ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ II, bức ảnh “Thủ khoa Hà Nội” với bố cục chặt chẽ, màu sắc tươi sáng đã đem về cho Nguyễn Văn Tán huy chương Vàng – giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Lần đầu được giải, một cảm xúc mạnh liệt trào dâng khiến ông vô cùng xúc động: “ Đó chính là phần thưởng lớn nhất trong hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh của tôi và cũng là một kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên”- Nguyễn Văn Tán chia sẻ.
Mùa hoa lộc vừng
Năm 2013, Nguyễn Văn Tán chính thức được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Cũng từ đây, ông đã bắt đầu hòa nhịp với giới nhiếp ảnh nghệ thuật Thủ đô bằng việc tham gia tích cực các cuộc thi, các liên hoan do Hội tổ chức như: cuộc thi Trang phục áo dài trong đời sống văn hóa Việt, cuộc thi ảnh Nhịp đời với doanh nhân, triển lãm ảnh Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Thành phố Hà Nội lần thứ IV 2014.
Nữ chiến sĩ công an
Với Nguyễn Văn Tán, nhiếp ảnh là cách để ông cân bằng trong cuộc sống, cũng là để góp sức cùng với các nghệ sỹ nhiếp ảnh Thủ đô ghi lại những khoảnh khắc đẹp về đất về người của Hà Nội hôm nay. Vậy nên hỏi nghệ sỹ: “Có lúc nào ông nghĩ sẽ dừng rong chơi với nhiếp ảnh nghệ thuật hay không”, lão nghệ sỹ chỉ tủm tỉm cười: “Khi nào còn sức lực, tôi sẽ vẫn săn tìm cái đẹp cho ống kính của mình”.
Bài: Gia Phú
Ảnh: NSNA Nguyễn Văn Tán