(Nhiếp ảnh Hà Nội) Ngũ Hành Sơn được tạo thành bởi năm ngọn núi có tên là núi Đùng, núi Đá Chông, núi Mồng Gà, núi Ông Chài, núi Chùa. Di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng Ngũ Hành Sơn – Non Nước là một trong những điểm thu hút du khách khắp nơi gần xa của Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn nằm trên địa phận xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Khoảng đầu thế kỷ 19, một lần vua Minh Mạng ghé thăm danh thắng này. Nhà vua không khỏi ngạc nhiên trước phong cảnh nơi đây thật hữu tình nên thơ. Người liền đặt tên cho năm ngọn núi là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Hòa Sơn và cả quần thể năm ngọn núi này là Ngũ Hành Sơn thế rồi tên Ngũ Hành Sơn được gọi từ đó.
Tượng Đức Phật Quán Thế Âm thiên tạo trọng động Quan Âm
Phật tử nghe thuyết Pháp tại Chùa Hương Sơn – Ngũ Hành Sơn
Vườn Chùa Long Hoa
Tới Ngũ Hành Sơn, chúng ta không thể không ngạc nhiên trước cảnh núi non hùng vĩ với nhiều hình dáng sinh động và những sắc thái riêng của từng ngọn núi. Núi Mộc Sơn có động Bà Trung, núi Thổ Sơn có hang Cóc, núi Hỏa Sơn có động Huyền Vi và Chùa Linh Sơn. Chưa kịp hết ngạc nhiên này thì đã tới ngạc nhiên khác khi chúng ta bắt gặp núi Thuỷ Sơn với nhiều chùa chiền, nhiều hàng động đến lạ thường. Nơi đây có chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, động Huyền Không, động Linh Nham, động Hoa Nghiêm, động Âm Phủ, vọng Giang Đài, vọng Hải Đài, hang Gió, v.v… Đặc biệt về phong cảnh non nước hữu tình, rất nên thơ thì ta phải kể đến núi Kim Sơn nằm trên bờ sông Trường Giang. Trên đỉnh ngọn Kim Sơn có một tảng đá lớn nhô lên người ta gọi là hòn Phật hay đỉnh Kim Vọng. Ngũ Hành Sơn không chỉ là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia nổi tiếng mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh, là chỗ dựa tinh thần không chỉ của mọi người dân cả vùng này mà còn cho khắp cả nước.
Toàn cảnh Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước
Lễ cầu an
Năm 1956, hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra một hàng động ở núi Kim Sơn. Trong động là cả một quần thể kiến trúc thiên tạo rất độc đáo, diệu kỳ với bức tượng có hình Quán Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật được tạo thành bởi các lớp thạch nhũ bám vào vách động. Bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thiên tạo với bộ xiêm y lớp lánh như kim tuyến, tay cầm bình nước Cam Lồ và nhành Dương Liễu trông thật sống động, thật huyền ảo. Bên cạnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát có một cột thạch nhũ, cao khoảng 5m chảy từ vòm động xuống gần sát nền động. Khi gõ vào cột đá, một âm thanh phát ra nghe như tiếng chuông. Đi sâu vào trong, ta gõ vào vách động nghe như tiếng mõ, gõ xuống nền động nghe như tiếng trống, v.v… Dường như mới đây có đủ cả một bộ nhạc khí huyền diệu, độc đáo đến kinh ngạc của tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng trống… Chính vì vậy mà động này được đặt tên là động Quan Âm. Sau khi tìm thấy động Quan Âm, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ dưới chân núi gần động, lấy tên là chùa Quan Âm. Ngày nay chùa Quan Âm được xây dựng tráng lệ và uy nghi hơn rất nhiều lần so với trước đây.
Lễ rước Đức Phật Quán Thế Âm
Lễ dâng ánh sáng
Lễ dâng hoa
Để kỷ niệm ngày sinh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, 19 tháng Hai âm lịch, Hòa thượng Thích Huệ Hướng cùng chư tăng của chùa Quan Âm đã tổ chức lễ hội văn hóa tâm linh này trong tháng ngày 17, 18, 19 tháng Hai âm lịch lấy tên là Lễ hội Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước. Từ đó đến nay Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước được duy trì tổ chức chính thức vào 19/2 âm lịch hàng năm giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước không chỉ là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc mà còn là lễ hội văn hóa tâm linh, đem nguồn sáng trí tuệ và từ bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đến với mọi người không phân biệt giầu sang hay nghèo hèn, người Châu Âu hay Á Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với tình yêu thương bờ bến được người dân Việt Nam xem như một hình tượng mẹ hiền, nhân hậu, bao dung, từ bi. Ngài luôn hiện diện khắp cõi, khắp nơi, cứu khổ cứu nạn, ban vui an lạc cho muôn loài chúng sinh. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước thật sự là lễ hội tôn vinh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, một hình tượng hết lòng bao dung, từ bi; hết sức gần gũi, thân thiết với mọi tầng lớp công chúng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước có nhiều nghi lễ tâm linh Phật giáo như lễ dâng hoa; lễ rước ánh sáng; lễ cầu nguyện quốc thái dân an; lễ Trai Đàn Chấn Tế, lễ thuyết Pháp, v.v… Đặc biệt là rước tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát quanh Ngũ Hành Sơn với đủ cờ lọng, hoa đăng sắc màu rực rỡ trong không khí thành kính trang nghiêm. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước thật sự là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm tinh thần dân tộc với sắc thái độc đáo riêng biệt, kết hợp hài hòa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Chính vì đó Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước đầy hấp dẫn, thu hút mọi người dân không chỉ quanh vùng mà còn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Lễ dâng thư pháp
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện
Các hoá thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát
Ngoài ra lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí như hội thi thơ, nhạc, họa, viết thư pháp, đua thuyền, hội hoa đăng trên sông Cổ Cò, cắm trại, kéo co, hóa trang, rước cộ, hát tuồng, dân ca, hô bài chòi, biểu diễn võ thuật, triển lãm tranh thư pháp – thiền trà, triển lãm tượng đá mỹ nghệ Non Nước, văn hóa ẩm thực, v.v… Cuối năm 1999, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Non Nước đã được Nhà nước công nhận là một trong 15 lễ hội dân gian cấp Quốc gia tổ chức hàng năm.
Tăng nni, phật tử thiền hành từ Chùa Quan Âm tới Chùa Hương Sơn
Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh