Tì Bà Viên được Guinness công nhận là nhà hàng lẩu lớn nhất thế giới tính theo sức chứa cùng một lúc, với hơn 5.800 người.
Thành phố Trùng Khánh nổi tiếng với lẩu. Có hàng chục nghìn nhà hàng chuyên món ăn cay nóng này để du khách chọn lựa. Nếu bạn đang tìm một nhà hàng ấn tượng nhất thì chính là Pipa Yuan hay Tì Bà Viên.
Tì Bà Viên được miêu tả là “quán ăn khổng lồ nằm trên một ngọn đồi lớn”. Nơi đây được kỷ lục Guinness xác nhận là “Nhà hàng lẩu lớn nhất thế giới tính theo sức chứa thực khách” vào tháng 6/2022. Hiện nhà hàng có 888 bàn (người Trung Quốc thích số 8 may mắn), và phục vụ tối đa 5.851 người cùng lúc.
Tì Bà Viên rộng khoảng 3.300 m2, trải dài nửa quả đồi ở quận Nan’an, ngoại ô thành phố. Hầu hết thực khách đến quán đều phải có nhân viên dẫn đến bàn.
Từ bãi xe dưới chân đồi, thực khách phải đi bộ thêm 30 phút để đến nhà hàng nằm ở lưng chừng. Có sức chứa lớn, nhưng đến ăn mà không đặt bàn trước là điều “gần như không thể”, đặc biệt vào mùa xuân và hè. Không chỉ khách du lịch ghé thăm, nơi này còn hấp dẫn cả khách địa phương. Vào những ngày đông, nhà hàng phục vụ lượng khách “hơn cả dân số của một quận nhỏ” ở Trung Quốc.
Phục vụ hàng nghìn thực khách, nên nhà hàng cũng nấu vài tấn lẩu mỗi ngày và đòi hỏi đội ngũ nhân viên hùng hậu. Tì Bà Viên có hàng trăm nhân viên phục vụ bàn, hàng chục đầu bếp và hàng chục nhân viên phụ bếp, 25 thu ngân.
Quán đông cả ngày lẫn đêm, thời gian mở cửa từ 9h đến 24h. Nhiều du khách thích đến quán vào buổi tối vì nơi này rực rỡ sắc màu. Nhà hàng được chiếu sáng với hàng nghìn bóng đèn đầy màu sắc, trải dài toàn bộ sườn đồi.
Lẩu, món chính của nhà hàng, nhận được hàng nghìn đánh giá trực tuyến “ngon một cách đáng ngạc nhiên”. Nguyên liệu nhà hàng được đánh giá “tươi ngon”, “gia vị dịu nhẹ”, không quá cay và tầm nhìn đẹp. Dù vậy, điểm trừ là thời gian tiếp cận (mất 30 phút đi bộ) và thời gian chờ đợi lâu (đặc biệt vào giờ cao điểm).
Lẩu Trùng Khánh và lẩu Thành Đô là hai loại phổ biến, nổi tiếng nhất của Tứ Xuyên (Trùng Khánh trước đây thuộc tỉnh Tứ Xuyên, năm 1997 tách thành thành phố trực thuộc trung ương. Thành Đô là tỉnh lỵ của Tứ Xuyên). Lẩu Trùng Khánh còn được gọi là lẩu bao tử hay lẩu cay, có nguồn gốc từ cuối triều nhà Minh sang đầu nhà Thanh. Thành phần chính khi đó là nội tạng động vật và tiết.
Bắt đầu trở thành ngôi sao sáng trong làng ẩm thực Trung Quốc từ thế kỷ 19, lẩu Tứ Xuyên được biết đến nhờ vị tê, cay và thơm nồng. Trong đó, cay là linh hồn chủ đạo của món ăn, càng cay càng tốt. Nước lẩu sẽ phủ kín màu đỏ của các loại ớt, hạt tiêu.