Hội đua bò thường niên của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi diễn ra sôi nổi, thu hút 25.000 khán giả, người giành giải nhất được xe máy, 30 triệu đồng.
Người dân đổ về sân đua bò tại Khu thể thao du lịch Tà Pạ – Soài Chek, huyện Tri Tôn, vào sáng 14/10 để xem màn trình diễn của 56 đôi bò, vượt qua vòng tuyển chọn, tranh tài cấp huyện.
Hội thi đua bò lần thứ 28 tổ chức dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của người Khmer, từ 29/8 đến 1/9 âm lịch hàng năm. Đó là thời gian người dân vùng núi chuẩn bị vụ lúa mới. Ban đầu nông dân từ các phum, sóc (giống như xóm, làng) đưa bò đến cày, bừa ruộng miễn phí, làm công quả cho các chùa. Cày xong họ đua xem đôi bò nào nhanh khỏe.
Đôi bò cày giỏi, chạy nhanh nhất được các sư, sãi thưởng đôi dây cà tha (lục lạc đeo cổ bò). Theo thời gian, đua bò Bảy Núi thành lễ hội truyền thống hàng năm của người Khmer ở An Giang.
Khán giả tập trung quanh sân đấu, những lúc hào hứng sẽ tràn xuống đường đua. Khi bò đua đến gần họ nhanh chân tránh né trong khi các nài (người huấn luyện) kéo mạnh dây để “thắng” bò lại.
Trước khi xuất trận, bò được chủ xoa đầu, cho uống “nước tăng lực”.
Về thể thức thi đấu, các chủ bò bốc thăm chọn đôi bò đi trước, đi sau. Ở vòng hô (chiếm 2/3 đoạn đường), đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua hoặc đôi bò sau giẫm lên giàn bừa đôi trước sẽ bị loại.
Riêng vòng thả, đôi bò sau chỉ cần giẫm được bừa của đôi trước là thắng cuộc. Nài (người điều khiển) phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa trong khi đua, xem như thua cuộc.
Đôi bò số 01 bứt tốc trong cuộc tranh tài. Bò thắng cuộc trong hội thi được chủ dưỡng sức một thời gian trước khi trở lại cày bừa.
Nài liên tục hô lớn lệnh cho đôi bò chạy về đích.
Anh Chau Kim Chenh, nài giành hai cúp vàng, kể nghề này đòi hỏi sức khoẻ tốt, hiểu tính nết đôi bò và phải có chiến thuật khi ra sân. “Nghề đua bò cũng lắm hiểm nguy, nài dễ bị ngã khỏi bừa nếu không làm chủ tốc độ hoặc va chạm với đối thủ”, anh nói.
Đôi bò chạy trước bị đôi sau bắt kịp, giẫm bừa buộc nài phải nhảy lên cao tránh.
Một chú bò ngã xuống sân sau khi giẫm lên bừa đối thủ, được nhiều người đến giúp đỡ, đứng lên.
Với tinh thần vui là chính, nài bò thường xuyên giúp đỡ nhau. Trường hợp nài ngã phải nương theo bừa, đợi bò dừng hẳn, không được đứng lên ngay sẽ bị bừa cán qua.
Nếu bò đạp bừa của đối thủ đi trước, người đứng trên bừa phải lèo lái, vừa né cho bản thân vừa hãm bò để chúng không càn vào đối thủ.
Hai đôi bò bứt tốc về đích trong khi người chủ song song liên tục cổ vũ.
Nhiều trường hợp bò chạy lệch đường đua, leo hẳn lên khán đài khiến người xem hú vía né tránh. Những màn “chào hỏi” thế này nhận được nhiều tiếng cười đùa của khán giả.
Gương mặt lấm lem của một nài sau khi hoàn thành phần thi.
Chủ đôi bò số 42 – Chau Mane, huyện Tri Tôn, giành giải nhất với phần thưởng là xe máy, 30 triệu đồng tiền thưởng. Ngay sau khi lãnh cúp, gia đình chủ bò được các nhà sư đến chúc mừng.
Năm 2016, lễ hội đua bò được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.